Trường thọ vì...thông suốt tư tưởng

12-08-2016 08:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gia đình cụ Vũ Quang Triệu (tức Nguyễn Văn Tuyết) hiện ở số nhà 41, ngõ 135 phố Đội Cấn, Hà Nội có thể gọi là một “gia đình trường thọ”.

Gia đình cụ Vũ Quang Triệu (tức Nguyễn Văn Tuyết) hiện ở số nhà 41, ngõ 135 phố Đội Cấn, Hà Nội có thể gọi là một “gia đình trường thọ”. Cụ Triệu năm nay 97 tuổi và các em ruột: cụ Nguyễn Văn Bồng 94 tuổi, cụ Nguyễn Thị Lượng 92 tuổi, cụ Nguyễn Văn Tạo 91 tuổi, cụ Nguyễn Văn Đại 90 tuổi, cụ Nguyễn Khắc Khoan 87 tuổi...Cụ Vũ Quang Triệu đã vui vẻ thổ lộ về một trong những bí quyết để trường thọ, đó là…

Vững vàng trước thử thách

Cụ thân sinh cụ Triệu tên là Nguyễn Văn Thao, sinh năm 1900, quê Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Yên. Dân trong vùng còn gọi cụ là Giáo Thao, bởi trước cách mạng, cụ đã đứng ra mở trường, dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo trong làng, xã. Sẵn lòng yêu nước, mặc dù gia đình vốn có của ăn của để (cụ cố từng là Chánh tổng), khi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 nổ ra, cụ đi theo Việt Minh, đã động viên 10 con trai, con dâu lên đường nhập ngũ, bản thân cụ khi cướp chính quyền, là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện, được Tổng bộ Việt Minh ghi nhận công lao bằng việc tặng “Đồng tiền vàng”. Song sau này trên con đường đi theo cách mạng, cụ và các con cũng đã gặp không ít chông gai, thử thách...

Tết Nhâm Tý (1972) đồng chí Lê Duẩn đến thăm gia đình cụ Giáo Thao ở phố Đội Cấn, Hà Nội.

Cụ Vũ Quang Triệu là con thứ hai của cụ Giáo Thao, từng làm thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (giai đoạn 1947- 1956), nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Văn hóa, về hưu năm 1990. Cụ đã kể cho tác giả bài viết này một “biến cố” đã xảy ra với gia đình ngày ấy:

- Giữa năm 1953 tại Chiến khu Việt Bắc. Văn phòng Phủ Chủ tịch nhận được một công văn của Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương, được kính chuyển lên Hồ Chủ tịch. Linh cảm lúc đó tôi nghĩ ngay đến cha tôi đang bị đội cải cách bắt. Cha tôi ngày đó bị quy địa chủ, Quốc dân đảng và bị giam ở huyện Bình Xuyên. Ngày đó Phủ Chủ tịch đóng trên An toàn khu (ATK) thuộc Thái Nguyên, bộ phận hậu cần có nuôi vài con dê để lấy sữa bồi dưỡng sức khỏe cho cán bộ. Có lần Bác Hồ thấy tôi đang ở văn phòng thì gọi lại và san cốc sữa của Người đưa tôi uống. Tôi lúng túng không dám nhận, Người cười bảo: “Chú cũng phải uống để có sức khỏe phục vụ cách mạng chứ”. Khi ấy Người biết tôi là thư ký của Anh Tô (tên gọi thân mật Thủ tướng Phạm Văn Đồng), chứ không hề biết tôi là con “địa chủ kháng chiến” Giáo Thao ở Hương Canh. Thế rồi sau lần nhìn thấy cái phong bì đựng công văn ấy, tôi được anh Tạ Quang Chiến, một trong số các cán bộ giúp việc cho Bác Hồ tiết lộ một tin hệ trọng: Công văn “đề nghị Chủ tịch nước xét duyệt án tử hình đối với tên địa chủ, Quốc dân đảng Nguyễn Văn Thao ở Hương Canh...”. Và anh Chiến còn cho biết, Bác Hồ đã bút phê vào công văn: “Chuyển chú Tô. Cử người về địa phương thẩm tra kỹ, rồi báo cáo kết quả cho Bác để có quyết định”. Anh Tô trong đời thường rất gần gũi, chan hòa với cán bộ cấp dưới, song trong chuyện này anh giữ tính nguyên tắc, không cho tôi biết sự việc đó. Người được anh cử về quê tôi thẩm tra là anh Trần Quý Kiên, Phó Văn phòng Phủ Thủ tướng, Bí thư Đảng ủy các cơ quan dân chính đảng ATK (sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, anh là Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Thủy lợi, mất năm 1965, hiện có một đường phố ở quận Cầu Giấy, Hà Nội mang tên anh). Những ngày đó, tuy vẻ bề ngoài tôi vẫn giữ được sự điềm tĩnh vốn có, song trong lòng thì như có lửa đốt vì lo lắng. Rồi sau khi anh Kiên đi xác minh khoảng một tháng có tin vui từ quê, cha tôi đã được về nhà. Tôi như vừa trút bỏ tảng đá đè lên ngực mình. Anh Trần Quý Kiên khi trở về bị viêm phổi cấp, phải sang Trung Quốc chữa bệnh, đã viết thư cho tôi: “...Triệu cứ yên tâm công tác, ông cụ đã được xét là địa chủ kháng chiến, có công với nước”. Trong đợt sửa sai đầu tiên năm 1956, cha tôi đã được phục hồi mọi danh dự, quyền lợi. Ngày 27/8/1957, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho cha tôi vì “Có 10 người con tòng quân”. Tháng 9/1977, cha tôi còn được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng Có công với nước “Đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám”. Với các em tôi trong quân ngũ thời kỳ cha tôi bị bắt cũng bị liên lụy về thành phần, như trường hợp của chú Nguyễn Văn Bồng. Năm 1945, chú nhập ngũ, cán bộ Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, sau đổi thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đóng ở sân bay Tông, Sơn Tây. Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy làm Giám đốc trường; Chính trị ủy viên trưởng (tương đương Chính ủy hiện nay) đầu tiên là đồng chí Trần Tử Bình. Chủ nhật, ngày 26/5/1946, Bác Hồ cùng Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh đến khai giảng Khóa 1, trao cho trường lá cờ thêu dòng chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”, từ đó trở thành lời thề thiêng liêng của mỗi chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thời kỳ cải cách ruộng đất, do gia đình tôi bị quy “địa chủ, Quốc dân đảng”, chú đang là Phó Chính ủy Trung đoàn 88, thuộc Đại đoàn 308 cũng bị bắt giam. Thiếu tướng Trần Tử Bình với tư cách người dìu dắt chú ấy đi làm cách mạng và cùng chi bộ tại Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, đã thẳng thắn nói với người đến thẩm tra: “Tôi đã ba lần trả lời anh rồi. Nguyễn Văn Bồng không phải Quốc dân đảng! Chỉ khi nào Trần Tử Bình này là Quốc dân đảng thì Bồng mới là Quốc dân đảng”. Nhờ có sự bảo vệ đồng chí mình khảng khái như vậy, cùng với việc đã có sửa sai ở quê nhà, mà chú Bồng đã được minh oan, phục hồi chức vụ cũ. Chuyển ngành năm 1955 là Hiệu trưởng Trường trung cấp Ngoại ngữ, rồi làm Hiệu phó Trường đại học Tài chính.

