Hà Nội

Trường hợp nào được dùng miễn phí thuốc phòng phơi nhiễm HIV?

05-07-2017 08:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra tại địa phận xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum do 2 xe đâm nhau, trong số các nạn nhân tử vong có 1 người nhiễm HIV

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra tại địa phận xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum do 2 xe đâm nhau, trong số các nạn nhân tử vong có 1 người nhiễm HIV và tình trạng nhiễm HIV của nạn nhân này chỉ được biết sau khi được cứu nạn. Tuy nhiên, 24 cán bộ y tế, 1 chiến sĩ công an và 11 người dân tham gia có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Để giúp giải tỏa nỗi lo lắng của những người tham gia cứu nạn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS.BS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về thời gian dùng thuốc phòng ngừa, điều kiện được theo dõi, chăm sóc... sau nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Trường hợp nào được dùng miễn phí thuốc phòng phơi nhiễm HIV?TS. Hoàng Đình Cảnh.

Phóng viên (PV): Có thông tin cho rằng khi người dân tham gia cấp cứu có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV muốn dùng thuốc ARV để dự phòng thì phải trả tiền. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thuốc ARV dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện... bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, trường hợp này là trường hợp đặc biệt, có 11 người dân tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn đã bị phơi nhiễm HIV, do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cán bộ y tế cùng cả 11 người dân tham gia cấp cứu và có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân này.

Đến nay, tất cả 24 cán bộ y tế, 1 chiến sĩ công an và 11 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu nạn nhân đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp thuốc ARV để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm kịp thời.

PV: Theo thông tin ban đầu, nạn nhân tử vong nhiễm HIV mới điều trị ARV từ tháng 5 vừa rồi. Ông đánh giá nguy cơ bị phơi nhiễm trong trường hợp này ở mức độ nào?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum thì nạn nhân này đã điều trị ARV nhiều năm rồi. Về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Mặt khác, 36 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay, do vậy, hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.

PV: Trong 36 người tham gia cấp cứu trong vụ tai nạn xảy ra trưa 30/6, đợt uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV sớm nhất là trưa 1/7, sau đó là trưa 2/7, muộn nhất là trưa 3/7. Theo ông, việc cho uống thuốc ARV như vậy đã kịp thời?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS ban hành kèm theo Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV nên thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Như vậy, cả 36 bệnh nhân này đều được điều trị ARV trong vòng 72 giờ đầu sau nguy cơ phơi nhiễm. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Trường hợp nào được dùng miễn phí thuốc phòng phơi nhiễm HIV?Y, bác sĩ cứu chữa nạn nhân vụ TNGT tại Kon Tum

PV: 36 trường hợp này sẽ uống thuốc trong thời gian bao lâu và theo dõi như thế nào? Khi nào có thể khẳng định họ hoàn toàn an toàn?

Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày (tức 4 tuần). Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng, cần đến các cơ sở y tế ngay.  Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị. Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định tại Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy, họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại, nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.

PV: Những trường hợp này có cần thiết phải nghỉ ở nhà hay vẫn đi làm bình thường?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, những người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng.

Hiện nay, các thuốc ARV được lựa chọn điều trị là khá an toàn với người sử dụng và cũng rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy, một số người mới uống có thể có cảm giác mệt mỏi, triệu chứng này sẽ nhanh qua. Do vậy, nếu những người dùng thuốc mà khỏe mạnh, họ có thể đi làm bình thường nếu muốn. Những trường hợp có phản ứng phụ của thuốc như dị ứng, mệt mỏi nhiều, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có thể đổi phác đồ điều trị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

36 người được điều trị ARV trong vụ cứu nạn nhân TNGT ở Kon Tum

Chiều ngày 4/7, Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, có thêm 12 người nghi bị phơi nhiễm HIV và ngành y tế địa phương đã quyết định điều trị dự phòng phơi nhiễm đối với những trường hợp này. Như vậy, đến thời điểm này, đã có 36 người nghi phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu cho nạn nhân nhiễm HIV bị tử vong tại Kon Tum. Theo đó, 12 trường hợp nghi bị phơi nhiễm HIV mới được phát hiện có 7 người là cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà, 3 người dân tham gia cứu nạn, 1 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và 1 chiến sĩ công an làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi.

12 người này đã được BVĐK tỉnh Kon Tum tiến hành đúng quy trình, lấy máu xét nghiệm sàng lọc, cấp thuốc ARV để điều trị phơi nhiễm và được can thiệp kịp thời trước 72 giờ. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã tiến hành lưu tất cả các mẫu máu để gửi xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật Elysa theo quy định. Kết quả xét nghiệm máu sàng lọc cho thấy cả 12 người mới phát hiện nghi phơi nhiễm HIV đều có kết quả âm tính.

TS


H. Huệ - N. Hạnh
Ý kiến của bạn
Tags: