Hà Nội

Trường đại học yêu cầu không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học

13-12-2023 10:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức, người lao động khi chưa được sự đồng ý của người học, viên chức, người lao động.

Theo đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM (USSH), đây là năm đầu tiên trường đưa ra quy định này. Quy định này nằm trong Bộ quy tắc ứng xử "Người nhân văn" mới được trường ban hành và được áp dụng cho người học, viên chức, người lao động trong quá trình làm việc, học tập, rèn luyện tại trường cũng như trên không gian mạng và ở nơi cư trú.

Quy định được đưa ra dựa trên các quy định pháp luật Nhà nước nhằm bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân sinh viên, viên chức, người lao động. Mục đích và nguyên tắc xây dựng Bộ quy tắc nhằm điều chỉnh cách ứng xử của người học, viên chức và người lao động của nhà trường phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Không cho ghi âm, chụp ảnh giảng viên khi chưa được đồng ý

Theo Bộ quy tắc, khi làm việc, học tập, tham gia các hoạt động tại trường và trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, người học, viên chức, người lao động (VC&NLĐ) phải tuân thủ quy định về trang phục lịch sự, kín đáo, phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc. Cần có tác phong làm việc, học tập nghiêm túc, chuyên nghiệp; sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, rõ ràng, thái độ thân thiện, văn minh và tôn trọng người khác trong giao tiếp....

Trường đại học yêu cầu không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học- Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: USSH

Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của trường. Không làm việc riêng trong giờ làm việc và học tập; không gây mất trật tự trong khuôn viên nhà trường. Không sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn trước, trong giờ làm việc và học tập, giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc (trừ trường hợp theo nhiệm vụ).

Bộ quy tắc cũng yêu cầu người thực hiện cần tuân thủ các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, không giả mạo hoặc làm sai lệch dữ liệu, thông tin trong nghiên cứu khoa học, hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu. Đấu tranh và phản ánh kịp thời đối với những hành vi tiêu cực, không phù hợp với chuẩn mực trong làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, Bộ quy tắc này yêu cầu không lưu trữ, phát tán các hình ảnh, nội dung văn hóa phẩm độc hại; tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước. Nhấn mạnh việc không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, VC&NLĐ khi chưa được sự đồng ý của người học, VC&NLĐ.

Trường cũng quy định về việc ứng xử trên không gian mạng như tuân thủ pháp luật, khai thác, sử dụng mạng văn minh, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, không phát tán thông tin giả, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… Nhà trường yêu cầu người học, viên chức, người lao động không sử dụng logo, tên trường, địa chỉ, điện thoại, thư điện tử có tên miền chính thức của trường, các đơn vị thuộc, trực thuộc trường vì mục đích riêng và khi chưa có văn bản đồng ý cho phép sử dụng từ trường. Bên cạnh đó, còn có quy định về ứng xử ở nơi cư trú và có riêng phần quy định dành cho người học và đối với VC&NLĐ.

Quy định có phù hợp?

Sau khi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố Bộ quy tắc ứng xử "Người nhân văn", nhiều người ủng hộ và đánh giá bộ quy tắc ứng xử này là hợp lý và tạo điều kiện để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh và nhân văn. Tuy nhiên, có người cho rằng quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức, người lao động khi chưa được đồng ý có phần gây bất tiện và băn khoăn không biết quy định này có phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM công bố Bộ quy tắc ứng xử "Người nhân văn" có quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức, người lao động khi chưa được sự đồng ý là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Căn cứ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các bài giảng, bài phát biểu là đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Việc sinh viên thực hiện hoạt động ghi âm, chụp hình không xin phép giảng viên, sau đó phát tán lên các diễn đàn học thuật trực tuyến, các trang mạng xã hội có thể bị xem là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các giảng viên trong các trường đại học. Ngoài ra, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường đại học đầu tiên công bố phương thức tuyển sinh năm 2025Trường đại học đầu tiên công bố phương thức tuyển sinh năm 2025

SKĐS - Sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ với hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng hai môn tự chọn, nhiều trường đại học đã đưa ra định hướng tuyển sinh từ năm 2025.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn