Trường Sa trong ký ức người làm báo

22-06-2016 08:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ðã mười sáu năm, kể từ mùa hè ấy, với tư cách phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi theo con tàu Ti Tan xuất phát từ Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh) vượt 400 hải lý ra với quần đảo Trường Sa.

Ðã mười sáu năm, kể từ mùa hè ấy, với tư cách phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi theo con tàu Ti Tan xuất phát từ Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh) vượt 400 hải lý ra với quần đảo Trường Sa. Một chuyến công tác không dễ có trong cuộc đời, cực kỳ ấn tượng mà có lẽ tôi không thể nào quên được.

Một lần ra Trường Sa/ cả đời nhớ Trường Sa/ không quên được/ dù chỉ là ca nước/ một ngọn bàng vuông nhô lên trong hố đất/ một cây dừa tướp lá đảo Phan Vinh/ một tiếng gà trưa oi óc An Bang/ một truyền thuyết lung linh đêm Tiên Nữ/ một đàn chim lượn vòng trong chiều Trường Sa lớn/ một chiếc trăng cong trên đảo Thuyền Chài… Những câu thơ này tôi đã viết từ Trường Sa, trong lòng quần đảo bão tố và được đưa vào trường ca Hạ thủy những giấc mơ, Giải B Giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học - Nghệ thuật - Báo chí 5 năm 2009-2014.

Hồi ức của tôi vẫn còn nóng hổi hải trình ra quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ ngày 15 tháng 4 đến 25 tháng 4 năm 2000 qua các đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Tiên Nữ, An Bang và một số nhà giàn thuộc khu vực DK1. Chỉ 12 ngày sống với biển cả mênh mông cùng những lính tàu, lính đảo, lính nhà giàn, phần lớn còn rất trẻ trung ngoan cường bám trụ trên các đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, trong tôi tàng giữ nhiều kỷ niệm, hình ảnh về đồng đội thân yêu.

Phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa.  Ảnh : DL

Đoàn công tác và thăm Trường Sa lần ấy có 62 người, ngoài lực lượng quân đội có đại biểu của Ban Tư tưởng Văn hóa (Ban Tuyên giáo hiện nay) và Bộ Thủy sản. Thú vị nhất là sự tham gia của Đoàn Văn công Quân khu IV gồm 14 diễn viên trong đó có 7 bóng hồng xinh đẹp tươi tắn. Ai cũng háo hức, hồi hộp mong được đến sớm với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Tôi nhớ Trung tướng Lê Hải Anh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, một người tầm thước, mặt chữ điền, da sáng, có giọng trầm ấm nói: “Trường Sa, đấy là vùng trời, vùng biển, vùng đảo của ta. Chúng ta đủ sức mạnh để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh của ý chí, của lịch sử. Bây giờ đây, anh em cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở quần đảo đang trông chờ chúng ta, những đại biểu của đất liền. Có những vạt rau xanh anh em đang dành dụm để đãi khách...”.

Trong chuyến công tác đặc biệt này, tôi đã có một Trường Sa nhìn gần, một Trường Sa cận cảnh. Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc chuyện trò, mỗi nhân vật, mỗi cảnh huống là một trường cảm xúc đầy đặn, một gợi hứng cho những tác phẩm văn học, báo chí ra đời. Với tư cách nhà thơ, tôi đã rưng rưng ghi lại những cảm nhận dào dạt ấy trong những tác phẩm tươi rói “chất Trường Sa” như Làng đảo, Bóng đá ở Trường Sa, Trường Sa nhìn gần... Bài thơ Làng đảo sau này được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc được lính hải quân rất thích.

Tuy nhiên, mong ước của tôi là muốn phản ánh cuộc sống của những người lính Trường Sa đầy đặn, cụ thể và chi tiết hơn trong các bài bút ký, ghi chép. Đồng hành với tôi trong chuyến ra Trường Sa lần này có một số nhà báo khác ở báo Quân đội Nhân dân, Hải quân, Đài Truyền hình Việt Nam... Ngay từ khi nhận nhiệm vụ đi Trường Sa, tôi đã tự định hướng cho mình phải tập trung viết về chiều sâu tâm hồn của người lính quần đảo trên cái nền văn hóa Việt có từ ngàn đời nay. Vì đó là cội nguồn sức mạnh chiến thắng giặc xâm lăng, là “cột mốc” đánh dấu chủ quyền bền vững nhất của dân tộc ta. Tôi đi sâu tìm hiểu, xác định “chất” văn hóa Việt thông qua những chi tiết đời sống rất dung dị, quen thuộc diễn ra hàng ngày của bộ đội ta.

Làng đảo là tên bài bút ký đầu tiên của tôi viết về Trường Sa đang được “xanh hóa” nhờ mồ hôi của lính. Hiện thực của cuộc sống nơi quần đảo bão tố được tưới tắm bởi cảm xúc rất thật của người viết. Ở Trường Sa dù không ai mua đất, bán đất nhưng đất còn quý hơn vàng. Có những chuyến tàu vận tải chỉ chở ra Trường Sa một mặt hàng duy nhất là đất. Ở Trường Sa, hình như đất không chỉ là đất. Cầm trên tay vốc đất nâu mịn tơi người lính nghe được hơi thở của đồng quê xóm bãi, tiếng cựa mình của hạt giống nảy mầm, tiếng ngọn gió heo may se se thổi qua bờ vai của mẹ và còn tươi nguyên cánh lá dậy thì thầm thì thuở giêng hai. Những khay rau muống, rau dền, rau cải, rau quế; những chậu cây cảnh, sứ cảnh; những khóm ớt lác đác quả xanh, những cụm dọc mùng bên bể nước, chục dây mồng tơi trồng trong thùng đạn quấn quýt leo lên như những nốt nhạc xanh... có mặt ở Trường Sa dễ thương như kỷ niệm. Rau ở Trường Sa không chỉ để ăn mà còn để nhìn. “Nhìn cây cho đỡ nhớ đất liền”. Đã hơn một lần tôi được nghe lính đảo nói như vậy... Bài bút ký Làng đảo được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000. Đọc lại những dòng chữ này tôi nhớ Trường Sa quá. Nhớ như nhớ về quê hương yêu dấu của mình lâu ngày chưa trở lại vậy.

Tôi cũng không quên được buổi trưa cùng một nhóm văn công lên đảo Đá Tây. Những người lính ngồi thành vòng tròn, chăm chú lắng nghe và cùng vỗ tay hát với các diễn viên trẻ của Đoàn Văn công Quân khu IV giữa trời nắng gắt trên mặt sân xi măng nóng hừng hực. Khi ca sĩ Bích Ngọc hát bài Ca dao em và tôi của An Thuyên, tôi thấy cánh lính cứ trầm trồ xuýt xoa: “Chị Bích Ngọc hát hay quá. Tiếc là không có hoa để tặng chị”. Mọi người nhìn nhau như thấy mình có lỗi. Một chàng lính trẻ bỏ ghế đứng dậy đi ra. Gương mặt rất xúc động. Vài phút sau chàng lính ấy đã trở lại với những bông hoa muống trắng muốt hình như đang phập phồng trên bàn tay đen cháy đem đến tặng ca sĩ Bích Ngọc. Vô cùng bất ngờ và ai cũng xúc động. Đấy là phôi liệu để tôi viết bút ký Bài thơ Thần và những bông hoa màu trắng in trên báo Quân đội Nhân dân cuối tuần.

Văn hóa ứng xử đậm đà chất Việt ấy của người lính Trường Sa còn được tôi khắc họa qua những bài viết khác như Con khướu của đại đội trưởng và đôi chim chèo bẻo của Phân đội 2; Bên cây dừa đảo Phan Vinh in trên Nhân dân cuối tuần và Quân đội nhân dân cuối tuần.

Nếu không có chuyến đi Trường Sa, chắc chắn tôi không bao giờ có được những bài bút ký ấy.


Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn