Theo Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách các đơn vị tổ chức thi tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency - VSTEP).
Trước đó, danh sách này tính đến tháng 9/2022 bao gồm 25 trường đại học cùng học viện. Hiện nay 2 đơn vị mới được bổ sung là Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Danh sách cụ thể như sau:
1. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
2. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế)
3. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)
4. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng)
5. ĐH Thái Nguyên
6. Trường ĐH Cần Thơ
7. Trường ĐH Hà Nội
8. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
9. Trường ĐH Vinh
10. Học viện An ninh nhân dân
11. Trường ĐH Sài Gòn
12. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM
13. Trường ĐH Trà Vinh
14. Trường ĐH Văn Lang
15. Trường ĐH Quy Nhơn
16. Trường ĐH Tây Nguyên
17. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
18. Học viện Báo chí và tuyên truyền
19. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
20. Học viện Khoa học quân sự
21. Trường ĐH Thương mại
22. Học viện Cảnh sát nhân dân
23. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
24. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
25. ĐH Bách khoa Hà Nội
26. Trường ĐH Nam Cần Thơ
27. Trường ĐH Ngoại thương
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Theo đó, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).
Để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh này, các đơn vị phải xây dựng đề án và công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường và Bộ GD&ĐT.
Chi tiết 6 bậc ngoại ngữ theo quy định của Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]
• Sơ cấp - Bậc 1 (Tương đương CEFR A1): Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè v.v… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.
• Sơ cấp - Bậc 2 (Tương đương CEFR A2): Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
• Trung cấp - Bậc 1 (Tương đương CEFR B1): Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
• Trung cấp - Bậc 2 (Tương đương CEFR B2): Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ. Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
• Cao cấp - Bậc 1 (Tương đương CEFR C1): Có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài với phạm vi rộng. Có thể diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt. Có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện được khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết.
• Cao cấp - Bậc 2 (Tương đương CEFR C2): Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.