Tôi 55 tuổi, đã 5 năm nay tôi bị đau khớp háng, đã điều trị các thuốc kháng viêm giảm đau nhưng không khỏi, hiện đi lại rất khó khăn. Có ý kiến khuyên tôi nên thay khớp nhân tạo. Xin quý báo cho tôi lời khuyên.
Vũ Văn Thỉnh (Vĩnh Phúc)
Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp phẫu thuật để điều trị những bệnh lý khớp háng mà tất cả các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả. Có nhiều bệnh lý làm tổn thương sụn khớp của chỏm xương đùi và sụn ổ cối như bệnh hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng, viêm khớp dạng thấp… Trong thời gian đầu của bệnh, đa số chúng ta áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn như thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau giảm sức tỳ đè lên khớp… tùy theo từng loại bệnh khác nhau.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Những trường hợp sau sẽ được xem xét nên phẫu thuật thay khớp háng: đau kéo dài mặc dù đã điều trị bảo tồn tích cực, đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh, đi lại khó khăn. Thay khớp háng là một phẫu thuật lớn, vì vậy cũng có khi xảy ra biến chứng sau phẫu thuật như: nhiễm khuẩn khoảng 1%, trật khớp (1 - 3%) tùy loại khớp nhân tạo; lỏng khớp, lệch chi, cứng khớp...
Về cơ bản tỷ lệ thành công khá cao, phần lớn bệnh nhân hài lòng với kết quả sau mổ. Tuy nhiên, do tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ được 10 - 20 năm, do đó đối với một số trường hợp hỏng khớp háng do bệnh lý, bác sĩ thường có xu hướng muốn trì hoãn việc thay khớp nhân tạo khi tuổi bệnh nhân còn trẻ cho đến khi không thể trì hoãn được nữa.
Hơn nữa, sau khi thay rồi cũng gặp các nguyên nhân khác dẫn đến việc phải thay lại khớp nhân tạo như: lỏng khớp, nhiễm khuẩn, gãy xương quanh khớp, trật khớp, mòn khớp, gãy các thành phần của khớp thì bắt buộc phải thay lại khớp nhân tạo. Trên đây là những chỉ định và biến chứng có thể gặp trong thay khớp nhân tạo để bác tham khảo và quyết định. Chúc bác nhanh lành bệnh.
BS. Nguyễn Văn Thịnh