Hà Nội

Trường Sa - pháo đài bất diệt giữa Biển Đông “dậy sóng”

25-05-2014 20:59 | Thời sự
google news

Sức sống, tinh thần lạc quan, lòng kiên trung, vững vàng trước bão giông của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió nơi Trường Sa

Chiến sỹ Trường Sa chắc tay súng gìn giữ biển đảo Tổ quốc. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam )

Ra thăm Trường Sa trong những ngày tháng Năm đầu Hè, đặc biệt trong thời điểm Biển Đông đang “dậy sóng” với sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, gây nên tình trạng căng thẳng tại Biển Đông, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến sức sống, tinh thần lạc quan, lòng kiên trung, vững vàng trước bão giông của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió.

Những câu chuyện về những chiến sỹ ngày đêm thầm lặng làm nhiệm vụ tiếp tế, hậu cần nơi đảo xa; về tinh thần lạc quan, yêu đời của các chiến sỹ đang canh giữ biển đảo quê hương; về tình cảm thắm thiết giữa người hậu phương và người tiền phương, giữa quân với dân; tất cả làm nên hình ảnh sống động về một Trường Sa mạnh mẽ, tự tin, một pháo đài bất khả xâm phạm trước bất cứ mối đe dọa nào.

Bài 1: Cưỡi sóng, vượt trùng dương nối hải đảo với quê hương

Một năm hai đợt chính ra Trường Sa cộng với các đợt làm nhiệm vụ đột xuất khác, mỗi đợt ít nhất cũng 10 ngày lênh đênh trên biển, vượt bao sóng to gió lớn, nhưng không phải vì thế mà những cán bộ, chiến sỹ hải quân làm nhiệm vụ quân y, đưa đoàn công tác, hàng tiếp tế, chuyển quân ra nơi cương vực đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc thấy vất vả, mệt mỏi, ngược lại với họ, mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình đầy vinh quang, tự hào, chất chứa bao niềm vui.

“Khách sạn di động”

Vào những ngày tháng Năm đầu Hạ, vinh dự và tự hào khi tham gia đoàn công tác số 13 ra thăm Trường Sa, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên trong đời được bước chân và sinh hoạt trong 10 ngày trên một con tàu hải quân. Và điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng, con tàu hải quân chuẩn bị đưa chúng tôi vượt qua một một hải trình cả nghìn cây số thật như một khách sạn di động.

Đúng 8 giờ sáng, sau một hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, con tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y Khánh Hòa 01-HQ 561 chính thức chuyển mình, rẽ sóng từ quân cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa đoàn công tác ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1.

Tàu HQ-561. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam )

HQ-561 thuộc biên chế của Vùng 4 Hải quân, tàu gồm 4 tầng 200 phòng, sức chứa 200 người. Trên tàu có các phòng khách, phòng chức năng y khoa và nhà bếp, phòng ăn cung cấp cho thủy thủ đoàn, khách trên tàu 4 bữa/ngày.

Tàu có chức năng nhiệm vụ chính là phục vụ khám, chữa bệnh cho quân, dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 cũng như ngư dân hoạt động trên vùng biển tàu hoạt động; cung cấp lương thực, thực phẩm tươi cho các tàu trực, nhà giàn, các đảo nối và chìm; cung cấp nước ngọt, dầu cho các tàu trực, nhà giàn, đảo chìm đồng thời vận chuyển quân cũng như các phái đoàn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đi thăm và làm việc ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Hệ thống nước ngọt trên tàu đủ dùng cho các sinh hoạt thiết yếu trong thời gian 2 tháng liên tục trên biển.

Phòng ngủ có giường đệm tiện nghi thoải mái và hệ thống điều hòa, thông gió thoáng mát, giúp cho những vị khách bị say sóng giảm đáng kể sự mệt mỏi trên hành trình dài ngày.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động cuối năm 2012 đến nay, tàu đã phục vụ nhiều đợt công tác quân y trên biển, đưa đón các đoàn công tác và rất nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ cũng như một số lượng lớn hàng hóa tiếp tế.

Với đoàn công tác chúng tôi, được đi trên con tàu hải quân của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, ai cũng càm thấy tự hào. Trước và sau khi lên tàu, ai cũng muốn ghi lại hình ảnh kỷ niệm của mình với con tàu đã và sẽ đưa mình tới phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự hào với con tàu nối đất liền với Trường Sa

Trao đổi với chúng tôi về những chuyến hải trình ra Trường Sa, từ thuyền trưởng cho tới các thuyền viên của tàu HQ-961, ai cũng lộ rõ niềm vui, niềm tự hào cũng như trách nhiệm lớn lao khi được cấp trên giao vận hành một con tàu hiện đại và đặc biệt được hoạt động trên vùng biển Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại úy, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1978), người đã có thâm niên làm thuyền trưởng trên các chuyến tàu ra Trường Sa từ năm 2009 cho biết: “Trong mỗi chuyến đi, được phục vụ các đoàn công tác, đặc biệt được giúp đỡ các ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa, được họ tin tưởng và yên tâm bám biển, tôi cũng như các thành viên trên tàu rất vui, tự hào.”

Đại úy Cường cũng cho biết có những đợt tàu ra công tác ngoài Trường Sa, các ngư dân biết tin tàu ra, đã chạy tàu tới xin tiếp tế và khám chữa bệnh.

Buồng chỉ huy trên tàu HQ-561. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam )

Được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng của con tàu hải quân hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam, anh Cường tâm sự anh cũng như các thành viên trên tàu rất tự hào và trách nhiệm, luôn có ý thức giữ gìn bảo dưỡng chu đáo, cẩn thận các trang thiết bị trên tàu với tâm niệm “tàu là nhà, biển đảo là quê hương.”

Kể cả sau những ngày công tác trên biển, trở về đất liền, các anh cũng vẫn ở lại, sinh hoạt trên tàu. Trung bình, mỗi năm, các anh chỉ có khoảng một tháng nghỉ phép nhưng thường khoảng thời gian này ít được sử dụng hết.

Anh Cường khẳng định mỗi sỹ quan, chiến sỹ trên tàu HQ-561 luôn ý thức sẵn sàng thực thi bất cứ nhiệm vụ nào mà cấp trên giao, chấp nhận hy sinh cả tính mạng để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cũng bày tỏ niềm tự hào, trách nhiệm khi được làm nhiệm vụ trên tàu HQ-561, Trung úy, bác sỹ quân y Thái Đàm Lương tâm sự với chúng tôi ngay sau khi vừa thực hiện việc khám chữa bệnh cho một đại biểu trong đoàn công tác trên tàu: “Lực lượng quân y trên tàu rất vinh dự, tự hào trách nhiệm khi được công tác trên tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y rất hiện đại của quân chủng Hải quân. Được giao nhiệm vụ phục vụ các đoàn công tác ra thăm Trường Sa, bản thân tôi cũng như các đồng chí khác luôn xác định trách nhiệm cao.”

Bác sỹ Lương cũng chia sẻ kỷ niệm với chúng tôi khi được phục vụ một đoàn công tác ra thăm Trường Sa. Đó là đợt phục vụ đoàn công tác số 5 năm 2014 ra thăm quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK1.

Khi đó, như thường lệ vào các buổi sáng, bác sỹ Lương đi từng phòng trên tàu để hỏi thăm sức khỏe của từng thành viên trên tàu. Đến một phòng khách, bác sỹ hỏi thăm một đại biểu trong đoàn công tác, thì thấy đại biểu này trả lời rất khó khăn. Sau, qua kiểm tra sức khỏe, bác sỹ Lương phát hiện huyết áp của bệnh nhân lên tới 230/130, nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể bị những tai biến rất nguy hiểm. Anh và các y sỹ trên tàu liền đưa đại biểu trên tới phòng cấp cứu trên tàu. Sau 4 tiếng cấp cứu, bệnh nhân cơ bản trở về huyết áp bình thường.

Nhắc tới những chuyến tàu ra Trường Sa, không thể không nhắc tới bộ phận hậu cần lo từng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các thành viên trên tàu.

Theo quy định của Bộ Quốc phòng, mỗi chuyến tàu công tác ra thăm quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK1, các đại biểu được phục vụ 4 bữa ăn/ngày.

Anh Đỗ Văn Biên, chiến sỹ trong đội phục vụ trên tàu cho biết: “Việc đảm bảo chất lượng các bữa ăn cho các địa biểu trong đoàn công tác ra thăm Trường Sa luôn được các bộ phận chức năng trong quân chủng Hải quân đặc biệt chú trọng. Nguồn lương thực, thực phẩm cho mỗi chuyến tàu đều được đội phục vụ trên tàu trực tiếp đi chợ, tuyển chọn kỹ lưỡng, đặt hàng các cơ sở cung ứng thực phẩm có uy tín.

Trong khi chế biến, mỗi anh em phục vụ đều nỗ lực đảm bảo món ăn chế biến phục vụ các đại biểu trên tàu đạt chất lượng tốt nhất với mong muốn khách và các thuyền viên trên tàu có được sức khỏe tốt trong suốt chuyến công tác ra Trường Sa và nhà giàn DK1.”

Coi tàu là nhà, biển đảo là quê hương, những chiến sỹ dịch vụ hậu cần hải quân cứ thầm lặng, ngày nối ngày, đưa những chuyến tàu rẽ sóng vượt trùng dương mang tình cảm, tình yêu thương của đất Mẹ tới nơi hải đảo cương vực linh thiêng và thân thương.

 

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

Theo Vietnam Plus


Ý kiến của bạn