Trưởng phòng nông nghiệp huyện nói gì khi gia đình không sơ tán khỏi khu vực sạt lở?

19-09-2024 16:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện một số hộ dân quay lại sinh hoạt trong nhà thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó có gia đình bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa.

Ngày 19/9, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và Minh Hoá.

Trưởng phòng nông nghiệp huyện nói gì khi gia đình không sơ tán khỏi khu vực sạt lở?- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 4.

Trong chuyến thị sát tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao dưới chân núi Cây Sường (TDP 8, thị trấn Quy Đạt), phát hiện một số hộ dân vẫn sinh hoạt trong nhà. Dù trước đó, tối 18/9, những hộ dân này được di dời để tránh nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

Được biết, trong những hộ này có gia đình bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa vẫn sinh hoạt trong khu vực nguy hiểm.

Ông Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền thực hiện di dời khẩn những gia đình này. Cùng với đó yêu cầu kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình di dời người dân.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn về việc sơ tán người dân đến nơi an toàn để ứng phó bão, mưa lũ.

Trưởng phòng nông nghiệp huyện nói gì khi gia đình không sơ tán khỏi khu vực sạt lở?- Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu cương quyết sơ tán người dân tại những điểm không an toàn.

Công văn nêu phải cương quyết sơ tán người dân tại những điểm không an toàn. Cưỡng chế với những trường hợp không tuân thủ chỉ đạo về phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, kiểm điểm trách nhiệm với trường hợp là cán bộ, công chức không chấp hành lệnh sơ tán của địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Minh Hóa cho rằng, sau khi nhận thông báo di dời, gia đình bà Bê gửi con nhỏ tại nhà bạn học. Sau đó bà cùng chồng đến địa điểm sơ tán để ngủ.

"Đi làm về muộn có thông báo di dời chúng tôi đi ngay nên không mang theo được nhiều đồ đạc. Tầm trưa cùng ngày, vì muốn lấy lại giấy tờ quan trọng nên chồng tôi về nhà để lấy và đoàn công tác có gặp. Sáng đó tôi cũng đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, vợ chồng chúng tôi đều là cán bộ nên không có suy nghĩ trái lệnh di dời", bà Bê cho biết.

Trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống phản ánh về việc phản ánh việc hàng trăm người dân tại thị trấn Quy Đạt đối diện với nguy hiểm tính mạng, tài sản nếu xảy ra sạt lở.

Trưởng phòng nông nghiệp huyện nói gì khi gia đình không sơ tán khỏi khu vực sạt lở?- Ảnh 3.

Gần 40 hộ dân tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt từng ngày thấp thỏm sống trong nỗi lo núi lở đè nhà.

Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt cho biết, hiện có 40 hộ với hơn 200 nhân khẩu đang nằm trong vùng ảnh hưởng của tình trạng sạt lở núi Cây Sường. Vấn đề này được phát hiện từ sau mùa mưa bão năm 2018, khi người dân lên núi thấy hàng loạt đường nứt lớn, kéo dài, đất núi sụt trượt ở nhiều đoạn.

Để tạm ứng phó với vấn đề này, vào mùa mưa lũ, chính quyền thị trấn Quy Đạt bố trí lực lượng túc trực tại các vị trí có nguy cơ sạt lở núi, thường xuyên cảnh báo người đi đường để chủ động phòng tránh. Khi nguy cơ sạt lở núi cao, địa phương sẽ di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đi lánh nạn và chỉ cho phép quay về khi tình hình đã an toàn.

Di dời hơn trăm hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lởDi dời hơn trăm hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

SKĐS - Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 khiến mực nước một số sông, suối vùng núi, biên giới dâng cao, nhiều thôn bản bị chia cắt. Hơn 100 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở được di dời khẩn đến nơi an toàn.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn