Hà Nội

Trường hợp nào không dùng miếng dán tránh thai?

22-02-2021 19:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Dùng miếng dán tránh thai là hình thức tránh thai đang được ưa chuộng hiện nay vì những tiện lợi của nó.

Miếng dán tránh thai thông thường chỉ khoảng 4,5cm2 được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán phân phối liên tục 2 hormon tổng hợp là progestin và estrogen, tương tự với hormon được cơ thể sản sinh tự nhiên. Cơ chế tránh thai của miếng dán là ngăn cản sự rụng trứng ở người phụ nữ. Nếu trứng không rụng, tinh trùng không thể thụ tinh và không thể có thai. Miếng dán cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, làm cho tinh trùng khó gặp trứng.

Dùng miếng dán tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt. Một ngày sau hết kinh, dán miếng dán lên da và để nguyên trong 1 tuần. Vào ngày đó của tuần kế tiếp, bạn bóc miếng dán cũ ra và dán một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở chỗ khác trên cơ thể. Trong tuần thứ 4 không dán miếng dán mới và kinh nguyệt xảy ra. Tuần tiếp theo, lặp lại quy trình.

Việc sử dụng miếng dán tránh thai được cho là dễ dàng và khá an toàn, nhưng để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ thì trước khi sử dụng miếng dán này, bạn vẫn cần hỏi bác sĩ xem mình có nằm trong nhóm đối tượng chống chỉ định hay không. Dưới đây là những trường hợp phụ nữ không nên sử dụng miếng dán tránh thai:  Trường hợp có thai hoặc đang nghi ngờ có thai, mẹ đang cho con bú trong khoảng 6 tuần sau sinh. Phụ nữ có bệnh lý hoặc có nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch, những người trên 35 tuổi, thường xuyên hút thuốc, hay những trường hợp bị tiểu đường,... Một số trương hợp đang mắc bệnh về rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch hay những người có bệnh lý van tim,... Bệnh nhân mắc bệnh gan như xơ gan, u gan.

Chị em hoàn toàn có thể tắm, tập luyện và bơi trong khi dán miếng dán. Không bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán khi đã dán vào da, vì có thể làm cho miếng dán dễ rơi. Không dùng băng dính để giữ miếng dán và không cắt hoặc sửa lại miếng dán bằng bất cứ cách nào. Làm như vậy có thể thay đổi lượng hormon phân phối vào cơ thể.              


BS. Đặng Lan
Ý kiến của bạn