Tác giả đang ghi câu chuyện do cụ Triệu (thứ hai từ trái sang) kể, bên cạnh là các em cụ đều ngoài 90.

“Tứ đại đồng đường cách mạng”

Có thể nói, đến nay gia đình cụ Giáo Thao xứng đáng là “tứ đại đồng đường cách mạng”, từ thế hệ cụ, đến con, cháu, chắt... đều một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Mùa xuân năm Nhâm Tý (1972), đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến thăm gia đình cụ ở phố Đội Cấn, đã nắm chặt tay cụ, nói: “Gia đình ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho Đảng. Nhân dân biết ơn cụ và gia đình”.

Quả là hiếm có một gia đình nào lại có bề dày cống hiến cho đất nước như thế: 1 liệt sĩ, 3 lão thành cách mạng, 5 cán bộ tiền khởi nghĩa, 2 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy. Đến hôm nay đại gia đình có trên 50 người là đảng viên Đảng cộng sản, trong đó có 10 đảng viên Cộng sản Đông Dương, 7 người có huy hiệu 60-65 tuổi Đảng. Và con cháu cụ hôm nay đều thành đạt trong nhiều ngành nghề, có người là giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ ưu tú, kiện tướng thể thao, nhà giáo ưu tú...

Nhân câu chuyện về tuổi thọ, cụ Vũ Quang Triệu vui vẻ nói: Anh em tôi thường bảo nhau là, “cái đầu” chỉ huy mọi hoạt động của cơ thể, phải thông suốt tư tưởng thì ta mới vượt qua được mọi thử thách, cũng như không có vướng mắc cấn cái gì trong lòng thì mới dồn tâm huyết cho công việc được. Trong anh em chúng tôi, ai cũng đã thực hiện đúng như vậy trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình. Tôi muốn nói thêm một điều này nữa. Có câu “Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống cũng chẳng ai bằng mình”, vậy thì không nên so bì hơn, thua về đãi ngộ, cấp bậc, chức vụ. Đấy cũng là một khía cạnh của sự thông suốt tư tưởng. Có thể anh em trong gia đình tôi may mắn có “gene” thọ, vì cha mẹ tôi đều thọ ngoài 80 tuổi, anh cả tôi mất khi tuổi gần 90, cứ đà này nhiều người bảo tôi có thể đạt tới “bách tuế”. Người già thọ mà vẫn sống khỏe, sống vui ấy là điều hạnh phúc. Hiện tôi, các em tôi, con cháu tôi đều có được hạnh phúc là nhờ vào hồng phúc của tổ tiên, cùng sự thông suốt trong tư tưởng trong mỗi người. Tôi nói vậy không biết có đúng không?


Hồng Phúc
Ý kiến của bạn