Đối tượng cướp giật ngày càng manh động và lộng hành, sẵn sàng chống trả, xâm hại những người cố gắng bảo vệ tài sản của mình, tấn công cả những người truy bắt. Hơn lúc nào hết, rất nhiều người dân thành phố lại mong ngóng một “liều thuốc hiệu nghiệm” về an ninh chuyên nghiệp, tương tự mô hình SBC trước đây hay lực lượng 141 tại Thủ đô.
“Thương hiệu an ninh” của Thủ đô
Bất chấp những nỗ lực của lực lượng công an, tình trạng trộm, cướp xuất hiện hầu hết các quận - huyện, cả các tuyến phố vắng vào ban đêm mà diễn ra ngay giữa phố đông người vào ban ngày. Du khách, người dân chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán, và dặn dò nhau không dám đeo nữ trang, giỏ xách, điện thoại hớ hênh ra đường.
Lực lượng 141 đã nhiều năm đảm bảo cho bình yên ở Thủ đô.
Có một thực tế là hàng ngày có rất nhiều vụ cướp giật trên địa bàn TP.HCM, nhưng nhiều nạn nhân không trình báo công an bởi khi thì xem như “của đi thay người”, hoặc ngại mất thời gian, và không mong tìm lại tài sản, trừ khi quá lớn. Câu hỏi đặt ra là Hà Nội cũng là một thành phố lớn, dân nhập cư nhiều nhưng vì sao trộm, cướp không lộng hành như ở TP. HCM, người dân Thủ đô ra đường cầm điện thoại, đeo túi xách không ngại cướp giật? Trong khi đó, nhiều người dân ở TP. HCM lại đang ở tình cảnh ngược lại. Để lý giải, không ít người đã nhắc tới sự hoạt động hiệu quả nhiều năm nay của lực lượng 141, đã trở thành “thương hiệu” của Công an Hà Nội, niềm tin của người dân Thủ đô và nỗi khiếp sợ của tội phạm.
Cách đây gần 7 năm, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều đối tượng càn quấy trên đường phố, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí mang dao kiếm, mã tấu, súng ra đường. Khi va chạm giao thông, các đối tượng này sẵn sàng sử dụng vũ khí truy đuổi, đâm, chém nhau công khai và chống lại lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ gây tâm lý lo lắng, bất ổn trong nhân dân.
Chỉ sau 6 tháng triển khai, Kế hoạch 141 đã góp phần kiềm chế phạm pháp hình sự trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể phạm pháp hình sự giảm 1,5% so với 6 tháng liền kề trước đó; riêng trọng án giảm 9%, chống người thi hành công vụ giảm 2,1%, cướp giật giảm 28,2%. Những thành tích trên của các tổ công tác 141 bước đầu góp phần củng cố niềm tin và bình an cho nhân dân Thủ đô. Sau nhiều năm hoạt động, mô hình 141 đã phát huy hiệu quả phòng ngừa tội phạm, được đông đảo nhân dân ủng hộ. “Thương hiệu” 141 đã trở thành nỗi khiếp sợ của tội phạm đường phố. Những đối tượng giang hồ xăm trổ, ngông nghênh, ngổ ngáo đều phải ngoan ngoãn thực hiện kiểm tra hành chính mỗi khi gặp lực lượng này.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi thành lập đến nay, 15 tổ công tác 141 đã kiểm tra, xử lý 191.771 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt hành chính hơn 112 tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ hơn 6.000 vụ, gần 7.000 đối tượng có dấu hiệu tội phạm bàn giao cho các đơn vị điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền (truy tố 949 vụ, 1.261 bị can, xử lý hành chính 2.475 vụ, 3.301 đối tượng, phạt hành chính 5,5 tỷ đồng).
“Vang bóng một thời”
Cũng cần phải nhìn lại rằng, năm 2013, Bộ Công an từng điều 600 cảnh sát cơ động vào TP. HCM để bắt cướp, trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20), Bộ Công an cho biết, hiện không có lực lượng của K20 tăng cường tại TP. HCM.
Theo đề nghị của TP.HCM, Bộ Tư lệnh CSCĐ quyết định tăng cường 600 cán bộ, chiến sĩ cho TP.HCM để phục vụ công tác phòng chống tội phạm vào dịp cuối năm 2013 trên những tuyến đường trọng điểm. Lực lượng tham gia tuần tra kiểm soát trên tuyến và địa bàn có 19 tổ (mỗi tổ 10 CSCĐ) và 1 trung đội chốt. Các tổ sẽ tuần tra liên tục (4 giờ/tổ) từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Riêng một số tuyến và địa bàn nổi cộm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự được bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ. Phương tiện tuần tra của mỗi tổ gồm 1 xe cơ giới và 2 xe mô tô, trang bị súng AK, súng bắn đạn cao su, dùi cui, roi điện, áo giáp, còng số 8 và đèn pin... Lực lượng tuần tra có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát nhằm trấn áp các loại tội phạm như cướp giật, cướp có tổ chức, có vũ khí, gây nguy hiểm cho người dân.
Sau một tháng ra quân (từ 15/12/2012-15/1/2013), TP.HCM giảm 97 vụ phạm pháp hình sự so với tháng trước đó, án cướp giật giảm 99 vụ, án trộm tài sản giảm 33 vụ... Tỷ lệ điều tra, khám phá nhanh các vụ phạm pháp hình sự cũng tăng lên rất cao so với thời gian trước đó. Đối với các loại án ma túy, TP.HCM khám phá 4 chuyên án, 91 vụ án ma túy, bắt 171 đối tượng, tịch thu 4kg heroin, 2,5kg ma túy tổng hợp dạng hàng ‘đá’, thu giữ 7 tỷ đồng và 150.000 USD là tiền tang vật.
Như vậy có thể thấy, hiệu quả của một lực lượng an ninh chuyên biệt rất rõ rệt. Có thể còn một số lý do nào đó khiến TP.HCM chưa triển khai lực lượng 141 tương tự như Hà Nội. Tuy nhiên, người dân luôn mong rằng lực lượng công an TP.HCM sẽ luôn biết áp dụng được những nét hiệu quả ở các mô hình hay dù ở bất cứ địa phương nào.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, “cha đẻ” của mô hình 141 phân tích, thì các tỉnh thành lớn nên áp dụng mô hình 141. Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố tùy theo đặc điểm của mỗi địa phương khác nhau nên có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Hà Nội tuy là Thủ đô, là thành phố lớn nhưng cũng có nhiều việc phải học các tỉnh khác. Ông chia sẻ quan điểm nơi nào làm tốt, cái gì có lợi cho dân, làm tốt cho an ninh trật tự, làm cho cuộc sống bình yên hơn thì phải học hỏi lẫn nhau.