Hà Nội

Trường Sa, đi là nhớ!

19-06-2019 15:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Được làm nghề báo, tiếp xúc với nhiều nhân vật, đã đi đến được nhiều nơi nhưng không địa danh nào, không một con người nào lại để cho tôi nhiều cảm xúc sâu đậm như 2 lần được ra Trường Sa.

Nơi đó là máu, là thịt của Tổ quốc, không bao giờ chia cắt. Được đặt chân lên vùng biển đảo bão tố, khắc nghiệt, chúng ta thêm một lần được cảm nhận nghị lực kiên cường, ý chí quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên vùng biển đảo ngày đêm gìn giữ, bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng...

Nơi đó có những ngôi nhà!

Trường Sa những ngày tháng 4 lịch sử, sau 44 năm được giải phóng, hệ thống đảo của chúng ta, qua bàn tay và máu của nhiều thế hệ quân, dân vun đắp đã được khoác lên chiếc áo mới tươi xanh, khang trang, hiện đại.

Những hàng cây phong ba, cây tra vươn mình trong nắng gió, tràn trề sức sống phủ bóng mát che chở cho các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nắng thủy tinh rải đều trong vắt và tinh khiết lên biển đảo. Biển bỗng dưng trở nên dịu dàng và thân thiện đến lạ kỳ. Tháng Tư ở Trường Sa khiến lòng người đầy ắp xúc cảm.

Những ngôi nhà mà chúng tôi có dịp ghé qua từ Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin,  Đá Thị, Đá Lớn C, DK1/16... tới Trường Sa Lớn, ở đâu cũng thấy toát lên một sức sống mãnh liệt.

Chuyến hải trình của Đoàn công tác số 4 đã được chứng kiến nhiều sự đổi thay trên quần đảo Trường Sa. Từ đảo chìm đến đảo nổi, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp một màu xanh.

Từ những hạt mầm bé xíu được các chiến sĩ trên những đảo chìm như Đá Nam, Đá Thị, Đá Lớn C... ươm trong thùng xốp đang đâm chồi cho đến những tán lá bàng vuông, phong ba, lá tra xum xuê trên những hòn đảo nổi ở Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... tất cả đang vươn lên một cách mãnh liệt giữa khô khát. Và chỉ có những con người ở nơi này mới có thể làm nên điều kỳ diệu đó.

Tổng biên tập, nhà báo, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn cùng các cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây.

Tổng biên tập, nhà báo, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn cùng các cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây.

Đặt chân lên đảo Nam Yết, chỉ huy đảo thông báo tin vui, năm vừa rồi, đảo đã ươm, chiết được hơn 550 giống cây xanh, chuyển hơn 500 cây con cho các đảo lân cận, là nơi cung cấp nhiều giống cây xanh cho các đảo khác. Đi dưới những tán cây xanh ngắt, ghé thăm nhà truyền thống, rồi đến chùa thắp nén hương, hình như ai cũng có cảm giác mình đang trở về nhà của mình, cảm nhận được sự bình yên dù nhìn ra ngoài biển kia vẫn thấy rõ sự rình mò, giương oai của những kẻ hiếu chiến...

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ Bạch Đằng trong sóng Trường Sa của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn được viết ngay trên đảo Cô Lin trong hải trình đến Trường Sa những ngày tháng 4/2019 vừa qua, trong đó có đoạn:

Biển cũng khác, tâm hồn mình cũng khác

Khi đến với Trường Sa

Ở nơi sóng gió xa... xa lắm

Tổ quốc ta có những ngôi nhà.

Ngôi nhà ấy các anh đang canh giữ

Lá cờ Tổ quốc cháy trong tim.

Gạc Ma ơi... với vòng tròn bất tử!

Biển quê hương ôm ấp các anh nằm...

(Bạch Đằng trong sóng Trường Sa - nhà thơ Trần Sĩ Tuấn).

