Đỏ mắt tìm giáo viên
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ em theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%. Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 với các cơ sở này là rất lớn.
Gần 1 năm tạm dừng hoạt động, nhiều trường mầm non rơi vào cảnh không còn “giáo viên cơ hữu”. Một số trường muốn giữ chân được giáo viên thì tìm cách lách luật khi kết nối với phụ huynh để triển khai các nhóm trông trẻ ở các khu dân cư. Tuy nhiên, khi Hà Nội có quyết định đón trẻ trở lại trường, việc tuyển giáo viên khó khăn hơn bao giờ hết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, người sáng lập Mầm non Việt Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngay khi Hà Nội có thông tin bậc tiểu học được trở lại trường, chúng tôi đã đăng thông tin tuyển giáo viên trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, đến khi có quyết định chính thức thì nhu cầu tìm giáo viên ngày càng cao. Điều các chủ trường đang gặp phải chính là việc khó thu hút giáo viên trở lại.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai (Chủ trường mầm non Ánh Sao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Giáo viên của trường đã phải làm nhiều nghề khác nhau mưu sinh trong mùa dịch. Việc trải nghiệm công việc mới như bán hàng online, bán thực phẩm sạch, nhân viên kế toán, thu nhân… tạo mức thu nhập cao trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giáo viên cứng thu nhập cũng dừng ở mức 6-8 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian làm vất vả, từ 7 giờ sáng đến 17-18 giờ chiều và nghề thì bấp bênh...”.
Chị Hằng Nga có hai cơ sở giáo dục Montessori ở Thanh Xuân và Cầu Giấy, nhưng hiện nay giáo viên có thể đi làm trở lại chỉ có 10 cô, còn lại đều đang duy trì công việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn. Không những thế, vật giá leo thang, một số giáo viên khi nhận được đề nghị trở lại trường đã đề nghị chủ trường tăng lương. Điều này cũng khiến không ít hiệu trưởng, chủ trường trăn trở. Họ không ngần ngại chia sẻ thông tin này tới những hội nhóm của chủ trường mầm non.
Nhiều hiệu trưởng cho rằng, câu chuyện nhân sự mầm non vẫn đang là vấn đề đau đầu. Mong dịch bệnh qua nhanh để các cô yên tâm với nghề, các chủ trường bớt phần nào gánh nặng chi phí...
Trường phải cạnh tranh với nhóm lớp tự phát
Thực tế, nếu giáo viên còn duy trì với nghề lại thấy hài lòng hơn khi ở các lớp, nhóm nhỏ tự phát trong mùa dịch.
Cô B.M (giáo viên trường mầm non Thăng Long Kidsmart, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận trông 5 trẻ tại nhà của phụ huynh. Các học sinh đều ở lứa tuổi tiền tiểu học. Cô B.M duy trì lớp học này được 6 tháng nay nhờ sự chung tay của các phụ huynh.
Nói về quyết định trở lại trường dạy, cô B.M cho biết: “Trước mắt tôi vẫn chưa trở lại trường dạy vì dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Mặt khác, công việc hiện tại với 5 trẻ vừa sức và có thu nhập cao hơn nhiều so với việc đi dạy bình thường. Những trẻ tôi dạy ngoài việc chăm sóc ra, tiêu chí phụ huynh cũng đặt ra là chuẩn bị để các con thi tuyển vào các trường dân lập hot như: Nguyễn Siêu, Archimedes, Ngôi sao… Lớp học đã tổ chức được nửa năm nên tôi thấy khá hài lòng”.
Chị Thanh Trang (Hiệu trưởng Trường mầm non TBK, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Giáo viên của tôi quen với việc trông nhóm trẻ tại nhà. Mức thu nhập của họ hiện tại là 10-12 triệu/tháng. Trong khi việc đi làm trở lại không ổn định. Trước mắt, để tìm được giáo viên trở lại, phải hạ các tiêu chí tuyển dụng so với trước đây, đồng thời tăng 10-15% lương tuỳ vị trí để thu hút giáo viên".
Bên cạnh giáo viên, trường mầm non cũng phải tìm người nấu ăn, phục vụ. Chị Thanh Trang cho biết, nếu không gọi được đầu bếp, trường phải huy động người trong gia đình để nấu ăn cho trẻ trong thời gian đầu khởi động lại trường.
Đau đầu về nhân sự, các trường còn phải đối mặt với việc kiện toàn cơ sở vật chất. Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường mầm non cần thời gian rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài ra, các nhà trường cũng lau dọn, vệ sinh khử khuẩn phòng học, bàn ghế, đồ dùng học tập, lên các phương án đón trẻ đảm bảo an toàn phòng chống dịch để dạy học trực tiếp bền vững.