Trường dạy vũ ba lê dành cho người khiếm thị độc nhất thế giới

20-01-2016 00:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đã 20 năm bằng tiền túi của bản thân, gia đình và một số tổ chức kinh tế, bà Fernando ở Sao Paulo (Brazil) thành lập trường dạy vũ ba lê miễn phí cho trẻ khiếm thị. Cơ sở cũng thu hút không ít bé gái hoàn toàn khỏe mạnh.

- Một! Năm! Nghỉ! Quay vòng! Nhún vai! Lặp lại! - hàng loạt bàn chân mang giầy ba lê trắng của vũ nữ sắp đặt cho những tạo dáng tiếp nối. Bàn tay của họ vươn dài, lưng - đứng thẳng. Cặp mắt - bất động.

Bà Fermanda Bianchini - nữ giáo viên đang say sưa hướng dẫn nhóm học sinh hệ trung cấp tại trường dạy vũ ba lê dành cho người khiếm thị, cơ sở do bà thành lập 20 năm trước tại Sao Paulo.

- Xem vũ nữ ba lê khiếm thị thực hiện những động tác nhẹ nhàng và hoàn hảo là trải nghiệm cực mạnh - chị Angela Pereira, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ “phải lòng” cơ sở đào tạo dị thường này ba năm trước, đến nay vẫn say chụp ảnh các học viên nhận xét. - Bản thân tôi cũng học vũ ba lê đến năm 20 tuổi, vậy nên tôi hiểu rõ, nó khó thế nào. Các học viên ở đây thật sự kiên trì.

Bà Fermanda cùng các học viên khiếm thị .

Bà Fermanda tác động vào cánh tay, đôi chân họ hoặc đặt tay họ vào cơ thể mình, để chỉ dẫn cho họ động tác tiếp theo. Bà áp dụng phương pháp dạy dựa vào xúc giác (sự động chạm). Bà nghĩ ra nó năm 15 tuổi.

Cô con gái của cặp vợ chồng doanh nhân là tín đồ Thiên chúa giáo từ nhỏ đã cùng chị gái tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại trại trẻ mồ côi và các trung tâm dạy nghề dành cho người khiếm thị ở Sao Paulo.

- Tôi đam mê vũ ba lê, cho dù bản thân chỉ là vũ công hạng trung bình - bà Fermanda tâm sự. Đến một ngày bà giám đốc Trung tâm dạy nghề Người khiếm thị bảo tôi: “Cháu có dáng đứng thẳng lưng tuyệt đẹp. Học viên của cô đứa nào cũng gù lưng. Cháu có thể giúp cô dạy chúng đứng thẳng”. Bỗng xuất hiện trong đầu ý tưởng mở trường dạy vũ ba lê, tôi đã nhận lời.

Giờ học đầu tiên, bà Fermanda muốn dạy các bé gái đứng thẳng trên một chân, chân còn lại kéo lên tựa tư thế nhảy lò cò. Bà giải thích: “Các con đứng trên một chân, chân còn lại co lên giống như chạm vào xô đựng nước”. Một trong số nữ sinh hồn nhiên hỏi: “Thưa cô, xô đựng nước là cái gì?”.

- Khi ấy tôi ngộ ra, mình phải “hóa thân” vào thế giới người khiếm thị, hiểu hết những hạn chế của họ - bà giáo hôm nay nhớ lại. Để dạy các con tạo tư thế cò đứng, bà Fermanda đặt học viên nằm xuống sàn nhà và giơ chân lên, để chúng làm quen với cảm giác xuất hiện khoảng trống. Nếu muốn giải thích cho chúng về khái niệm nhẹ nhàng khi chuyển động, bà đặt dưới bàn tay chúng chiếc lá dừa.

- Thoạt đầu tôi nghĩ, học sinh khiếm thị không thể học vũ ba lê - ông Cesar, đồng nghiệp bà Fermanda đã hơn chục năm bộc bạch. - Thực tế cho thấy, trẻ khiếm thị học không ít động tác nhanh hơn nhiều so với đồng lứa sáng mắt. Đến nay tôi vẫn sởn da gà - mỗi khi quan sát học sinh khiếm thị múa ba lê với nhịp điệu đồng đều đến mức lý tưởng.

Bà Fermanda đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về phương pháp dạy vũ ba lê cho người khiếm thị tại Đại học Prezbiterianski Mackenz ở Sao Paulo.