“Nhỏ nhưng có võ” - câu đùa vui mà cánh phóng viên chúng tôi nói với Đại úy Phạm Văn Thao - đảo phó đảo Cô Lin. Mạnh mẽ, kiên cường - đó là hình ảnh của Cô Lin, Đá Nam, Đá Thị... hôm nay.

Cô Lin là đảo tiền tiêu với nhiều bãi đá ngầm. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt cũng hoàn toàn trông chờ vào những cơn mưa hoặc những chuyến tàu chuyển hàng ra đảo. “So với trước kia, những khó khăn hiện giờ có thấm gì so với mồ hôi, xương máu của bao người đã nằm xuống để giữ được điểm đảo này”, đại úy Thao trầm ngâm và chỉ cho chúng tôi xem hướng con tàu HQ 505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14/3/1988, cách đây 31 năm. Dấu tích về những ngày bi tráng dường như vẫn còn in đậm ở nơi này.

Bãi đá san hô năm nào giờ đã được xây dựng kiên cố với 2 khối nhà 3 tầng chắc chắn, trong đó có 1 tòa nhà văn hóa đa năng do một ngân hàng xây tặng. Trên đảo, những mầm xanh đang vươn, cả những bông hoa giấy nở rực rỡ... Tuyệt nhiên không thấy vẻ khô cứng của khối bê tông, chỉ thấy đảo như một ngôi nhà nhỏ ấm cúng. Giữa đảo chìm, con người dường như càng nhỏ bé, nhưng trái tim lại to lớn không ngờ. Tình đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó keo sơn để cùng nhau đêm ngày chắc tay súng bảo vệ biển đảo, quê hương đất nước. Trong những câu chuyện với các chiến sĩ nơi đây, ai cũng thể hiện quyết tâm sắt đá: “Còn người, còn đảo”.

Các chiến sĩ cho biết, đây là vùng biển nhạy cảm  trong quần đảo Trường Sa, nơi tập trung với mật độ cao số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản của các nước như: Philippines, Malaysia, Trung Quốc... Vì vậy, những người lính đảo không bao giờ cho phép mình lơ là mất cảnh giác.

Khi đến đảo Trường Sa Lớn, bước chân qua cầu cảng vào đảo, chúng tôi không khỏi sửng sốt pha lẫn sự tự hào trước hình ảnh một Trường Sa Lớn với những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như: sân bay, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá, những ngôi nhà khang trang của các hộ dân và ngôi chùa rộng rãi, nơi chiều chiều vang lên những tiếng chuông ngân dài...

Sức sống ấy ngày một mãnh liệt và lan tỏa như chính tinh thần hiên ngang, bất khuất của Trường Sa.

Đến Trường Sa còn gặp vô vàn những nụ cười có trên gương mặt của các cư dân Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Đúng như câu “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những hộ dân này đã xem Trường Sa như một ngôi nhà chung mà ở đó họ được sống trong sự yêu thương, đùm bọc, quan tâm của những người lính đảo. Ở nơi này, tình hàng xóm, tình quân dân thật sự sâu đậm, bởi ngày nào họ cũng gặp nhau, hiểu rõ về nhau, cùng san sẻ trong cuộc sống hàng ngày. Trên đảo, không ít lần chúng tôi bắt gặp những cậu lính công kênh trẻ nhỏ, chơi đùa với chúng. Những nụ cười rất trẻ, rất Trường Sa...

Những năm gần đây, thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn không ngừng được củng cố và phát triển cơ sở vật chất để phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Với tay hái cho tôi một quả tra bé xíu mà các anh chiến sĩ ở đây dí dỏm đặt tên là “nho Sinh Tồn”, một chiến sĩ trẻ tên Sinh vui vẻ cho biết, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, nhưng đảo Sinh Tồn vẫn duy trì một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú, đó là phi lao, bàng thường, bàng vuông, nhàu, phong ba, muống biển và rau xanh.

Và không phải chỉ ở đảo Sinh Tồn mà tất cả các điểm đảo nổi của quần đảo Trường Sa chúng tôi đặt chân đến bây giờ đều bát ngát những thảm cây muống biển trên những triền cát cho đến rau mồng tơi, bầu bí, cải mầm... tất cả đều trụ vững bất chấp khí hậu nghiệt ngã như một sự diệu kỳ.

Các nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

Các nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

Và những nỗi nhớ

Về  đến đất liền, bộn bề với công việc và gia đình mỗi khi rảnh rỗi, lần giở những tấm ảnh đã chụp ở Trường Sa, trong tôi lại trào lên những nỗi nhớ. Nhớ mãi những hình ảnh người chiến sĩ trẻ làn da ngăm đen rắn rỏi, nụ cười luôn tỏa trên môi khoe hàm răng trắng lóa giữa nắng Trường Sa. Lại nhớ tiếng lợn kêu ủn ỉn trên đảo Đá Nam, nhớ vạt rau xanh mướt lồng lộng ở lưng chừng trời giữa biển khơi của nhà giàn DK1/16...

Nhưng tôi nghĩ, nỗi nhớ của tôi không thể so sánh bằng nỗi nhớ của những người lính. Để lại sau chuyến thăm là nỗi nhớ đất liền, là nỗi cô đơn giữa nơi mênh mông chỉ có trời và biển.

Xa đất liền, xa tình cảm gia đình bè bạn, người yêu... xung quanh chỉ có nhiều sao trời, sóng biển, nắng, gió và những ngày giông bão.

Hôm đoàn lên Đá Nam và Sơn Ca, tôi chỉ nhớ những câu chuyện với chiến sĩ và đặc biệt là giây phút chia tay. Tôi cứ nấn ná để lên tàu bằng chuyến xuồng cuối cùng, để được là những người cuối cùng chia tay anh em chiến sĩ trên đảo. Có những cậu chiến sĩ trẻ lắm, hỏi em bao nhiêu tuổi, em trả lời 20. Chắc cậu lính cũng giống tôi tuổi 20, nghĩ mình lớn lắm, nghĩ mình đủ rắn rỏi can trường, lính Trường Sa cơ mà, nhưng các em còn trẻ lắm, tôi biết. Các em đã hơn tôi rất nhiều so với tôi ngày trước. Những cái vẫy tay tiễn đoàn cuối cùng bao giờ cũng lưu luyến. Kể cả khi xuồng CQ đã khuất xa, xa lắm nơi đảo chìm sừng sững, quay lại vẫn thấy anh em nấn ná vẫy tay theo.

Tôi luôn sợ những cuộc chia tay, nhưng giờ tôi sợ nhất là chia tay những chiến sĩ quần đảo Trường Sa. Giữa biển khơi, cuộc chia tay nào mắt cũng nhòe lệ.

Tối ở đảo Trường Sa Lớn, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa đứng 3 hàng trên cầu cảng vẫy tay chào đoàn, nhưng rồi có một ai đấy cất tiếng hát và rồi cả đoàn hát theo, bài nọ nối tiếp bài kia, trên boong tàu hát, dưới cầu cảng hát. Những bài hát lần lượt nối tiếp nhau: Gần lắm Trường Sa, Bâng khuâng Trường Sa, Nối vòng tay lớn. Giữa những bài hát, trên tàu đồng thành hô: Cả nước vì Trường Sa! Dưới cầu cảng, anh em chiến sĩ hải quân và nhân dân đồng thanh đối lại: Trường Sa vì cả nước... cứ như thế rồi sẽ không thể dứt nếu không có 3 hồi còi của tàu Trường Sa 571 kéo dài chia tay đảo và những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên má, mặn mòi trên môi...

Cả đoàn nấn ná mãi trên boong, đứng nhìn về phía đảo, nhìn một phần máu thịt Tổ quốc ở lại giữa biển khơi. Nhìn những người chiến sĩ vẫn đứng dưới ánh trăng, tay vẫy mãi theo con tàu đã rời bến. Tôi tự hỏi, mình đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...!


Bài, ảnh: Anh Tuệ
Ý kiến của bạn