Trường Sa - Khát vọng giữa trùng khơi

28-04-2019 07:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trò chuyện với Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, trước khi lên tàu, vị tướng đã từng nhiều lần đưa các đoàn ra Trường Sa bồi hồi nói: “Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và khát khao hòa bình. Vì thế, khi đến với Trường Sa lần này, tôi muốn mang theo một thông điệp khao khát hòa bình, chúng ta hãy cùng lan tỏa thông điệp đó bằng những hành động cụ thể”.

Lễ diễu binh tại đảo Song Tử Tây lan tỏa nhiều cảm xúc đến mọi người.

Lễ diễu binh tại đảo Song Tử Tây lan tỏa nhiều cảm xúc đến mọi người.

“...Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...”

Sau hơn 30 giờ rời Cảng Quốc tế Cam Ranh, tàu Trường Sa 571 đưa chúng tôi đến đảo Song Tử Tây - điểm đảo đầu tiên của chuyến hải trình. Từ trên tàu, thành viên trong đoàn công tác đã háo hức được đặt chân lên đảo và càng mong mỏi hơn khi được biết, có buổi lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, diễu hành trang trọng bên cột mốc chủ quyền.

Ngay tại sân bóng lớn của đảo Song Tử Tây, tất cả đại biểu, quân và dân đứng nghiêm trang. Sau khi đảo trưởng báo cáo và mời cấp trên dự lễ chào cờ, nhạc Quốc ca vang lên. “...Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/Đường vinh quang xây xác quân thù...”, lời hát hào hùng, mạnh mẽ như có thép, như truyền lửa từ những người lính đảo và những người dân trên đảo sang người ở đất liền. Tiếng hát cùng hòa vào nhau trong từng từ, từng lời.

Cờ Tổ quốc tung bay giữa Trường Sa nắng, gió và bầu trời xanh trong.

Người phụ nữ đứng trước chúng tôi đã không thể hát trọn câu, lấy khăn lau nước mắt và đôi vai chị cứ rung lên... Lễ chào cờ nào lại không nghiêm trang và thiêng liêng. Cũng là bài Quốc ca ấy, cũng là màu cờ ấy, lá cờ ấy nhưng khi hát ở Trường Sa, những cảm xúc mãnh liệt khó gọi thành tên cứ trào dâng mạnh mẽ. Hát Quốc ca ở Trường Sa, dễ dàng nhận ra rằng thiêng liêng không còn mang tính trừu tượng mà hiển hiện trong từng lời hát là dáng hình của biết bao thế hệ dựng nước, giữ nước trong chiều dài lịch sử của một đất nước không bao giờ chịu khuất phục.

Thả chim bồ câu đem khát vọng hòa bình đi muôn nơi.

Thả chim bồ câu đem khát vọng hòa bình đi muôn nơi.

“Trong cuộc đời mình, tôi đã nhiều lần hát Quốc ca nhưng khi chào cờ ở biển đảo xa xôi của Tổ quốc, không gian làm từng lời ca trở nên thiêng liêng, làm tôi thật sự cảm xúc. Tôi vừa hát vừa như nghẹn lại. Nhìn quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trong gió, trong nắng giữa đất trời Trường Sa, tôi cảm nhận được sự vĩ đại của đất nước mình, dân tộc mình. Để bảo vệ được giang sơn này, dân tộc ta đã đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt. Cũng ngay lúc đó, tôi cảm nhận được trách nhiệm của mình sâu sắc hơn” - Đại tá Nguyễn Quang Trung, Bộ Tư lệnh Thủ đô chia sẻ.

“Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin thề!”... Giữa rì rầm sóng, mênh mang nắng Trường Sa, mười lời thề danh dự của quân nhân vang lên đầy dõng dạc và mạnh mẽ. Mỗi lần đọc xong một lời thề, hai tiếng “xin thề” vang lên như sóng dậy, vang vọng giữa đất trời Tổ quốc.

