Trước thử thách

18-02-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trời cuối đông Giáp Ngọ rét căm căm như thử thách con người khi chuẩn bị bước sang mùa xuân Ất Mùi.

Trời cuối đông Giáp Ngọ rét căm căm như thử thách con người khi chuẩn bị bước sang mùa xuân Ất Mùi. Tôi ít ra đường, ngồi nhà đọc sách, chủ yếu là sách sử đời xưa để nghĩ về đời nay. Lần giở sách viết về đời Trần để nuôi ý chí Đông A trong lúc đất nước bên cạnh những thuận lợi vẫn còn lắm khó khăn, phải đương đầu với nhiều thách thức. Chuyện đời Trần là cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn. Cũng đọc tiểu thuyết có bộ đồ sộ nhưng văn học thường hư cấu cho nên tìm đọc sách sử chính thống.

Ai cũng biết đời Trần với lịch sử hào hùng ba lần thắng quân Nguyên với những minh quân và văn quan võ tướng nổi tiếng, lừng danh. Đọc chuyện về Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Nhân huệ vương Trần Khánh Dư, Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, Hoài văn hầu Trần Quốc Toản, rồi các vị tướng Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Khát Chân, Yết Kiêu, Dã Tượng... những người làm nên chiến thắng lẫy lừng tạo nên hào khí một thời ghi lại muôn đời.

Nhưng cuộc chiến ba lần chống quân Nguyên xâm lược đầy khó khăn với đế chế đã từng chinh phục lục địa Á - Âu. Ba lần thắng quân Nguyên là mốc son trong lịch sử dân tộc. Có học giả nói: “Thắng không gian nguy thì thắng không vẻ vang”. Để có được “mốc son” đất nước đã trải qua rất nhiều gian nguy.

Cuộc xâm lăng lần thứ hai với nước ta theo sử sách thì chúng huy động tới 50 vạn quân trong khi dân số nước ta lúc đó chỉ vào khoảng 4 triệu người. Thế giặc rất lớn, lúc đầu quân ta đánh không lại. Trong ba lần chiến đấu chống quân Nguyên thì 2 lần vua tôi nhà Trần phải bỏ kinh đô, lần đầu phải lui về Thiên Mạc (Hưng Yên) 6 ngày, lần thứ hai phải lui về Thiên Trường (Nam Định) dài ngày hơn. Khi cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc đầy khó khăn thì bên cạnh những con người quyết chiến bảo vệ Tổ quốc, bọn cơ hội cũng nhung nhúc như giòi, có những kẻ cơ hội, đầu hàng. Họ không chỉ là tướng tá lèm nhèm mà ngay bọn Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, Văn nghĩa hầu Trần Tú Viên, Văn chiêu hầu Trần Lộng... đem cả gia quyến sang hàng giặc. Bọn chúng đều là bọn có chức quan lớn thuộc dạng Vương Hầu ơn Vua, lộc nước đầy mình cũng hàng giặc không chỉ mong miếng cơm thừa canh cặn mà còn mong là An Nam quốc vương như ảo mộng của bọn cơ hội phản phúc.

Ai cũng biết dưới thời phong kiến thì tiếng nói của nhà vua là quyết định, nhưng lúc vận nước khó khăn, các bậc minh quân thường hỏi ý kiến các cận thần. Sử chép rằng, năm Đinh Tỵ (1257), Thế tổ nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai danh tướng Ngô Lương Ngợp Thai đem quân xâm lược nước ta. Ta quân ít, ngay cả tướng quân Trần Quốc Tuấn lúc đầu cũng đánh không nổi, nhà vua phải bỏ kinh thành về Thiên Mạc. Ở chỗ lui quân, Trần Thái Tông ngự thuyền nhỏ tới hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu thì Nhật Hiệu lấy tay chấm nước viết vào mạn thuyền hai chữ “Nhập Tống”, ý nói là đầu hàng. Thái úy là chức rất to hàng chánh nhất phẩm lại phụ trách quân sự cho nên tiếng nói rất quan trọng trong cuộc chiến. Vua không nói gì, lại cập thuyền sang hỏi Thái sư Trần Thủ Độ thì ông khẳng khái nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Thái sư là quan đầu triều nói lên ý chí của mình làm cho vua yên lòng. Trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, trong lúc thế giặc rất mạnh, một số vương hầu bó giáo quy hàng, vua Trần Nhân Tông triệu Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đến thăm dò ý kiến thì Trần Hưng Đạo khảng khái trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước”. Ý kiến của các bậc cận thần trung kiên rất quan trọng và quan trọng hơn là hợp với lòng dân, với Hội nghị Diên Hồng nghe ý kiến bô lão cả nước và Hội nghị Bình Than với các tướng sĩ một lòng quyết chiến mà như Hưng Đạo Đại vương đã nói “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức đã làm nên chiến thắng vẻ vang Để người lính già đầu bạc/Mãi kể chuyện Nguyên Phong”.

Đọc những trang lịch sử ba lần thắng quân Nguyên đời Trần thấy rõ trong lúc khó khăn thế nào cũng có kẻ dao động, phản phúc quay giáo quy hàng bị muôn đời nguyền rủa, nhưng cũng xuất hiện nhiều tấm lòng kiên trung hợp ý dân, hợp lòng binh sĩ, nêu gương để tiếng thơm muôn đời.

Chuyện nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên để lại nhiều bài học của hôm qua và mai sau. Chỉ ghi lại một đoạn vì xem ra có ý nghĩa cho ngày hôm nay.

Ất Mùi - 2015

Nhà báo HỮU THỌ

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn