Trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Thiện chí và quyết tâm sẽ hóa giải bất đồng

23-04-2018 07:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Việc ngày 20/4 Triều Tiên tuyên bố dừng thử tên lửa, hạt nhân được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, việc Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập đường dây nóng ở cấp lãnh đạo cao nhất, hay việc giới chức Mỹ và Triều Tiên đã có các cuộc tiếp xúc “cấp rất cao” để bàn về các chương trình nghị sự cho các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, đã nhóm lên nhiều tia hy vọng tháo gỡ hoàn toàn những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Liệu dư luận thế giới có thể thực sự tin tưởng vào sự ấm lên trên bán đảo Triều Tiên?

Trước hết, có thể khẳng định rằng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước là thông tin “nóng nhất” được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý. Thứ nhất, kể từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên chưa từng chủ động đưa ra tuyên bố dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Thứ hai, đây là động thái “xuống thang” thứ 2 của của Triều Tiên chỉ trong 2 ngày, sau việc Hàn Quốc thông tin Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào. Thứ 3, ngoài cam kết dừng thử hạt nhân, tên lửa, Triều Tiên còn gián tiếp thông báo đến cộng đồng quốc tế về hướng đi mới của đất nước như một giai đoạn “chuyển mình” của quốc gia này xóa bỏ hiềm khích.

Quyết định dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân đã được thông qua tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4,  đồng thời sẽ tiến hành “các cuộc tiếp xúc gần gũi và đối thoại tích cực với các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định của  nhà lãnh đạo Triều Tiên, đánh giá đây "tiến bộ lớn" và bày tỏ hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có phản ứng tương tự khi đánh giá quyết định của Triều Tiên là “một bước tiến có ý nghĩa” trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhà Xanh nhận định bước đi này “sẽ góp phần tạo ra một không khí cực kỳ tích cực cho hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều sắp tới”, mở đường cho “hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un hôm 20/04 bất ngờ tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un hôm 20/04 bất ngờ tuyên bố dừng thử hạt nhân và tên lửa.

Với tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, dường như bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên đã chuyển sang một trạng thái khác. Từ căng thẳng, đối đầu, kề sát miệng hố chiến tranh- nay chuyển sang hòa dịu và nhượng bộ. Đây là điều mà chỉ cách đây 1 năm, không ai có thể nghĩ tới khi cả Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ đều tuyến bố sẵn sàng cho một cuộc chiến.

Vậy, điều gì tạo nên động thái bước ngoặt này? Và liệu dư luận quốc tế có thể tin tưởng hoàn toàn vào những động thái của Triều Tiên hay không?

Có thể thấy tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-Un mang khá nhiều thông điệp. Ở thời điểm chỉ còn 6 ngày nữa hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra, rõ ràng đây là tín hiệu thỏa hiệp của Triều Tiên. Với tuyên bố này, một mặt Triều Tiên muốn chứng minh họ đang tuân thủ luật chơi, một mặt họ minh bạch trong mọi cam kết với cộng đồng quốc tế. Với tuyên bố này và một loạt các động thái trước đó, có vẻ như Triều Tiên đang “chìa bàn tay” thiện ý sang phía Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế, để thế giới thấy rằng đối với Triều Tiên “không có gì là không thể”.

Tuy nhiên, cũng có một quan điểm thận trọng hơn cho rằng với tuyên bố dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, một mặt Triều Tiên chứng minh thiện ý, nhưng mặt khác Triều Tiên đang khéo léo ngầm giới thiệu với thế giới về năng lực hạt nhân và vũ khí của mình; và rằng họ đã hoàn tất kho vũ khí của mình và chẳng ai có thể bắt nạt được Bình Nhưỡng.

Rõ ràng, đây là một tuyên bố được tính toán kỹ lưỡng. Bởi Triều Tiên dù không đề cập tới việc phi hạt nhân hóa chương trình hạt nhân của mình, nhưng lại vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Xét đi xét lại, dù trong trường hợp nào, trái bóng cũng đã lăn sang sân của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Và Triều Tiên đang chờ xem thế giới sẽ hồi đáp lại họ thế nào.

Tất nhiên vẫn còn đó nhiều nghi ngại. Dù hoan nghênh tuyên bố của Triều Tiên, nhưng nhiều nước vẫn đang tỏ ra thận trọng. Họ muốn làm rõ vì sao bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên không đề cập tới việc dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa?  và liệu cách tiếp cận khác biệt của các bên sẽ ảnh hưởng tiến trình đàm phán sau này như thế náo?

Thế nên, dù đang có những chuyển động tích cực về quan điểm, thái độ của các bên, song cái đích cuối cùng mà cộng đồng quốc tế hướng đến là “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” xem ra vẫn cần chờ đợi vào các cuộc gặp lịch sử sắp tới.

Thực tế cho thấy, sự thận trọng với một hồ sơ gai góc như vấn đề hạt nhân Triều Tiên là cần thiết, nhưng những tín hiệu lạc quan trên bán đảo Triều Tiên là có thực. Và như vậy, sự thay đổi tích cực ấy của Triều Tiên sẽ tác động đến nhiều trục quan hệ quốc tế, khiến các bên ngồi vào bàn đàm phán một cách dễ dàng hơn. Nhưng điều quan trọng hơn là khi Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cùng chứng tỏ thành ý, thì thành ý ấy sẽ hóa giải hận thù, xua tan căng thẳng và đem lại một bầu không khí ấm áp trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều năm bất đồng và mâu thuẫn.

Ẩn ý” của Triều Tiên sau những tín hiệu tích cực nêu trên có thể chỉ được giải mã sau các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều sắp tới, nếu chúng diễn ra đúng kế hoạch, và cũng còn phụ thuộc vào “thái độ” của các bên liên quan.

Ở thời điểm này, dư luận đang trông đợi những tín hiệu mới tốt lành trên bán đảo Triều Tiên với hy vọng các cuộc đàm phán lịch sử sắp tới sẽ đạt kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế.


N.Quang
Ý kiến của bạn