Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức; hiệu trưởng các trường THPT, trường THPT nhiều cấp học; giám đốc TT GDTX-GDNN và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm trong nhà trường trước, trong và sau lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5.
Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường học chú trọng tổ chức nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh giai đoạn sau lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, góp phần kết thúc năm học đúng tiến độ thời gian và hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Lãnh đạo các đơn vị trường học khuyến cáo tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đeo khẩu trang đúng quy định của Bộ Y tế, đặc biệt đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ sắp tới. Nhà trường có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở việc đeo khẩu trang đối với các nhân viên làm việc tại các vị trí có tiếp xúc thường xuyên với học sinh.
Thủ trưởng đơn vị truyền thông đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đảm bảo thực hiện quy định về phòng chống dịch COVID-19 khi rời thành phố và theo dõi sức khỏe khi trở lại thành phố.
Sở GD&ĐT TP.HCM lưu ý, nhà trường tổ chức rà soát, cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền, béo phì, trên 50 tuổi) nhưng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục đến các điểm tiêm trên địa bàn.
Ngoài ra, trường học tổ chức truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ về cách thức tự theo dõi sức khỏe; thực hiện tốt thông điệp 2K (khử khuẩn - khẩu trang), đặc biệt là đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhà trường tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm. Khi trẻ, học sinh, học viên (gọi tắt là người học) nghỉ học cần tìm hiểu lý do để phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ, ca mắc bệnh truyền nhiễm trong trường học, đồng thời thông báo ngay cho trạm y tế để kịp thời điều tra xử lý khi phát hiện ca mắc hoặc nghi mắc một trong các bệnh truyền nhiễm, ghi nhận nhiều người học hoặc giáo viên, nhân viên cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian, tăng bất thường số lượng người học, giáo viên, nhân viên nghỉ học, nghỉ làm so với các ngày trước.
Khi ghi nhận ca nghi ngờ hoặc ca mắc một trong các bệnh truyền nhiễm trong trường học, nhà trường cần thông báo và phối hợp ngay với trạm y tế để tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý ca bệnh, vệ sinh khử khuẩn theo quy định, kết hợp các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây lan trong trường và báo cáo diễn tiến hàng ngày về trạm y tế địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, trường học cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho toàn thể người học, giáo viên, công nhân viên về đặc điểm bệnh, cách nhận biết các dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm; cách xử lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người học khi mắc bệnh tại trường và tại nhà; thực hiện 3 sạch "Ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch"; đảm bảo các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng bệnh; phát hiện và xử lý vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng tại nơi ở, làm việc và học tập. Đối với khối mầm non và tiểu học, cần chú trọng hướng dẫn rửa tay đúng cách, đúng thời điểm để hình thành thói quen rửa tay.
Trường học thực hiện nghiêm túc yêu cầu "Không để học sinh mắc bệnh truyền nhiễm đến trường", đề nghị phụ huynh không cho trẻ /người học đi học khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, đưa trẻ/ người học đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ và thông báo ngay cho nhà trường khi có chẩn đoán của cơ sở y tế.
Cùng với đó, trường học đẩy mạnh công tác truyền thông đến phụ huynh với chủ đề về lợi ích của việc tiêm vaccine, sử dụng các tài liệu truyền thông từ nguồn chính thống của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức.
Trong trường học, cần khuyến khích và duy trì hoạt động rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng cho người học, giáo viên và người chăm sóc trẻ. Nhà trường bố trí bồn rửa tay với số lượng phù hợp, nơi rửa tay thuận tiện, cung cấp đầy đủ và duy trì xà phòng, nước sạch cho người học, giáo viên, nhân viên và khách đến trường. Tổ chức thực hiện vệ sinh ăn uống gồm ăn chín, uống chín; các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch trước khi sử dụng.
Đối với các nhóm trẻ, lớp mầm non, nhà trẻ cần đảm bảo dụng cụ uống nước riêng cho mỗi học sinh và được vệ sinh thường xuyên; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các khu vực trong trường học, đặc biệt các bề mặt học sinh thường tiếp xúc bằng hóa chất làm sạch, khử khuẩn thông thường theo quy trình hướng dẫn; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng hàng tuần hoặc khi cần thiết.