Năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến tuyển sinh tổng 1.370 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2022.
Trong đó, ngành Y khoa tuyển nhiều nhất với 520 chỉ tiêu (400 chỉ tiêu tại cơ sở chính, 120 chỉ tiêu tại phân hiệu Thanh Hóa). Ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến dự kiến tuyển 130 chỉ tiêu tại cơ sở chính, 80 chỉ tiêu cho chương trình đại trà tại phân hiệu Thanh Hóa.
Mỗi ngành Y học dự phòng, Dinh dưỡng, Răng - Hàm - Mặt tuyển 100 chỉ tiêu. Ngành Y học cổ truyền, Kỹ thuật xét nghiệm y học dự kiến tuyển 80 em/ngành. Khúc xạ nhãn khoa sẽ tuyển 70 chỉ tiêu và 60 là chỉ tiêu của ngành Y tế công cộng.
Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023 dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu.
Trường Đại học Y Hà Nội áp dụng 2 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Trường Đại học Y Hà Nội (không quá 25% chỉ tiêu mỗi ngành). Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ hợp 3 bài thi: Toán, Hóa học, Sinh học.
Riêng ngành Y khoa, Y khoa phân hiệu Thanh Hóa, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng (chương trình tiên tiến) có thêm phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ở phương thức này, điều kiện bắt buộc là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh và tiếng Pháp hợp lệ, có giá trị sử dụng đến ngày nộp hồ sơ. Các chứng chỉ được trường công nhận đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt gồm IELTS 6.5, TOEFL iBT 79-93 hoặc TOEFL ITP 561-589 đối với tiếng Anh; DELF B2, TCF 400 điểm đối với tiếng Pháp.
Đối với ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, các chứng chỉ tiếng Anh được chấp nhận gồm IELTS 5.0, TOEFL iBT 35-45 hoặc TOEFL ITP 485-499.
Điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết hợp điểm tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ thấp hơn tối đa 3 điểm so với xét thuần bằng điểm thi.
Đối tượng, điều kiện tuyển sinh: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành, không vi phạm pháp luật
Ngưỡng đầu vào: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng chất lượng đầu vào đối với ngành sức khỏe, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Trường.
Về mức học phí, theo đề án tuyển sinh, Trường Đại học Y Hà Nội chia học phí thành hai nhóm.
Nhóm 1 gồm 6 ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến, dự kiến tăng học phí lên 41,8 - 55,2 triệu đồng/ năm học.
Nhóm 2, gồm 6 ngành: Răng - Hàm - Mặt, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Y khoa, Điều dưỡng (đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa) tăng học học phí lên khoảng 20,9 - 27,6 triệu đồng/năm học.
Năm 2021 và 2022, Trường Đại học Y Hà Nội giữ nguyên học phí ở mức 14,3 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Y Hà Nội đưa ra mức học phí hệ liên thông theo 2 hình thức đào tạo: Học trong giờ hành chính 30,5 triệu đồng/năm học. Học ngoài giờ hành chính là 38,5 triệu đồng/năm học. Nhà trường áp dụng mức tăng học phí cho các năm sau theo quy định tại Điều 31, khoản 3 của Nghị định 81 năm 2021, tăng không quá 12,5%.
Năm ngoái, điểm chuẩn Trường Đại học Y Hà Nội theo kết quả thi tốt nghiệp từ 19 đến 28,15, cao nhất với ngành Y khoa, thấp nhất là ngành Điều dưỡng tại phân hiệu Thanh Hoá.