Cũng lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, cũng bài hát Tiến quân ca đã nằm lòng từ thuở học trò, nhưng được chào cờ giữa biển đảo quê hương rì rầm sóng vỗ, trong tim bỗng nhiên nghẹn ngào, trào dâng đầy cảm xúc. Chúng tôi muốn hát to, vang mãi bài hát giữa biển, đảo quê hương như để khẳng định chủ quyền thiêng liêng từ bao đời của dân tộc... Cảm nhận như dưới chân mình, từng viên đá, hạt cát đã thấm máu cha anh trong cuộc chiến giữ gìn từng mét đảo.

Sau lễ chào cờ, lần lượt từng khối cán bộ, chiến sĩ của đảo, các lực lượng đóng quân trên đảo và thành viên đoàn công tác thực hiện nghi thức duyệt đội ngũ qua bia chủ quyền trên nền nhạc Tiến bước dưới quân kỳ.

Trong lòng mỗi người dân và các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo đều cảm nhận rõ sự thiêng liêng, trào dâng niềm tự hào vì mình là một người con nước Việt. Tình yêu nước, giữa đại dương bao la và muôn trùng sóng gió, trên những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, vô cùng cụ thể, là giọt nước mắt đang rơi trên má, là bàn tay khép chặt đưa lên chào, là dáng đứng nghiêm.

TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - TBT báo SK&ĐS (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên ngành y tế Hà Nội trên tàu ra Trường Sa.

TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - TBT báo SK&ĐS (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên ngành y tế Hà Nội trên tàu ra Trường Sa.

Trái tim như bóp nghẹt

Sau khi làm việc tại đảo Cô Lin, trên boong tàu Trường Sa 571, các đơn vị của Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa vô cùng trang nghiêm. Trước bàn thờ Tổ quốc, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân đọc diễn văn tưởng niệm. Trên nền nhạc trầm hùng Hồn tử sĩ, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải điểm lại sự kiện lịch sử đầy oai hùng và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thành viên trong đoàn công tác ai nấy đều xúc động, nghẹn ngào, những giọt nước mắt tiếc thương không giấu nổi, những tiếng nấc nghẹn lòng... Sau phút mặc niệm, 3 tiếng còi tàu vang lên, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các liệt sĩ, mong hương hồn các anh yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương, bốn bề trùng dương sóng vỗ.

Trên hải trình về Cam Ranh, đoàn công tác đến thăm và làm việc với các chiến sĩ đang công tác tại Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.

Trước khi lên nhà giàn, giữa biển trời mênh mông, tại nhà giàn DK1/16 Phúc Tần, toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các thành viên trong Đoàn công tác số 4 đã tổ chức Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Trong 30 năm qua, kể từ ngày nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão lớn lao để có mặt tại các nhà giàn làm nhiệm vụ tại nhà giàn thềm lục phía Nam của Tổ quốc.

Vào những năm 1990, 1996, 1998 và 2000, sức tàn phá khủng khiếp của các cơn bão đã làm đổ một số nhà giàn - nơi cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang có mặt thực hiện nhiệm vụ. Trong cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông vào chiều ngày 4/12/1990, nhà giàn DK1/3 Phúc Tần đã bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, trong đó có 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Quân và dân cả nước mãi mãi khắc ghi tấm gương hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, đã nêu cao vai trò lãnh đạo, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng, biển quê hương ôm trọn anh vào lòng.

Trong niềm xúc động và nhớ thương vô hạn, kính cẩn nghiêm mình tưởng nhớ tới các đồng chí, mong hương hồn của các Anh hùng liệt sĩ yên giấc ngàn thu giữa lòng Trường Sa của đất mẹ Việt Nam. Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải đại diện cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác hứa: “Chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước, quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh. Dẫu biết vinh quang nào chẳng có mất mát hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổ bằng mồ hôi, nước mắt. Sự quên mình của các anh đã làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước...”.

Trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống. Đoàn công tác trên tàu 571 đã thắp hương và thả vòng hoa tưởng niệm tưởng nhớ các Anh hùng đã hy sinh, để các anh thanh thản, mãi mãi ở lại với biển, với đảo, cùng với cán bộ và chiến sĩ hôm nay canh giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Bài thơ  Bạch Đằng trong sóng Trường Sa do nhà thơ Trần Sĩ Tuấn - TBT báo SK&ĐS sáng tác ngày 17/4/2019 tại đảo Cô Lin vừa được nhạc sĩ Duy Thái phổ nhạc.

Bài thơ  Bạch Đằng trong sóng Trường Sa do nhà thơ Trần Sĩ Tuấn - TBT báo SK&ĐS sáng tác ngày 17/4/2019 tại đảo Cô Lin vừa được nhạc sĩ Duy Thái phổ nhạc.

Hà Nội vì Trường Sa

Đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội ra thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 lần này trùng hợp vào dịp kỷ niệm 20 năm thành phố được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Tại chuyến đi này, thông điệp hòa bình được đoàn công tác của Thủ đô lan tỏa đến các điểm đảo thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa.

Đoàn đã khánh thành công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Thị. Công trình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hà Nội tặng có tổng trị giá 37 tỷ đồng, khởi công từ tháng 4/2018. Tiếp đó, đoàn dự lễ khởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Đông A. Đây cũng là công trình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hà Nội tặng với số tiền khoảng 38 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020.

Ngoài hai công trình lớn trên, đoàn công tác của Hà Nội còn tặng nhiều vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống trên đảo như: máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy phát điện, bồn nước... và thực phẩm các loại với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, chuyến đi đã thành công tốt đẹp. Nhấn mạnh tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, đây là năm thứ 10 Hà Nội tổ chức đoàn công tác đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Năm nay cũng là năm Thủ đô kỷ niệm 20 năm được vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”, đoàn công tác đã có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là hoạt động thả chim bồ câu nhằm lan tỏa thông điệp hòa bình tại đảo Trường Sa Lớn; dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cùng Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, lãnh đạo đoàn công tác số 4 và các đại biểu cùng nhau phóng sinh chim bồ câu để biểu thị tình yêu, khát vọng hòa bình.

Trong nắng chiều Trường Sa Lớn, hàng chục con chim bồ câu tung cánh hòa quyện với những cánh diều đang no gió tạo nên một khung cảnh yên bình, đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Không ai bảo ai, chúng tôi cứ nắm chặt tay nhau nguyện cầu cho sự hòa bình, ổn định trên quần đảo vốn gặp nhiều bão tố, phong ba.

Chiều tháng 4 rực rỡ, những cánh chim hòa bình từ Trường Sa tung bay giữa nắng gió trùng khơi, mang khát vọng hòa bình của đất nước và con người Việt Nam gửi tới năm châu bốn biển. Để các đảo nổi đảo chìm như những con tàu màu xanh, mang chở khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam lao vun vút giữa đại dương.

Trường Sa không xa

Nhờ công sức của nhiều thế hệ chiến sĩ Trường Sa anh hùng, cây xanh phủ kín các đảo nổi. Một cơ ngơi khang trang đang được Nhà nước đầu tư cho các đảo chìm. Trường học vang tiếng trẻ thơ tại Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn. Các ngôi chùa hiện hữu phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân. Mạng viễn thông phát triển, thuận lợi cho liên lạc với đất liền, Trường Sa không còn xa nữa. Đời sống của bộ đội và người dân cả vật chất và tinh thần đang được cải thiện. Bữa ăn của bộ đội được bảo đảm hơn qua việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi tại đảo. Bệnh xá cũng được nâng cấp, chăm sóc tốt sức khỏe cho quân, dân trên đảo và ngư dân vươn khơi bám biển.

Chị Vi Thu Trang, người dân sống ở đảo Song Tử Tây nói: “Vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, người dân đến chùa khấn Phật cầu bình an, mưa thuận, gió hòa nên mọi nếp sinh hoạt chẳng khác ở quê nhà...”.

