Hà Nội

Trường hợp nào áp dụng xông hơi, bôi dầu cao xoa?

SKĐS - Hiện nay nhiều người ap dụng phương pháp xông hơi, bôi dầu cao xoa, trong đó có cả người bệnh COVID-19. Theo lý luận của y học cổ truyền thì phương pháp này chỉ dùng trong một số trường hợp nhất định.

Xông hơi, bôi dầu cao xoa là phương pháp dùng thuốc bên ngoài có liên quan đến phép dùng thuốc làm cho ra mồ hôi (phát hãn) của y học cổ truyền.

 1. Làm cho ra mồ hôi (phát hãn) khi nào?

Làm cho ra mồ hôi là một trong bát pháp (8 phương pháp) chữa bệnh của y học cổ truyền gồm: Hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ. 

Hãn pháp là dùng các thuốc làm cho ra mồ hôi tạo thành bài thuốc để đưa tà khí (khí độc) ra ngoài, chỉ dùng khi bệnh còn ở biểu (da) không cho truyền bệnh vào trong lý (lục phủ ngũ tạng).

2. Trường hợp nào dùng pháp hãn?

Dùng hãn pháp chữa các chứng bệnh sau:

- Ngoại cảm phong hàn: Cảm mạo phong hàn, các bệnh đau dây thần kinh ngoại biên, co cứng các cơ do lạnh, đau vai gáy, đau lưng, liệt dây thần kinh VII ngoại biên…, dị ứng nổi ban do lạnh, viêm mũi dị ứng …

Trường hợp nào áp dụng xông hơi, bôi dầu cao xoa? - Ảnh 2.

Bệnh nhân COVID không nên xông hơi

- Ngoại cảm phong nhiệt: Cảm mạo có sốt, giai đoạn đầu viêm họng, khởi phát của các bệnh truyền nhiễm (phần vệ của ôn bệnh, ôn bệnh là tên chung chỉ nhiều loại nhiệt bệnh cấp tính do ôn tà gây ra. Bệnh chủ yếu biểu hiện ở vệ, khí, dinh, huyết và tạng phủ thuộc tam tiêu), viêm màng tiếp hợp cấp theo mùa, siêu vi trùng…

- Ngoại cảm phong thấp: Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cấp, đau dây thần kinh ngoại biên.

- Bệnh phong thủy: Viêm cầu thận cấp dị ứng do lạnh, có hiện tượng phù từ lưng trở lên kèm theo sốt, sợ lạnh, suyễn, viêm họng…

- Bệnh sởi chưa mọc ban, thường dùng các vị thuốc: Bạc hà, kinh giới, lá dâu… để thúc mọc ban.

Nhóm thuốc thường dùng để chữa các bệnh trên gọi là thuốc giải biểu. Chỉ sử dụng thuốc khi tà khí còn ở biểu, nếu tà khí đã vào bên trong mà biểu chứng (triệu chứng) vẫn còn thì phải phối hợp với các thuốc chữa ở phần lý gọi là biểu lý cùng giải. Các thuốc phát hãn gây ra mồ hôi, không nên dùng kéo dài, khi đạt kết quả phải dừng thuốc ngay.

Trường hợp nào áp dụng xông hơi, bôi dầu cao xoa? - Ảnh 2.

Không bôi dầu cao xoa.

3. Phương pháp dùng thuốc bên ngoài

Ngoài thuốc uống trong, một số phương pháp dùng thuốc bên ngoài có liên quan đến phương pháp hãn:

+ Xông là dùng hơi thuốc nấu với nước hoặc khói vị thuốc để xông toàn bộ cơ thể hay nơi có bệnh. Dùng các lá có tinh dầu (lá bưởi, lá sả, lá chanh…) nấu với nước sôi, xông toàn thân cho ra mồ hôi, sát trùng da, họng; chữa cảm mạo, hạ sốt. 

Xông hơi là liệu pháp dùng nhiệt kết hợp tinh chất dược liệu thúc đẩy tăng tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông; có tác dụng đẩy các nguyên nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể, làm hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau…; là liệu pháp mạnh trong phương pháp hãn, thường dùng khi bị cảm lạnh.

