Trường lục cặp, soát người học sinh: Chuyên gia giáo dục nói gì?

06-10-2023 16:19 | Thời sự

SKĐS - Mới đây, vụ việc hơn 2.000 học sinh tại một trường tư thục ở Đăk Lăk bị kiểm soát cặp, soát người trước khi vào trường hàng ngày đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về quyền riêng tư.

"Qua ải" lục cặp, soát người mới được vào lớp

Cụ thể, theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS - THPT Đông Du (Đăk Lăk), cứ mỗi sáng, trường bố trí một dãy bàn sau cổng chính với khoảng 50 bảo vệ, giám thị, giáo viên. Từng học sinh trước khi bước vào lớp phải đưa cặp để thầy cô kiểm tra. Mục đích việc này là để xem các em có mang vật cấm như dao, kéo, thuốc lá… vào trường hay không.

Sau khi kiểm tra cặp, giáo viên hoặc giám thị tiếp tục yêu cầu học sinh đưa hai tay ngang vai để kiểm tra túi áo khoác và dùng máy quét an ninh quét lên người học sinh. Em nào không mang vật cấm sẽ được vào lớp, nếu học sinh có mang theo vật cấm sẽ bị giữ đồ và xử lý vi phạm. Theo phản ánh, việc lục soát, kiểm tra này diễn ra mỗi buổi sáng tại Trường THCS - THPT Đông Du và đã thực hiện nhiều năm nay.

Nói về việc lục cặp, soát người học sinh, trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đông Du khẳng định việc làm này là bình thường, "là cách riêng để nhà trường bảo vệ an toàn cho học sinh, nhà trường". "Mỗi em ở các gia đình khác nhau, cách sinh hoạt khác nhau nên mình đặt ra nội quy sao cho các em không vi phạm".

Trường lục cặp, soát người học sinh: Chuyên gia giáo dục nói gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh kiểm soát đồ học sinh mỗi sáng tại Trường THCS - THPT Đông Du. (Ảnh: TT)

Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đông Du cho biết thêm, trong phương pháp giáo dục có nhiều cách như tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra. Mỗi trường đều có những quy chế nội bộ và những nội dung này đã được thông qua với cha mẹ học sinh mỗi đầu năm học. "Nếu phụ huynh nào có ý kiến, ký cam kết con không vi phạm thì chúng tôi sẽ không lục cặp, soát người nữa. Ngoài cách làm như hiện nay, nhà trường chưa có giải pháp nào khác".

Cách làm của nhà trường không cẩn thận sẽ gây ra sự phản cảm

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vụ việc này, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực ra nhà trường cũng có cái khó của mình trong đảm bảo an ninh cho tất cả học sinh trong trường. Đã có trường hợp mang dao theo người và đánh nhau rồi đâm bạn học tử vong, nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã dùng cách làm như vậy để bảo vệ an toàn cho học sinh trước khi quá muộn. Ngoài ra, có thể nhà trường nắm được tình hình phức tạp trên địa bàn nên có thể phòng ngừa học sinh mang theo những vật dụng bị cấm như thuốc lá điện tử, thuốc, kẹo gây nghiện…

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, cách làm này của nhà trường không cẩn thận sẽ gây ra sự phản cảm, nhiều học sinh ngoan khác cảm thấy bị xúc phạm và ảnh hưởng đến tâm lý. Do vậy, nhà trường cần phải vừa giáo dục vừa ra quy định mang tính răn đe yêu cầu học sinh tự giác báo cáo trước khi vào lớp.

Nhà trường cũng nên phối hợp với gia đình cam kết ngăn cản học sinh mang đồ vật bị cấm trước khi đến lớp. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và lắng nghe phản ánh của học sinh khi có trường hợp đối tượng bên ngoài gây chuyện, bắt nạt các em. Khi đó, các em có thể mang vũ khí phòng thân. "Tóm lại, nhà trường nên phối hợp gia đình và chính quyền địa phương để phòng ngừa trước và hạn chế cách làm này - như cảnh sát khám xét lục soát tất cả các em học sinh của mình".

Về phía học sinh, các em hoàn toàn có quyền từ chối cho giáo viên khám xét người, cặp sách nếu cảm thấy đó là hành vi xâm phạm, ảnh hưởng các quyền của các em. Về phía giáo viên, các biện pháp dạy dỗ để học sinh vào khuôn phép, nề nếp luôn ở ranh giới có thể vi phạm pháp luật; nhưng ngoài việc dạy dỗ kiến thức, giáo viên cũng cần làm gương để học sinh tiếp thu kiến thức, nhân cách và không kém quan trọng là tuân thủ pháp luật.

Mới đây, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Đông Du thông tin, đơn vị đã cho dừng việc soát đồ, kiểm tra học sinh theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk. Theo ông Sơn, việc dừng soát đồ, kiểm tra học sinh trước khi vào lớp là để tiếp tục nghiên cứu phương pháp khác phù hợp hơn.

Ông Sơn cũng cho rằng việc kiểm soát học sinh đưa những chất cấm vào trường học vẫn phải làm, nhưng sẽ theo một phương pháp phù hợp sau khi tham khảo ý kiến của nhiều bên, đặc biệt là phụ huynh.

Ai được quyền khám xét tài sản, thân thể người khác?

Luật sư Tạ Quang Tòng - chủ nhiệm Đoàn luật sư Đăk Lăk khẳng định, chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan công an mới được phép khám xét người khi có căn cứ nhận định trong người có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có. Còn lại tất cả những người khác đều không có quyền thực hiện việc này.

Theo luật sư Tòng, việc nhà trường lục lọi cặp sách (tài sản), soát người (thân thể) là hành động vi phạm pháp luật, đồng thời phản cảm, phản giáo dục. "Nói rằng để đảm bảo an toàn cho học sinh mà xâm phạm quyền nhân thân và tài sản của học sinh như vậy là nhà trường ngụy biện. Việc phải lục lọi đồ, khám người của học sinh là sự thất bại của giáo dục. Nhà trường đã không thể giáo dục, rèn luyện cho học sinh một nhân cách tốt, mà phải sử dụng biện pháp như vậy".

Để học sinh không bị giáo viên bạo hành từ lời nói đến hành độngĐể học sinh không bị giáo viên bạo hành từ lời nói đến hành động

SKĐS - "Với vai trò là một chuyên gia giáo dục, là người mẹ của những đứa con, tôi mong muốn không một trường hợp học sinh nào bị bắt nạt/bạo hành và nhất là xâm phạm từ giáo viên trong nhà trường và tại môi trường lớp học", TS. Hà Thị Thư chia sẻ.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn