Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh thông tin trên tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng nay- 29/10. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ở điểm cầu Chính phủ kết nối trực tuyến với các điểm cầu tỉnh, thành phố.
Chiến dịch triển khai vaccine COVID-19 đã tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại của Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, bà Angela Pratt nói: Sau khi Việt Nam tiếp cận được vaccine COVID-19 đã triển khai một chiến dịch bao phủ vaccine khẩn cấp, bao gồm nỗ lực đưa vaccine tiếp cận được mọi nơi, mọi người trên đất nước. WHO tự hào được đồng hành hỗ trợ các nỗ lực này, cùng với các đối tác khác như UNICEF. Chiến dịch triển khai vaccine này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại.
Đồng thời Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng chỉ rõ 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 để đến nay được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Thứ nhất, năng lực phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra, truy vết và ứng phó rất nhanh chóng.
Thứ hai, biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa.
Thứ ba, các bạn có ưu thế tuyệt vời nhờ đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và trình độ cao, có tinh thần yêu nước.
Thứ tư, những nỗ lực để có được vaccine, triển khai chiến dịch vaccine thần tốc.
Thứ năm, sự nhiệt tình tham gia của toàn xã hội vào việc ứng phó.
Thứ sáu, quan trọng nhất là vai trò chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ Quốc gia cũng như BCĐ ở các cơ sở.
"Thay mặt WHO, tôi xin đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Y tế cũng như các nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác của các bạn"- Bà Angela Pratt
Bà Angela Pratt cho hay, ngày 10/5/2023, WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì dịch COVID-19, bên cạnh đó Việt Nam cũng đã chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn, COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan và xuất hiện những biến chủng mới, vẫn có những ca nhiễm bùng phát trở lại.
WHO sẽ luôn đồng hành với Việt Nam trong mọi lĩnh vực
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề cập đến 6 lĩnh vực WHO khuyến nghị cần chú trọng trong thời gian tới:
Thứ nhất, COVID-19 cho thấy sự mong manh và tình trạng bất bình đẳng ở chuỗi cung ứng thuốc và vaccine trên toàn cầu. Do đó chúng ta cần đảm bảo sẵn sàng, kịp thời, đáng tin cậy trong việc cung ứng thuốc, vaccine và thiết bị chẩn đoán, trong đó có việc sản xuất trong nước, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ vaccine MRA.
Thứ hai, khả năng phát hiện dịch bệnh ngay từ đầu của bất kỳ quốc gia nào sẽ quyết định khả năng ứng phó với dịch bệnh trên toàn cầu. Chúng ta cần đảm bảo được hệ thống giám sát hiệu quả và bền vững đối với COVID-19 cũng như các mầm bệnh đường hô hấp khác để có thể truy vết các biến thể tiếp theo.
Thứ ba, cần tích hợp việc tiêm phòng vacine COVID-19 vào hệ thống tiêm chủng định kỳ, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhất, phù hợp với các khuyến nghị gần đây của các chuyên gia.
Thứ tư, cần duy trì chế độ trao đổi thông tin, gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Điều này cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa thông tin sai lệch như một số đại biểu hôm nay đã chỉ ra, cần trang bị kiến thức cần thiết cho mọi người dân để bảo vệ bản thân và gia đình.
Thứ năm, xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và minh bạch. Điều này rất cần thiết cho việc ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp.
Thứ sáu, tất cả những điều này đòi hỏi sự duy trì sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ - một yếu tố quan trọng để đảm bảo áp dụng được những bài học từ ứng phó COVID-19 và nâng cao năng lực ứng phó trong tương lai.
"Việt Nam có thể yên tâm rằng WHO sẽ luôn luôn đồng hành cùng Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực"- Bà Angela Pratt nói và cho biết thêm: Ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia thành viên của WHO đang đàm phán một hiệp định mới để chuẩn bị ứng phó với đại dịch. WHO khuyến khích Việt Nam tiếp tục đóng góp vào thảo luận trên phạm vi toàn cầu, từ kinh nghiệm của mình trong việc đẩy lùi COVID 19. Ở cấp độ khu vực, các quốc gia thành viên cũng đã thông qua Khung hành động an ninh y tế Châu Á Thái Bình Dương mới để định hướng hành động tập thể trên toàn khu vực.
Bà Angela Pratt một lần nữa nhấn mạnh: Ở cấp độ quốc gia, Văn phòng WHO tại Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác liên quan để hỗ trợ Việt Nam, bao gồm việc rà soát và cập nhật kế hoạch ứng phó với đại dịch để Chính phủ phê duyệt trên cơ sở diễn đàn quốc gia về đại dịch. Đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta củng cố hệ thống y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu trong tương lai. WHO sẽ luôn đồng hành với Việt Nam hiện tại và tương lai trên tinh thần hợp tác vì một Việt Nam an toàn và khỏe mạnh hơn.