Trường Sa xa mà gần!

30-05-2011 2:26 PM | Xã hội

Chạm chân lên đất liền tại cảng Cát Lái trong cái nắng cháy bỏng của mùa hạ miền Nam, tôi ngoái lại sau lưng: biển cả mênh mông, những đảo nổi, đảo chìm, những Nhà dàn DKI và những gương mặt sạm nắng gió của các chiến sĩ hải quân đã khuất xa.

Chạm chân lên đất liền tại cảng Cát Lái trong cái nắng cháy bỏng của mùa hạ miền Nam, tôi ngoái lại sau lưng: biển cả mênh mông, những đảo nổi, đảo chìm, những Nhà dàn DKI và những gương mặt sạm nắng gió của các chiến sĩ hải quân đã khuất xa. Cảm xúc thương mến chợt dâng trào. Chia tay nhé ! (Dù biết rằng cơ hội ngày trở lại của chúng tôi không có nhiều), nhưng chúng tôi tin giữa đảo xa, cán bộ, chiến sĩ của chúng ta sẽ tiếp tục nhận nhiều tình cảm quý mến, trân trọng luôn gửi về các anh; đất liền và biển đảo sẽ gắn chặt. Trường Sa xa mà gần lắm trong tâm thức mọi người…

Đúng 8 giờ sáng ngày 28/4/2011, tàu HQ 957 của Quân chủng Hải quân (QCHQ) - Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cất 3 hồi còi chào đất liền tại cảng Cát Lái - TP.HCM tiến thẳng ra biển Đông. Đoàn công tác liên bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng đã thăm quân và dân trên các đảo, nhà dàn DKI thuộc Quần đảo Trường Sa…
 Sĩ quan, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa đón tiếp đoàn công tác.

Thao thức Trường Sa

Con tàu rẽ sóng trùng dương có tốc độ trung bình 9 hải lý/giờ (tương đương 16,2km/giờ) đưa chúng tôi đến Trường Sa. Đại tá Nguyễn Đức Nho - Phó Tham mưu trưởng QCHQ - Trưởng đoàn công tác đã điều khiển tàu HQ 957 lên đường thực hiện chuyến công tác thăm, làm việc và tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo, nhà dàn DKI, điểm đảo khu vực phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài lực lượng cán bộ, chiến sĩ hải quân và tổ phục vụ trên tàu, hầu hết đại biểu đều là những người lần đầu tiên ra đảo nên có chung tâm trạng: phấn khởi, bồi hồi và mang theo nhiều cảm xúc khác nhau rất khó tả. Tất cả mọi người đều thao thức hướng về Trường Sa thân yêu đang đợi chờ…

Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên sóng nước giữa trời biển bao la, 5 giờ sáng ngày 30/4 - đảo Trường Sa Lớn đã hiện ra trong niềm vui trào dâng. Theo lịch trình, tàu buông neo ngoài khơi đưa đại biểu xuống các xuồng cứu hộ của Bộ đội Hải quân lên thăm đảo chìm Đá Lát (cách đảo Trường Sa Lớn 14 hải lý về phía Nam). Đây là đảo đầu tiên đoàn đại biểu đặt chân đến nên ai cũng muốn ở lại thật lâu, nói chuyện thật nhiều để tìm hiểu và chia sẻ cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở một điểm đảo chìm vốn nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt không bằng các đảo nổi lớn hơn trong quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc…

Chín ngày đêm khó quên

Tại đảo Trường Sa Lớn (đảo duy nhất tàu HQ 957 cập cảng được trong toàn bộ chuyến công tác), đứng từ thành tàu nhìn lên, hình ảnh đảo Trường Sa Lớn hiện ra như một con tàu, giữa tứ bề biển cả mênh mông là một doi đất dài với những dãy nhà xây kiên cố, cây cối xanh um tùm vươn ra án ngữ như thử thách với phong ba bão táp. Đảo Trường Sa Lớn là một trong 3 đơn vị hành chính của huyện đảo Trường Sa, là “thủ đô của huyện Trường Sa” (gồm thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn và xã Song Tử). Đoàn công tác chúng tôi dừng lại nơi đây gần 6 giờ đồng hồ để gặp mặt, thăm hỏi tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ; thắp hương tại chùa Trường Sa Lớn, viếng các liệt sĩ đã hy sinh trên các đảo và thềm lục địa phía Nam tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, viếng Nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm và tặng quà 7 hộ dân đầu tiên tình nguyện ra đảo Trường Sa Lớn thực hiện Chương trình “Dân sự hóa đảo” của tỉnh Khánh Hòa… Mọi người tay bắt mặt mừng dưới sắc nắng nồng nàn tháng tư lịch sử. Nhiều đại biểu rất xúc động khi lần đầu tiên trong đời được chạm đôi bàn tay mình vào bia chủ quyền thiêng liêng trên đảo Trường Sa Lớn, được thỏa mắt ngắm biển đảo xanh lung linh dưới nắng sớm và cuộc sống tràn trề nhựa căng trên đất đảo. Điều thú vị nhất là trong đông đảo cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn ra tận cầu cảng đón đoàn công tác chúng tôi có đủ 7 hộ dân và thật đáng yêu có 7 em thiếu nhi là con của các hộ dân này. Các em đang là học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đều do cô giáo Bùi Thị Nhung (1 trong 7 hộ gia đình đã tình nguyện ra đây sinh sống và giảng dạy từ tháng 4/2008).

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến Đảo Trường Sa Đông - một đảo nổi  nhỏ có diện tích hẹp nhưng cũng tràn ngập màu xanh của cây bàng quả vuông - loại cây rất đặc trưng thích nghi sóng gió trên đất đảo. Dù rằng, khí hậu rất khắc nghiệt, thiếu nước ngọt lại thường xuyên chịu nhiều bão tố thất thường nhưng toàn đảo đều xanh tươi với những vườn rau, bí bầu trĩu quả, heo, gà, vịt… được bộ đội trồng và chăn nuôi đủ thấy tinh thần tự lực vượt khó, kiên trì bám đảo của cán bộ, chiến sĩ nơi đây đáng quý biết nhường nào. Đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sĩ trên đảo chờ đợi nhiều ngày qua và đón tiếp rất nồng hậu. Xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã cử đoàn công tác ra thăm, tặng quà động viên cán bộ chiến sĩ đúng vào dịp Kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 35 năm giải phóng Trường Sa, Trung tá - Chính trị viên Cấn Văn Hướng - Đảo trưởng đã tâm sự: “Đây là sự động viên rất lớn để cán bộ, chiến sĩ chúng tôi vững chắc niềm tin, sống và chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc…”.

Đoàn công tác đã thăm hỏi, tặng quà và đội văn nghệ xung kích của Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng theo đoàn đã tổ chức biểu diễn văn nghệ giao lưu tại tất cả điểm đến của đoàn. Xúc động nhất, đáng trân trọng nhất là tình cảm của các sĩ quan, chiến sĩ đang chốt giữ tại các đảo chìm và nhà dàn DKI. Mặc dù cuộc sống, sinh hoạt đã và đang được quan tâm cải thiện nhiều hơn trước: có đủ điện thắp sáng (nhờ tận dụng sức gió và pin năng lượng mặt trời một cách tối đa), đảm bảo thông tin liên lạc với các đảo và đất liền, trồng được rau xanh và chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, chó…) và tranh thủ đánh bắt cá cải thiện bữa ăn; tuy nhiên, diện tích các đảo chìm và các nhà dàn DKI rất nhỏ, cheo leo giữa mênh mông biển cả, thiếu nước ngọt lại đóng chốt ở những vùng đầu sóng tứ bề là biển sâu và bãi đá san hô trầm tích; mưa, nắng, bão tố rất thất thường nên còn gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn. Vượt lên tất cả là tinh thần đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ, thương yêu nhau như anh em một nhà, chia sẻ vui, buồn động viên nhau công tác, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bảo vệ biển đảo. Qua tìm hiểu, đa số các chiến sĩ tại các đảo chìm và các nhà dàn đến từ rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước và tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người đã hai, ba năm chưa được về thăm đất liền, thăm gia đình do bận thực thi nhiệm vụ cao cả. Chúng tôi thực sự xúc động được các chiến sĩ kể lại, tại Nhà dàn DKI Phúc Nguyên và  Phúc Tần trong hai cơn bão dữ (cơn bão số 10/1990 và cơn bão số 8 năm 1998) đã đánh sập 5 nhà dàn, 12 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Các anh đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi…

 Những hộ dân đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn.

Nghĩa tình nơi biển đảo

Trong gần 9 ngày đêm vượt biển xa, đoàn công tác đã thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các đảo nổi: (Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, đảo Phan Vinh (điểm A, B), đảo An Bang); các đảo chìm: đảo Đá Lát, Đá Tây (điểm A và C), Chuyền Chài, Quế Đường và Nhà dàn DKI/8, DKI/19. Đoàn đã tặng quà, gồm những phẩm vật hết sức thiết thực phù hợp cuộc sống trên đảo: thuốc men, lương thực, thực phẩm, hạt giống các loại rau xanh, tài liệu, sách, báo và tiền mặt…Tổng trị giá 500 triệu đồng. Đặc biệt, tại khu vực đá ngầm Quế Đường và Nhà dàn DKI, QCHQ đoàn công tác đã neo tàu dừng lại trang nghiêm làm Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam; dâng hương, đặt vòng hoa và hơn 300 đóa hoa hồng vàng tươi mang từ Đà Lạt được thả xuống lòng biển khơi. Bài phát biểu ôn lại sự hy sinh quên mình của các liệt sĩ hải quân tại các Nhà dàn DKI của Đại tá Nguyễn Đức Nho - Phó Tham mưu trưởng QCHQ - Trưởng đoàn công tác đã làm nhiều người xúc động lau nước mắt.

Chiều 5/5/2011, tại khu dầu khí Bạch Hổ - Vũng Tàu, QCHQ Việt Nam, tàu HQ 957 và đoàn công tác đã tổng kết, đánh giá toàn bộ chuyến công tác sau gần 9 ngày đêm thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Cuộc chia tay giữa các đại biểu liên bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng với cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ tàu HQ 957 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân diễn ra trên sóng nước thật cảm động và lãng mạn đến tận khuya trước khi con tàu nhổ neo trở về cảng Cát Lái (TP.HCM) kết thúc cuộc hành trình đầy ắp kỷ niệm.

  THANH DƯƠNG HỒNG


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH