Điều chỉnh thời khóa biểu để chống nắng
Trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có chỉ đạo yêu cầu hiệu trưởng các trường học chủ động điều chỉnh thời khóa biểu và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Quận 12) tập thể dục trong khu vực được che mái. Ảnh: Khang Phúc
Ghi nhận tại các trường trên địa bàn TPHCM cho thấy, nhiều trường học đã có nhiều cách làm linh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong mùa nắng nóng.
Đơn cử như tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Quận 12), nhà trường đã có nhiều biện pháp sáng tạo trong hoạt động dạy và học nhằm ứng phó nắng nóng.
Cô Trần Thị Hồng Ân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi cho biết, nhà trường đã thực hiện các phương án linh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Cụ thể, đối với các tiết học giáo dục thể chất, nhà trường đã linh hoạt sắp xếp học vào các khung giờ mát mẻ.
Học sinh xem tivi và vui chơi tại lớp học, hạn chế ra ngoài trời lúc nắng nóng. Ảnh: Khang Phúc
Vào giờ ra chơi, nhà trường cũng cũng hạn chế cho học sinh ra ngoài trời mà sẽ cho học sinh vui chơi tại lớp học. Đồng thời nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh uống đủ nước và hạn chế tối đa vui chơi ngoài trời nắng để bảo vệ sức khỏe.
Tương tự, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh giữa mùa nắng nóng, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai những biện pháp linh động như thuê những chiếc dù lớn để che sân trường nhằm tạo bóng râm và giảm bức xạ mặt trời cho học sinh. Ngoài ra, trường còn lắp đặt thêm các cây nước nóng lạnh trong khuôn viên nhà trường và các phòng chức năng đáp ứng đủ nước uống cho các con.
Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức cho học sinh chơi trong các nơi có mái che và lắp đặt thêm các cây nước nóng lạnh trong khuôn viên nhà trường để phục vụ học sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ảnh: Khang Phúc.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho biết thêm, nhà trường cũng sắp xếp thời khóa biểu, sao cho các môn giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng học vào các khung giờ mát mẻ. Đồng thời nhà trường cũng chỉ đạo tuyệt đối không để cho học sinh phải học tập các môn này ở ngoài trời nắng.
Ngoài ra, nhà trường còn vận động phụ huynh và học sinh nên mặc áo khoác và thoa kem chống nắng khi đi học, bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể và lưu ý việc ăn uống trong những ngày nắng nóng để bảo vệ sức khỏe.
Trẻ em nhập viện tăng vì nắng nóng
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 1 – 15/4), bệnh viện ghi nhận hơn 4600 số ca bệnh nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng.
BS.CK1 Trương Thị Ngọc Phú – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số mặt bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng (sốc nhiệt); các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…). Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ.
Bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Ảnh: Vân Nhi
Theo bác sĩ Ngọc Phú, các bệnh lý của đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác như lỵ, tả (hiện ít gặp) có các triệu chứng đặc trưng: sốt, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng, tiêu đàm máu… Vì vậy phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các triệu chứng này.
Đồng thời ngay khi trẻ có các triệu chứng như: Không tỉnh táo, lừ đừ; không uống được, bỏ bú; mất nước diễn tiến nặng; không có nước tiểu trong vòng 6 - 8 giờ, khóc không có nước mắt, da/môi khô, mắt trũng; tiêu chảy hơn 2 ngày không giảm; tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu,.... phụ huynh cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám chữa bệnh.
Các bác sĩ cũng cho biết, trong những ngày nắng nóng, trẻ em khi vận động dưới nắng nóng trong thời gian kéo dài và không được bổ sung nước đầy đủ sẽ khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước, làm trẻ mệt mỏi, lừ đừ, dễ bị bệnh, thậm chí là sốc nhiệt.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em trong mùa nắng nóng, các bác sĩ lưu ý phụ huynh cần phải chăm sóc trẻ đúng cách theo các bước sau:
- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ: Tạo cho con trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Đồng thời hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng… để giúp loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh từ chính đôi bàn tay của trẻ.
- Ăn uống hợp vệ sinh: Chú ý vấn đề chế biến và bảo quản thức ăn, thức uống, thời gian cho phép khi lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ bên ngoài. Nếu ăn đồ ăn ngoài hàng, quán…cần lựa chọn địa điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ.
- Tạo môi trường sống trong lành, an toàn: Luôn giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành như phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng, giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ…giúp hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm.
- Tăng cường lượng dịch uống: Luôn tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội…giúp cơ thể trẻ không bị mất nước do nhiệt độ cao và tăng cường sức đề kháng.
- Hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng: Dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh. Nếu phải hoạt động ngoài trời nên hướng dẫn che chắn cho trẻ cẩn thận, tránh những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày. Thời gian hoạt động ngoài trời không quá 60 phút/ngày đối với trẻ em trong thời tiết nắng nóng.
- Chích ngừa đầy đủ một số bệnh lây nhiễm có vaccine phòng ngừa.