Trường học có phải đổi tên sau sắp xếp đơn vị hành chính?

15-05-2025 06:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và tiến hành sáp nhập tỉnh, bãi bỏ cấp huyện, một câu hỏi được đặt ra là liệu các trường học có bắt buộc phải thay đổi tên gọi hay không.

Theo Công văn số 1581 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập trong bối cảnh sắp xếp bộ máy chính quyền, Bộ không đề cập đến việc đổi tên trường. Điều này cho thấy, tại thời điểm hiện tại, các trường học không bắt buộc phải thay đổi tên gọi.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường học hiện đang sử dụng tên gọi gắn liền với các đơn vị hành chính cấp huyện như "thị trấn", "thị xã", "phường", "xã". Sau quá trình sáp nhập và thay đổi địa giới hành chính, những tên gọi này có thể trở nên không còn phù hợp. Việc điều chỉnh tên trường để phù hợp với tình hình thực tế sẽ do chính quyền địa phương quyết định.

Phân cấp quản lý và bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục

Công văn số 1581 cũng quy định rõ về việc phân cấp quản lý giáo dục sau khi sắp xếp chính quyền các cấp. Theo đó, Sở GD&ĐT cấp tỉnh sẽ đảm nhận các chức năng và nhiệm vụ quan trọng sau:

Tham mưu: Trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các cấp có thẩm quyền quyết định về vị trí việc làm, biên chế công chức và tổng số người làm việc tại các trường công lập trên địa bàn.

Trường học có phải đổi tên sau sắp xếp đơn vị hành chính?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Quản lý nhân sự: Thực hiện tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên các trường công lập.

Kế hoạch phát triển đội ngũ: Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng để phát triển đội ngũ giáo viên cho các địa phương và trường học trong tỉnh, đảm bảo điều tiết nhân sự, xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Đảm bảo biên chế và giải trình: Chịu trách nhiệm đảm bảo đủ biên chế công chức quản lý và số lượng người làm việc theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời giải trình về hoạt động, chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh.

Bổ nhiệm và điều động cán bộ quản lý: Có thẩm quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động và thay đổi vị trí việc làm đối với hiệu trưởng và hiệu phó các trường học.

Cập nhật dữ liệu: Thường xuyên cập nhật thông tin về giáo viên và cán bộ quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và các cấp quản lý (UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT).

Như vậy, có thể thấy rõ rằng sau khi bãi bỏ cấp huyện, Sở GD&ĐT cấp tỉnh sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bổ nhiệm các vị trí hiệu trưởng và hiệu phó của các trường học trên địa bàn.

Trường học sau bỏ cấp huyện: Sáp nhập hay giữ nguyên?Trường học sau bỏ cấp huyện: Sáp nhập hay giữ nguyên?

SKĐS - Dù có sự thay đổi về đơn vị hành chính cấp huyện từ 1/7, phụ huynh và học sinh có thể yên tâm khi Bộ GD&ĐT khẳng định các trường phổ thông sẽ không bị sáp nhập.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn