Để các trường có đầu vào cao như khối ngành y dược vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, trong bối cảnh có đến gần 60% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần giữ vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức và ra đề thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo tính tin cậy và phân loại thí sinh giúp các trường yên tâm sử dụng kết quả này trong công tác tuyển sinh.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến thời điểm này các trường khối ngành sức khỏe chưa tổ chức họp để thống nhất phương thức tuyển sinh cho nhóm ngành y dược. Dự kiến năm 2022, Đại học Y Hà Nội vẫn xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Hữu Tú dự báo, nếu không phát sinh tình huống đột biến, vào khoảng tháng 6, 7, tình hình dịch bệnh có thể khả quan hơn. Do đó, Bộ GD&ĐT nên hướng đến thực hiện một kỳ thi theo hướng bình thường mới, tránh việc chia cắt thành nhiều đợt, có những thí sinh không được tham gia thi.
Với Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cũng cho rằng, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng, tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng càng khó khăn và áp lực cho chính các trường và thí sinh. Hiện nay, tỷ lệ các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Do đó, theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Bộ GD&ĐT cần ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa để các trường có đầu vào cao như khối ngành y dược vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 có mức độ phân hóa tương đối tốt, các trường có thể yên tâm dựa vào kết quả này để xét tuyển. Tuy nhiên từ năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính phân hóa giảm, không đảm bảo khi xét tuyển đại học. Hy vọng trong năm 2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển".
Cùng với đề xuất tăng độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cao hơn, có ý kiến cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh.