Trường hợp nào cần siêu âm tim thai?

10-03-2024 10:56 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mỗi phụ nữ mang thai nên ít nhất một lần siêu âm tim thai với sự góp mặt của bác sĩ siêu âm sản khoa và bác sĩ tim mạch nhi khoa. Thời điểm phát triển hoàn thiện của tim trong bào thai là 18 tuần, từ thời điểm này có thể phát hiện hầu như tất cả các dị tật tim bẩm sinh.

Mới đây, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã can thiệp kịp thời cứu sống một trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp – hẹp khít động mạch phổi, được siêu âm phát hiện dị tật tim ở tuần thứ 31. Ngay sau khi trẻ chào đời chưa đầy 24h, các bác sĩ đã can thiệp thành công để trẻ có trái tim khỏe mạnh. Vai trò của siêu âm chẩn đoán bệnh tim trong bào thai (siêu âm tim thai) là vô cùng quan trọng.

Siêu âm tim thai có lợi ích gì?

Phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán tim bẩm sinh bào thai cho đến nay là siêu âm tim thai. Việc chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai đã được thực hiện phổ biến trên thế giới và mang lại hiệu quả rất rõ rệt trong điều trị và tiên lượng bệnh. Với sự phát triển của các thế hệ máy siêu âm với đầu dò có độ phân giải cao và độ đâm xuyên sâu đã mang đến những hình ảnh có chất lượng cao và làm tăng mức độ tin cậy của chẩn đoán.

Tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh là từ 0,8-1% số trẻ sinh ra sống, tuy nhiên tỷ lệ này còn cao hơn nhiều ở những thai bị sảy (10-25%), thai chết lưu và những đứa trẻ tử vong ngay sau sinh (3-4%). Có thể thấy rằng tỷ lệ tim bẩm sinh của bào thai còn cao hơn nhiều con số 1%. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ tim bẩm sinh bào thai dao động từ 2-3%. Ngoài ra, tim bẩm sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh, chiếm 35% tổng số trẻ có dị tật bẩm sinh tử vong.

Điều đáng nói là hầu hết những bệnh tim bẩm sinh tử vong thời kỳ sơ sinh là những thể nặng, cần cấp cứu hoặc điều trị ngay sau sinh, nếu như chúng ta không biết bệnh từ trong bào thai thì có thể bỏ sót dị tật sau sinh và dẫn đến trường hợp tử vong đáng tiếc. Với những bệnh tim bẩm sinh thể nhẹ hơn nếu được chẩn đoán từ trong thời kỳ bào thai cũng giúp cho bác sĩ cũng như gia đình có kế hoạch điều trị chủ động mang đến kết quả tốt nhất.

Trường hợp nào cần siêu âm tim thai?- Ảnh 1.

Bác sĩ siêu âm chẩn đoán bệnh tim trong bào thai cho thai phụ.

Các cấp độ của siêu âm tim thai

Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của các phương pháp phẫu thuật và can thiệp, hầu hết các bệnh tim bẩm sinh đều có thể điều trị, đa số có thể chữa khỏi hoàn toàn và mang lại cuộc sống bình thường cho trẻ. Đặc biệt có những thể tim bẩm sinh rất nặng, đe dọa tính mạng ngay sau khi sinh, nhưng nếu được cấp cứu kịp thời thì có thể cứu được đứa trẻ và chữa khỏi hoàn toàn.

Theo hội tim mạch Hoa Kỳ, siêu âm tim thai được chia làm 3 cấp độ:

- Cấp độ 1: Đánh giá tần số tim, dịch màng ngoài tim.

- Cấp độ 2: Khảo sát các buồng tim, đường ra thất phải, thất trái, đánh giá sơ bộ bất thường tim có hay không có.

- Cấp độ 3: Chẩn đoán xác định, chi tiết các bệnh lý tim bẩm sinh từ trong bào thai. Cấp độ này bắt buộc phải có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa tim mạch trẻ em. Từ đó đưa ra chỉ định theo dõi và điều trị tiếp theo.

Trường hợp nào cần siêu âm tim thai?

Những trường hợp sau đây cần hết sức chú ý và có chỉ định siêu âm tim thai:

Chỉ định liên quan đến mẹ:

  • Tiền sử gia đình tim bẩm sinh
  • Rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, phenylketon niệu…)
  • Có biểu hiện quái thai
  • Có sử dụng thuốc kháng Prostaglandin (ví dụ: ibuprofen, indometacin, axit salicylic
  • Nhiễm Rubella
  • Bệnh hệ thống (ví dụ: bệnh Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống)
  • Khuyết tật có tính chất gia đình (Ellis van Creveld, hội chứng Marfan, hội chứng Noonan)
  • Thụ tinh trong ống nghiệm
  • Sàng lọc siêu âm sản khoa bất thường
  • Có các bất thường ngoài tim
  • Bất thường nhiễm sắc thể
  • Nhịp tim không đều
  • Phù thai
  • Đa thai và nghi ngờ hội chứng truyền máu thai nhi
  • Tăng khoảng sáng sau gáy

Chỉ định siêu âm tim thai khá rộng rãi, tuy nhiên theo một số nghiên cứu thì tỷ lệ mắc tim bẩm sinh của trẻ sau khi ra đời ở những bà mẹ mang thai không có chỉ định siêu âm tim thai không hề ít hơn so với nhóm thai phụ có chỉ định siêu âm tim thai. Chính vì lẽ đó, mỗi phụ nữ mang thai nên ít nhất một lần siêu âm tim thai với sự góp mặt của bác sĩ siêu âm sản khoa và bác sĩ tim mạch nhi khoa.

Thời điểm phát triển hoàn thiện của tim trong bào thai là 18 tuần, từ thời điểm này có thể phát hiện hầu như tất cả các dị tật tim bẩm sinh. Tuy nhiên với một số bệnh tim bẩm sinh phức tạp, tổn thương cấu trúc nặng (thông sàn nhĩ thất, tim 1 thất, chuyển gốc đại động mạch…) thì bác sĩ có thể phát hiện ở những tuần thai sớm hơn.

Những bệnh tim bẩm sinh nào cần được xử trí cấp cứu sau khi sinh?

Những bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc ống động mạch cần được phẫu thuật hoặc can thiệp sớm sau sinh bao gồm:

  • Teo van động mạch phổi
  • Hẹp khít van động mạch phổi
  • Hẹp eo động mạch chủ nặng

Những bệnh tim bẩm sinh phức tạp có thể gây tình trạng tím nặng và suy tim, phù phổi cấp cần được phẫu thuật hay can thiệp sớm sau sinh gồm:

  • Đảo gốc động mạch
  • Gián đoạn quai động mạch chủ
  • Tim 1 thất
  • Hội chứng thiểu sản tim trái
  • Bất thường trở về tĩnh mạch phổi hoàn toàn.

Những rối loạn nhịp tim cần được theo dõi trong bào thai và can thiệp sớm sau khi sinh:

  • Bloc nhĩ thất hoàn toàn bẩm sinh
  • Cơn nhịp nhanh kịch phát

Ngoài ra những bệnh tim bẩm sinh cần được theo dõi sát sao sau khi sinh để đưa ra chỉ định phù hợp, đùng thời điểm mang lại kết quả điều trị tốt nhất: Kênh nhĩ thất toàn bộ, thông liên thất, tứ chứng Fallot…

Như vậy, việc chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh từ trong bào thai có vai trò rất to lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong cho những trẻ mắc bệnh, đặc biệt những bệnh tim bẩm sinh phức tạp cần can thiệp sớm ngay sau sinh. Chủ động, có kế hoạch theo dõi điều trị cho những trẻ mắc tim bẩm sinh, tránh bỏ sót có thể dẫn đến bỏ lỡ thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật hoặc can thiệp.

Việc chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh bào thai nhất thiết phải có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa tim mạch trẻ em để có được chẩn đoán chính xác, đưa ra được tiên lượng cho từng trường hợp bệnh.

ThS.BS Nguyễn Trung Kiên

Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai

Can thiệp cứu trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp ngay từ khi mới chào đờiCan thiệp cứu trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp ngay từ khi mới chào đời

SKĐS - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu chữa và can thiệp thành công cho một trẻ sơ sinh bị hẹp khít động mạch phổi (một bệnh tim bẩm sinh phức tạp).


Ý kiến của bạn