1. Vì sao phải dùng thuốc bổ gan?
Dùng thuốc bổ gan là cần thiết khi gan bị nhiễm độc. Việc giải độc gan vừa giúp làm sạch gan, vừa giúp cơ thể được thanh lọc và phòng ngừa được nhiều bệnh lý nguy hiểm tại gan cũng như các cơ quan khác.
Gan là cơ quan đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng. Trong đó điển hình chuyển hóa và thải độc. Tuy nhiên khả năng thải độc của gan cũng có giới hạn. Khi cơ thể tiếp xúc quá nhiều với các chất độc hại sẽ khiến gan quá tải. Hậu quả là chất độc sẽ tích tụ lại ở gan rồi lan dần đến các cơ quan khác...
Vì vậy để "giải cứu" lá gan, chúng ta cần phải áp dụng các biện pháp giúp thải độc gan. PGS.TS.BS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Vấn đề dùng thuốc bổ gan là rất quan trọng đối với những bệnh nhân bị mắc các bệnh lý về gan hay chức năng gan suy giảm.
Điển hình như gan bị tổn thương do rượu bia, do quá trình dùng thuốc, do nhiễm nấm, virus, vi khuẩn, các hóa chất… Nhưng dùng thuốc bổ gan như thế nào thì cần phải qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây độc gan mới có phác đồ thải độc gan an toàn và hiệu quả.
Thải độc cho gan phải kết hợp từ chế độ ăn đến dùng thuốc hợp lý. Thực tế trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc bổ gan, nhưng không phải cứ "thuốc bổ" là có thể tùy ý sử dụng. Dùng thuốc bổ gan cần phải biết được công dụng cụ thể của từng loại thuốc và sử dụng cho đúng các sản phẩm này.
2. Thuốc bổ gan cần sử dụng đúng bệnh
Các loại thuốc bổ gan được dùng phổ biến hiện nay phân thành 2 loại chính là nhóm chiết xuất từ thảo dược và nhóm các hợp chất tổng hợp. Trong đó:
- Nhóm chiết xuất từ thảo dược: Chất silymarin và silibinin có tác dụng duy trì và ổn định chức năng tế bào gan, kích thích tái tạo nhu mô gan. Vì vậy các thuốc này thường được chỉ định trong các trường hợp cần bảo vệ gan khi bệnh nhân dùng các thuốc có hại cho gan.
Đối với biphenyl dimethyl dicarboxylate lại có tác dụng giúp ngăn ngừa tình trạng gan bị tổn thương do hấp thụ các chất độc chứa trong bia rượu hoặc do thuốc. Chất này cũng giúp kiểm soát chỉ số men gan, do đó thuốc được dùng để hỗ trợ cải thiện các bệnh viêm gan do bia rượu, do virus, gan nhiễm mỡ…
- Các hợp nhất tổng hợp gồm:
+ Essential dạng tiêm có công dụng chính là cải thiện chức năng gan. Do đó phù hợp chỉ định dùng cho các trường hợp viêm gan cấp tính/viêm gan mạn tính, gan bị thoái hóa mỡ, tổn thương gan do mắc các bệnh lý về gan, hoặc xơ gan giai đoạn đầu.
+ Cianidanol có tác dụng trung hòa các gốc tự do, tăng cường hàm lượng ATP trong gan (tên đầy đủ là Alpha-fetoprotein - là một loại protein đặc biệt được tế bào gan sản xuất ở thai nhi hoặc ở người trưởng thành có tổn thương gan, đặc biệt là ung thư gan. Vì thế, AFP được sử dụng như một dấu ấn xác định ung thư gan, sàng lọc phát hiện sớm bệnh cũng như các biến chứng do tổn thương gan mạn tính), ổn định màng tế bào gan và tăng đáp ứng miễn dịch. Thuốc phát huy hiệu quả trong trường hợp bệnh nhân bị viêm gan do rượu, viêm gan do virus hoặc nhiễm độc gan cấp tính.
+ Flumeciol là một chất cảm ứng enzyme giúp loại thải độc tố từ thuốc hay hóa chất ra khỏi gan. Do đó thuốc được chỉ định cho các trường hợp phòng ngừa chứng vàng da ở trẻ sơ sinh, viêm gan do ngộ độc thuốc.
3. Cách sử dụng thuốc bổ gan an toàn, hiệu quả
Theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc, khi gan bị nhiễm độc, ngoài việc sử dụng thuốc điều trị đích, thì việc sử dụng thuốc bổ gan là điều rất quan trọng. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm giải độc gan và thuốc bổ gan, nhưng tiêu chí chung để lựa chọn loại thuốc phù hợp, an toàn và hiệu quả cần phải chú ý:
- Là các loại thuốc được các bác sĩ tư vấn sử dụng.
- Thuốc chứa các thành phần an toàn và được thử nghiệm trên lâm sàng, được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ hoặc Cơ quan Quản lý thuốc châu Âu hoặc Bộ Y tế cấp phép.
- Thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do các công ty dược uy tín sản xuất và phân phối.
- Thời điểm thích hợp để dùng thuốc bổ gan là khi chức năng gan được xác định là bị ảnh hưởng do nhiễm độc: Do hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, đã từng hoặc đang bị viêm gan, dùng nhiều thuốc có hại cho gan….
- Thuốc bổ gan nên uống khoảng 30 phút trước bữa ăn.
Đa phần các thuốc bổ gan đều lành tính, nhưng người bệnh cũng không nên dùng thuốc quá liều mà hãy tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Thuốc bổ gan sau khi uống vào không có tác dụng ngay, mà chỉ phát huy tối đa tác dụng khoảng sau 1 tháng kể từ khi bắt đầu dùng thuốc.
Do đó bệnh nhân cần kiên trì dùng thuốc sau khi được kê đơn. Khi uống thuốc cần theo dõi cơ thể có các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi hơn, nổi mẩn, ngứa…. thì nên ngừng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị. Một liệu trình ngắn hay dài ngày tùy thuộc vào tình trạng và loại bệnh lý của mỗi bệnh nhân.
Khi dùng các thuốc bổ gan, cần tránh:
- Các thuốc bổ gan chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thay thế được các thuốc đặc trị. Do đó khi uống thuốc bổ gan không được bỏ thuốc đích.
- Loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây hại cho gan có thể được như bia, rượu, thuốc lá, chất kích thích… Trường hợp dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư…) mà gây độc cho gan, thì việc dùng thuốc như thế nào cần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, sau khi đã hội chẩn và đánh giá lợi - hại.
- Đối với bệnh nhân có chức năng gan bị giảm nhưng không phải do bệnh lý thì tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa gan mật, để được hướng dẫn sử dụng chế phẩm phù hợp. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc thải độc gan, bổ gan hay hạ men gan, đặc biệt là các loại lá trong dân gian truyền miệng có tác dụng bổ gan, thải độc gan.
Đã không ít trường hợp sau khi tự ý sử dụng các loại lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đã bị ngộ độc nặng, phải cấp cứu và rất khó điều trị...
Mời độc giả xem thêm video:
Ăn gan có bổ gan không? | SKĐS