Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năm 2022 - 2023, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học trước ở tất cả cấp học từ mầm non đến đại học.
Ngoài ra, nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Trong năm học tới đây, sau hai năm không tăng theo quy định của Chính phủ, nhiều trường đại học khối ngành Y, Dược đã công bố đề án tuyển sinh năm 2023 với mức học phí tăng dao động từ 2,4 - 13 triệu đồng/năm học.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2023. Theo đó, học phí trung bình tối đa năm nay của trường là 37,6 triệu đồng/năm, tăng 13 triệu đồng so với năm 2022.
Năm 2022, học phí cao nhất của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là 44,1 triệu đồng/năm đối với các ngành Y, Răng hàm mặt và Dược. Các ngành Y tế công cộng và Kỹ thuật hình ảnh y học có học phí thấp nhất, 29,4 triệu đồng/năm.
Về phương thức tuyển sinh, trường xét tuyển 2.000 chỉ tiêu theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của ba môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số). Trường hợp có nhiều thí sinh đồng điểm xét tuyển thì ưu tiên chọn môn Toán xét tuyển từ điểm cao xuống thấp theo chỉ tiêu. Thí sinh là người nước ngoài xét tuyển kết quả học tập THPT có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt, tiếng Anh đáp ứng quy định hiện hành.
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tăng học phí các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược học là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Ngành Điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước).
Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng) cũng công bố mức thu học phí đối với năm học 2022-2023 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Năm trước, trường có học phí từ 18,5 đến 24,5 triệu đồng/năm tùy ngành. Năm nay, học phí các trường này tăng lên từ 20,9 đến 27,6 triệu đồng/năm. Đề án tuyển sinh ghi rõ, mức học phí các năm còn lại tăng theo lộ trình do Nhà nước quy định.
Năm nay, Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu ngành y khoa, 40 chỉ tiêu ngành răng hàm mặt, 40 chỉ tiêu ngành dược học và 50 chỉ tiêu ngành điều dưỡng. Phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT.
Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cũng dự kiến nâng học phí từ 18,5 đến 24,5 triệu đồng/năm lên 20,9 đến 27,6 triệu đồng/năm trong năm học 2023-2024.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM dự kiến khung học năm học 2023-2024 cho sinh viên hệ ĐH chính quy từ 4,18 - 7,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất, lên đến 7,7 triệu đồng/tháng, tương đương 77 triệu đồng/năm. Kế đến là ngành Y khoa với mức học phí 7,48 triệu đồng/tháng. Trường cũng dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Về phương thức tuyển sinh, Trường ĐH Y Dược TP.HCM dự kiến xét tuyển 2.415 chỉ tiêu với 4 phương thức xét tuyển, bao gồm: Dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023; Dự bị đại học.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã họp, nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về vấn đề học phí và SGK năm 2023-2024.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo với Phó Thủ tướng về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024. Dự kiến đầu tháng 7, HĐND các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.
Phó Thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng.
Đối với bậc học mầm non, tiểu học, THPT, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, "bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông".
"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng nói và nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".