Trụ trì chùa tại đảo Nam Yết, thầy Thích Tâm Tri chia sẻ: Ngôi chùa chính là hồn quê Việt Nam, là chốn thanh tịnh, tĩnh tâm cho mọi người. Hằng ngày, nhà chùa đều hành lễ cầu cho đất nước được hòa bình; cầu bình an cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo.

Trên các đảo của quần đảo Trường Sa đã có nhân dân an cư, lạc nghiệp và các thế hệ con cháu được sinh ra, lớn lên tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Chùa lớn ở đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết, Trường Sa Lớn ngoài là những thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt còn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam ta, Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của hình hài Tổ quốc Việt Nam.

Trường Sa Lớn - điểm dừng chân thứ 10 trên quần đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 4 đã để lại cho chúng tôi những cảm xúc thật mãnh liệt. Rời Trường Sa khi màn đêm đã buông xuống, không ai bảo ai, quân và dân Trường Sa cùng với các vị khách đều cất vang bài hát Khúc quân ca Trường Sa. Điệp khúc “Biển này là của ta, đảo này là của ta” cứ ngân vang mãi cho đến khi tàu rời cảng, Trường Sa chỉ còn là một điểm sáng giữa trùng khơi.

 

Trung tướng Đào Văn Quân, Anh hùng LLVTND, nguyên Chính ủy Binh chủng Đặc công, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Quân ủy TW, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB TP. Hà Nội:

Tin tưởng vào sự lớn mạnh của Hải quân Việt Nam
Hơn 44 năm trong quân ngũ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi công tác Trường Sa và Nhà giàn DK1 lênh đênh trên biển dài ngày như vậy. Được nói chuyện với anh em chiến sĩ cho tôi niềm tin tuyệt đối vào Hải quân Việt Nam nói riêng và Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta. Từ các sĩ quan đến chiến sĩ có lập trường rất vững vàng, xác định được nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Việc làm tri ân các anh hùng liệt sĩ là hoạt động rất có ý nghĩa, giáo dục truyền thống cho toàn bộ thành viên của đoàn. Qua chuyến đi Trường Sa và Nhà giàn DK1, giúp các cán bộ ý thức được trọng trách và trách nhiệm của mỗi người.

Đại tá An Thanh Bình, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Gia Lâm:

Chúng ta cần đóng góp nhiều hơn nữa vì chủ quyền biển đảo

Được ra thăm các chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa, trong tôi dâng lên niềm tự hào và biết ơn. Tôi nhận thấy niềm lạc quan trong từng ánh mắt, cử chỉ từ chiến sĩ Hải quân đến các cháu bé. Hình ảnh đó giúp cho tôi thấy vững tin.

Qua chuyến đi, tôi thấy rằng cần phải đóng góp tích cực nhiều hơn nữa đối với biển đảo để động viên các chiến sĩ vững chắc tay súng bảo vệ biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Thanh niên Việt Nam cần tiếp tục học tập tốt hơn nữa và làm chủ khoa học kỹ thuật từ đó đóng góp tùy theo sức của mình, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Thầy Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoàng Pháp Phật giáo TP. Hà Nội:

Mốc chủ quyền của người Việt trên các điểm đảo

Được chứng kiến tận mắt cuộc sống và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ ngoài hải đảo cho tôi niềm phấn khởi. Ngoài đảo xa tuy có vất vả nhưng qua nói chuyện với chiến sĩ, các em rất yêu đời, luyện tập hăng say. Được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống chiến sĩ ngoài đảo đã khá hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước khi ra đảo. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là theo lương giáo, hình ảnh ngôi chùa chính là biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, giúp nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho người lính và hơi ấm từ đất liền gần hơn với đảo. Ngôi chùa Việt ở đảo xa là sự đánh dấu mốc chủ quyền của người Việt.

 


Bài và ảnh: Anh Tuệ
Ý kiến của bạn