+ Bôi, đắp, chườm: Dùng các vị thuốc có tinh dầu, lá phơi khô tán nhỏ hay nấu trong dầu, mỡ (dầu cao xoa) để bôi, đắp, chườm.

Đặc điểm khí hậu thời tiết Nam bộ: Nhiệt đới, đặc điểm địa hình: Tương đối bằng phẳng có nhiều sông rạch nên người dân Nam bộ rất dễ cảm lạnh. Hành trang mang theo người thường có lọ (chai) dầu gió và khăn rằm để bôi xoa khi muỗi, côn trùng cắn và khi trái gió trở trời; khăn để giữ ấm khi bị lạnh. Người dân cũng hay cạo gió hay xông hơi.

4. Không nên xông hơi, bôi dầu cao xoa với người bệnh COVID-19

Y học hiện đại xếp cảm cúm (cúm mùa) là loại bệnh do virus, bệnh dễ gây biến chứng sưng phổi và dễ lây lan nhanh trong cộng đồng (yếu tố dịch tễ).

Y dược học cổ truyền xếp cảm cúm thuộc nhóm ôn dịch trong ôn bệnh. Ôn bệnh tức là bệnh nhiệt, bệnh này rất dễ làm thương tổn đến âm dịch, cho nên về phương diện trị liệu phải dùng tới các vị thuốc tân, lương, khinh, tiết và cam hàn để cứu âm, không được phạm tới một vị tân nhiệt nào; nếu không thời sẽ phạm tới lỗi lửa cháy lại đổ thêm dầu, rất nguy hiểm. 

Khi ôn bệnh mới phát sinh, thấy có triệu chứng, nên dùng ngay những bài "Ngân kiều", "Tang cúc" ... để cho bài tiết một cách nhẹ nhàng.

Virus cúm (hay SARS-CoV-2) xâm nhập vào cơ thể qua mũi, họng vào phổi (phế kinh), không qua da và lỗ chân lông (bì phu, tấu lý) nên dù có xông hơi hay bôi dầu cao xoa cũng không diệt hết virus. 

Nếu chúng ta xông hơi cho người mắc COVID-19, mồ hôi ra nhiều sẽ làm giảm lượng nước (tân dịch) trong máu, làm máu cô đặc lại dẫn đến rối loạn chất điện giải (thiếu về chất, giảm về lượng), gây ngộ độc tế bào, dễ tử vong hơn người không xông hơi.
TTƯT.TS. Nguyễn Đức Quang

Quá trình xâm nhập, SARS-CoV-2 gây sưng viêm tế bào niêm mạc mũi, họng và phổi, làm mất nhận thức mùi vị; nếu ta bôi dầu cao xoa hay xông hơi thì niêm mạc sẽ sưng nề (thấp nhiệt) nặng hơn, càng tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, bệnh sẽ nặng hơn.

Trái lại khi bị cảm lạnh, tế bào niêm mạc mũi họng co lại, ngăn cản dẫn truyền thần kinh phế vị làm mất cảm giác mùi vị; xông hơi và bôi dầu cao xoa làm nóng, dãn nở tế bào niêm mạc, phục hồi dẫn truyền thần kinh, giúp bệnh nhanh khỏi.

Đó là sự khác nhau về cơ chế tác dụng giữa bệnh cảm lạnh và bệnh COVID-19. Niêm mạc phổi (phế nang) cần thoáng mát tạo điều kiện tốt cho trao đổi oxy và carbonic giữa không khí và hồng cầu; nhưng do phế nang bị tổn thương và sưng nề (thấp nhiệt) ngăn cản quá trình này. SARS-CoV-2 là virus thuộc nhóm gây suy hô hấp cấp cũng làm giảm mạnh khả năng trao đổi oxy, càng làm hồng cầu thiếu oxy nặng.

Y dược học cổ truyền gọi trường hợp này là hiện tượng âm hư dương thoát nên phải cứu âm bảo tồn dương mới bảo toàn tính mạng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà

TTƯT. TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn