Hà Nội

Trường học lên phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh thời điểm giao mùa

21-10-2022 11:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời tiết chuyển mùa, những ngày qua, số học sinh phải nghỉ ốm do mắc một số bệnh đường hô hấp gia tăng. Để giảm tối đa học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh, các trường đã lên nhiều phương án đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đến lớp.

‘Đầu tư mầm non giúp tăng thu nhập cho gia đình’‘Đầu tư mầm non giúp tăng thu nhập cho gia đình’

SKĐS - "Theo nghiên cứu của chúng tôi, những quốc gia có sự đầu tư vào giáo dục mầm non, khi trưởng thành người dân có thu nhập cao hơn 30% so với thông thường", ông Christophe Lemiere, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ.

Tại Trường mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô Vũ Nguyệt Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tỉ lệ học sinh nghỉ học trong thời điểm này là hơn 10%. Mỗi ngày có khoảng 10 cháu nghỉ ốm, gia đình báo giáo viên các cháu bị sốt hoặc mệt.

Theo cô Ánh, thời gian qua, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ trong thời điểm giao mùa, hằng ngày, sau khi trả hết trẻ tới tay phụ huynh, các cô giáo đều lau dọn vệ sinh lớp học sạch sẽ. Hàng tuần, các lớp học được tổng vệ sinh và xịt thuốc muỗi phòng tránh muỗi lây bệnh sốt xuất huyết.

Về vệ sinh cho các con tại trường, cô Ánh cho biết, trước mỗi giờ ăn, các con được cô giáo hướng dẫn, nhắc nhở và giám sát việc rửa tay bằng xà phòng, lau mặt sạch sẽ. Sau mỗi bữa ăn, giáo viên các lớp học cho các con súc miệng bằng nước muối phòng tránh các bệnh về hô hấp và răng miệng.

Trường học lên phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh thời điểm giao mùa - Ảnh 2.

Trẻ được cô hướng dẫn lau mặt sạch sẽ trước và sau mỗi giờ ăn.

Bữa ăn của trẻ tại trường cũng luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. Nhà trường đã xây dựng thực đơn 4 tuần không trùng lặp và tính khẩu phần ăn của trẻ trên phần mềm dinh dưỡng đảm bảo định lượng calo và tỷ lệ cân đối giữa các chất protein - lipit - gluxit.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức tới cán bộ giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh thực hiện việc phòng chống dịch bệnh do virut như COVID-19, cúm mùa, tay chân miệng, sốt xuất huyết, Adeno… trong nhà trường cũng như trong cộng đồng. Các cô giáo luôn nhắc nhở các con giữ ấm cơ thể như trời trở lạnh mặc thêm áo ấm, đắp chăn khi đi ngủ. Thường xuyên đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi đông người.

Ngoài ra, trong năm học nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho học sinh 1 lần/1 năm học vào đầu năm học mới như khám đánh giá tỉ lệ các bệnh học đường (thị lực, cong vẹo cột sống…), tỉ lệ thể lực của học sinh và thông báo cho phụ huynh biết tình hình sức khỏe của con em mình để có hướng điều trị sớm.

Trường học lên phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh thời điểm giao mùa - Ảnh 3.

Trẻ 4 tuổi được hướng dẫn rửa tay đúng cách tại Trường Mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).

Tại Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc, cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - hiệu phó nhà trường cho biết, thời điểm giao mùa, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, đặc biệt là các em học sinh vệ sinh lớp học, luôn mở các cửa vào những ngày nắng, giữ gìn lớp học thoáng sạch. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở các em rửa tay trong buổi học, giữ ấm cơ thể và khuyến khích các em sử dụng bình nước uống cá nhân.

Cô Thắm cho biết, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đối với học sinh tiểu học rất cần thiết và quan trọng, học sinh sẽ nhận biết được triệu chứng của bệnh và chủ động thông báo cho cha mẹ, thầy cô.

"Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, nhà trường cũng đã tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh các khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vaccine cúm mùa. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời".

Khi trời lạnh, để phòng bệnh cho trẻ, BSCKII. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố (TP. HCM) khuyến cáo cha mẹ cần giữ ấm cho con trong mùa lạnh, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, mỏ ác (thóp), ngực và cả vùng mông. Nếu trẻ nào bệnh thì nên nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác. Bên cạnh đó, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh. Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và thường không có ý thức phòng bệnh, hay đưa mọi thứ vào miệng… nên có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn người lớn. Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật; hướng dẫn con rửa tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nghịch bẩn; đi ngủ sớm; hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây bệnh truyền nhiễm.

Các bác sĩ cũng lưu ý khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu như sốt cao từ 3-4 ngày, nôn ói nhiều, hắt hơi, sổ mũi tần suất dày hơn khiến trẻ thở mệt, không ngủ được thì cần đưa đến bệnh viện để được chăm sóc, điều trị. Cần cho trẻ uống nhiều nước, hạ sốt, lau mát, rửa mũi… Đặc biệt, cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng.




Đỗ Vi
Ý kiến của bạn