- Công việc này đòi hỏi nhiều tình yêu và kiên nhẫn, đôi lúc cần phải nhắc lại động tác nào đó hàng chục lần - bà Fermanda dẫn giải.

- Ngày đầu con sợ “xôi hỏng, bỏng không” - Jessica khiếm thị thú nhận. Thiếu nữ 19 tuổi nhập học đã một năm. - Tất cả các thầy cô đều cố sức, để con thấy thoải mái. Bảy năm nữa con sẽ tốt nghiệp và trở thành vũ nữ ba lê. Giống các chị Geyza, Mariana và hàng chục thiếu nữ khác. Geyza ấp ủ giấc mơ trở thành vũ nữ ba lê từ nhỏ, nhưng đến năm 10 bé bị mù lòa.

- Một ngày nọ cháu bảo mẹ bật đèn. Giây lát sau mẹ đáp: “Đèn bật rồi”. Cháu lại yêu cầu mẹ mở cửa sổ. “Cửa vẫn mở” - mẹ trả lời. Bé gái Geyza đã dám chắc, chấm hết giấc mơ vũ ba lê, cho đến ngày gặp bà Fermanda. Hôm nay chị Geyza đã là vũ công chuyên nghiệp và đồng nghiệp bà Fermanda.

Trên 400 nữ học viên đã qua tay bà Fermanda, hiện ở trường có 150 học viên, độ tuổi từ 4 đến 20. Đa số khiếm thị, một số khiếm thính, cũng có một số thiểu năng trí tuệ, một số phải đến bằng xe lăn.

Đối với những trẻ khiếm thị nhỏ tuổi nhất, giờ học vũ ba lê thường là thời điểm đầu tiên trong đời chúng buộc phải rời xa bàn tay mẹ và đặt lòng tin vào người lạ - giáo viên, bạn học và bản thân. Chúng nghe giọng nói ấm áp “Các con ngước nhìn các vì sao!” của mẹ Fermanda. Bà giáo muốn các con tự hoàn thiện, đồng thời cũng tập tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu.

- Khi mới xuất hiện tại trường chúng tôi, các bé gái không khác gì những búp bê bằng sành sứ, khô cứng, nhưng nhút nhát và yếu đuối - bà Fermanda mô tả - Tốt nghiệp ra trường tất cả không khác gì chiến binh, sẵn sàng đối mặt với cuộc sống vốn từ lâu đã khắc nghiệt đối với chúng.

Chị Angela, nhiếp ảnh gia cũng gọi bà Fermanda là nữ chiến binh. - Không bao giờ bà đầu hàng. Suốt 20 năm bà gặp biết bao khó khăn, nhà nước không cho kinh phí. Nhiều bé gái theo học là con gia đình nghèo túng. Bất chấp nỗ lực của chính quyền bang và liên bang, trường không nhận được đồng real (tiền Brazil) nào. Người ta chỉ vinh danh bà 2 giải thưởng quốc tế, trường cũng kiếm được khoản tiền nhỏ từ các chương trình biểu diễn, một vài nhà tài trợ (ngân hàng, hãng dược phẩm) - tất cả đủ trang trải khoảng 30% chi phí duy trì hoạt động. Trong khi để trả lương (mức tối thiểu) cho 12 giáo viên và 5 nhân viên phục vụ, bà phải chi 40 nghìn real (khoảng 10 nghìn USD/tháng). Trường hợp không còn tiền thuê nhà, bà lấy từ túi của bản thân và chồng (doanh nhân có thu nhập khá) hoặc gia đình. Ngoài việc dạy vũ ba lê, bà còn tranh thủ hành nghề vật lý trị liệu, để có thêm thu nhập.

Chia sẻ suy nghĩ về nghề nghiệp, bà Fermanda chân thành tâm sự: “Tôi không thể từ chối bất kể bé gái nào có nguyện vọng. Tôi có thể nhận 300 học viên. Nhưng không có tiền thuê địa điểm rộng hơn và bổ sung giáo viên”. Người phụ nữ tốt bụng yêu nghề mơ ước có ngôi trường riêng với hai phòng lớn để tập luyện và thang máy dành cho trẻ khuyết tật.

Hiện 10% học viên của trường là đối tượng hoàn toàn khỏe mạnh mong muốn trải nghiệm cùng các bạn khiếm thị trong đó có con gái bà Fermanda và con gái nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Angela.

(Nguồn: Niewidome baleriny patrza w gwiazdy)


Vinh Thu
Ý kiến của bạn