Khi xét tuyển, thí sinh cao điểm hơn sẽ đỗ trước
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được thực hiện đăng ký, điều chỉnh, bổ sung các nguyện vọng đăng ký xét tuyển không giới hạn số lần, số nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.
Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, các nguyện vọng tiếp theo sẽ không được xét tuyển nữa. Vậy liệu thí sinh đăng ký trường A với nguyện vọng 1 có được ưu tiên hơn so với những thí sinh ở nguyện vọng 2,3,4,… hay không?
Trả lời vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi xét tuyển, thí sinh cao điểm hơn sẽ đỗ trước, dù đặt nguyện vọng ở vị trí thấp hơn. "Nếu các em trượt cả 9 nguyện vọng đầu, phải xét đến nguyện vọng 10, nhưng ở nguyện vọng 10 thực lực của em cao hơn bạn xếp nguyện vọng 1 cùng ngành đó thì em vẫn đỗ trước. Đó là sự ưu việt của Hệ thống. Tất nhiên, thí sinh phải chưa trúng tuyển các nguyện vọng phía trên, bởi nếu đã trúng tuyển rồi thì Hệ thống không xét tới nguyện vọng phía dưới nữa".
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thí sinh nên chọn những nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng mình mong muốn, yêu thích nhất, nếu không đỗ mới xét tiếp tới những nguyện vọng sau. "Sắp xếp như vậy, chúng ta không thiệt thòi gì cả. Hệ thống lọc ảo sàng lọc rất nhiều lần để đến lần chạy cuối cùng sắp xếp đúng nguyên tắc như trên. Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nhưng là cao nhất có thể của các em đạt được và việc trúng tuyển là do thực lực của thí sinh, không phải do nguyện vọng đó xếp số mấy".
Tương tự như trên, với xét tuyển sớm, nếu trường đại học đã công bố thí sinh đỗ xét tuyển sớm, thí sinh vẫn chắc chắn đỗ nguyện vọng này nếu các nguyện vọng xếp phía trên không đỗ (đã bao gồm điều kiện tốt nghiệp THPT).
"Ví dụ, em đã trúng tuyển sớm ở một ngành, một trường và xếp ở nguyện vọng số 4, trước đó có 3 nguyện vọng em mong muốn hơn. Lúc này, Hệ thống sẽ xét các nguyện vọng 1, 2, 3 của em trước, nếu em đỗ nguyện vọng nào thì dừng lại tại đó, nguyện vọng số 4 không còn giá trị. Nhưng nếu em không đỗ cả 3 nguyện vọng trên, em chắc chắn sẽ đỗ vào nguyện vọng 4 - nguyện vọng đã trúng tuyển sớm", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích.
Thứ tự các nguyện vọng ưu tiên rất quan trọng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, những năm trước, nhiều thí sinh do chủ quan nên không đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Đến khi hết thời gian quy định, Hệ thống đã chuyển sang khâu tiếp theo, những nguyện vọng đó không được chấp nhận.
Một lỗi khác thí sinh thường gặp trong quá trình đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là không nhấn kết thúc quy trình khi thao tác trên Hệ thống. "Khi chúng ta đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xong, cần nhấn vào nút cuối cùng để kết thúc quy trình, lúc đó Hệ thống mới ghi nhận những nguyện vọng của các em. Do đó, các em cần xem lại những video hướng dẫn mà Bộ GD&DT đã cung cấp, nắm vững quy trình thao tác trên Hệ thống".
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thứ tự các nguyện vọng ưu tiên khi thí sinh sắp xếp trên Hệ thống rất quan trọng, bởi thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo thứ tự ưu tiên, trong tổng số nguyện vọng các em có thể trúng tuyển.
"Chúng tôi đã từng nhận những đơn kiến nghị rằng, thí sinh đã đỗ vào nguyện vọng ở vị trí đầu, nhưng lại muốn học ở nguyện vọng xếp phía dưới. Lúc này, Bộ GD&ĐT không thể đổi được bởi Hệ thống đã dành nguyện vọng phía dưới đó cho bạn khác, không còn vị trí cho em nữa. Do đó, thứ tự của nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng".
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng nhắc nhở thí sinh vấn đề bảo mật tài khoản khi đăng nhập trên Hệ thống. Bởi nếu bảo mật không tốt, có người khác tự ý đăng nhập vào tài khoản và sắp xếp thứ tự nguyện vọng không đúng theo mong muốn của các em, thí sinh vẫn phải chấp nhận kết quả này khi Hệ thống đã hết thời gian mở đăng ký.
Dành lời khuyên cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên: "Bộ GD&ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký. Tuy nhiên, các em thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, dễ dẫn tới việc bối rối, lúng túng, nhầm lẫn trật tự giữa các nguyện vọng. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng gây lãng phí khi nộp lệ phí tuyển sinh.
Thay vào đó, các em cần có chiến thuật, chiến lược sắp xếp thứ tự nguyện vọng hợp lý và có những phương án đề phòng rủi ro, để nếu không trúng tuyển những nguyện vọng cao, những trường top đầu vẫn có thể trúng tuyển ở những trường tốt nhưng ở mức độ cạnh tranh thấp hơn".
Trượt năm nay, năm sau xét tuyển thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: "Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.
Thí sinh cũng có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng vào năm sau. Tuy nhiên có thể các trường sẽ dành ít chỉ tiêu hơn để xét tuyển với nhóm thí sinh này, nên các em sẽ ít lợi thế hơn so với việc tham gia xét tuyển năm nay".
Sau khi đăng ký thành công, từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ.