Hà Nội

Trước thềm ASIAD 17: Kỳ vọng nhất vẫn là điền kinh

18-05-2014 07:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Điền kinh là một trong những môn được đặt nhiều kỳ vọng nhất của thể thao Việt Nam tại Asiad 17.

Điền kinh là một trong những môn được đặt nhiều kỳ vọng nhất của thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Nhưng mục tiêu của chuyến tập huấn tại Mỹ sắp tới không hẳn là Asiad 17 vì còn chưa đầy 6 tháng nữa là diễn ra Đại hội. Bởi vậy, với điền kinh Việt Nam, mục tiêu chính là các đấu trường sau đó mà Asiad 18 năm 2019 mới là đích nhắm thật sự.

Đỗ Thị Thảo và Vũ Thị Lý của đội DK Vệt Nam (ảnh  Nhật Minh)

Đỗ Thị Thảo và Vũ Thị Lý của đội DK Vệt Nam (ảnh Nhật Minh)

Nhiều sự lựa chọn

Trưởng Bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục TDTT - ông Dương Đức Thủy mới trở lại Việt Nam sau chuyến thị sát, tìm địa điểm tập huấn tại Mỹ. Được biết, trong quá trình đi tìm địa điểm tập huấn ở Mỹ, lãnh đạo Bộ môn Điền kinh Việt Nam đã tiếp xúc và thị sát nhiều nơi, trong đó, địa điểm tập huấn tại Palm Beach được lựa chọn ưu tiên cao nhất. Đây là khu vực có cơ sở vật chất tốt với đường chạy phù hợp tiêu chuẩn và nơi ở thuận lợi, môi trường, khí hậu tương thích với người Việt Nam. Bên cạnh địa điểm tập huấn, việc tìm được chuyên gia uy tín, phù hợp và giàu kinh nghiệm ngay tại trung tâm đó cũng rất quan trọng. Sau khi chọn địa điểm tập huấn và chuyên gia sẽ tiến hành lựa chọn HLV nội đi kèm sao cho phù hợp nhất. Dự kiến, đoàn điền kinh Việt Nam tập huấn ở Mỹ không đông nhưng sẽ có đầy đủ thành phần ở các tổ cự ly ngắn, trung bình, marathon... Hiện đang tập huấn tại Việt Nam, mỗi tổ lại do một HLV phụ trách riêng (HLV Nguyễn Đình Minh với tổ cự ly ngắn, HLV Hồ Thị Từ Tâm với tổ trung bình, HLV Nguyễn Trọng Hổ với tổ 400m).

Vũ Thị Hương (số 522) vẫn là niềm hy vọng lớn nhất cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 17 tới đây. Ảnh: Xuân Gụ
Vũ Thị Hương (số 522) vẫn là niềm hy vọng lớn nhất cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 17 tới đây. Ảnh: Xuân Gụ

Không thể đòi hỏi đầu tư để “thành công ngay”

Sự thành công của đội tuyển bơi lội trong những chuyến tập huấn dài hạn là một ví dụ và điền kinh cũng tìm tới sự thành công như vậy. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng bộ môn bơi cũng như Hiệp hội Thể thao dưới nước đã phải đi tìm địa điểm tập huấn phù hợp cách đây 5 năm, rồi mạnh dạn đầu tư cho Ánh Viên từ năm 2012 đến nay mới dám “mơ” đến huy chương tại Asiad (chứ chưa phải là tấm HCV). Ngoài Ánh Viên, Hoàng Quý Phước cũng đã đi tập huấn song không thành công. Đó cũng là minh chứng của việc phù hợp với người này không có nghĩa là sẽ thành công với người khác. Bởi vậy, khi được hỏi rằng “Liệu nhóm VĐV đi Mỹ tập huấn sẽ có thành công hay không” thì chưa ai dám chắc, kể cả Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy. Bởi lẽ, tập luyện là một chuyện còn thi đấu lại là chuyện khác. Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam chưa thể nhắm riêng cho một nhân tố nên “khó lại càng thêm khó”. Ngoài ra, khoản tài chính để VĐV đi tập huấn cũng là một vấn đề nan giải. Không thể trông chờ hoàn toàn ở khoản 150 ngàn USD mà ngành thể thao rót cho môn điền kinh trong năm 2014. Để tổ chức được chuyến đi tập huấn này, bộ môn sẽ phải “chung lưng đấu cật” kết hợp kinh phí tập huấn giữa địa phương với ngành. Cụ thể hơn, thành phần đội đi tập huấn tại Mỹ có VĐV ở địa phương nào thì kêu gọi địa phương đó chung sức hỗ trợ kinh phí tập huấn.

Lãnh đạo bộ môn nhận định tập huấn ở Mỹ là phù hợp nhất. Nhưng việc đưa một VĐV tập huấn dài hạn không có nghĩa là có thể đòi hỏi thành tích ngay tức thì. Do đó, sự khẳng định ai sẽ thành công còn bỏ ngỏ. Điền kinh là 1 trong 8 môn nhận trọng trách phấn đấu giành huy chương ở Asiad 17 nên phải nỗ lực hết sức. Hy vọng, ở đợt tập huấn tại Mỹ, ít nhất nhóm VĐV được đi sẽ đạt kết quả khả quan.

Cơ hội cho các gương mặt trẻ?

Điền kinh có 6 gương mặt được lựa chọn vào danh sách 64 VĐV xuất sắc trong đợt tập trung cao độ chuẩn bị Asiad 17 được hưởng chế độ mới (tiền ăn là 400 ngàn đồng/người/ngày và tiền công tập luyện cũng là 400 ngàn đồng/người/ngày). Nhưng ông Thủy khẳng định: “Cả 6 người sẽ không đi Mỹ. Theo đánh giá, những cô gái của tổ 400m và 400m rào đang là những người có sức trẻ và tiệm cận thành tích có thể tranh chấp tại Asiad 17. Tất nhiên, để tranh chấp được huy chương, điều đầu tiên họ phải lọt vào chung kết nội dung. Những người còn lại như Vũ Thị Hương (cự ly ngắn), Đỗ Thị Thảo (cự ly trung bình), Phạm Thị Bình (marathon), Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước)... đều vẫn là các tuyển thủ sáng giá của điền kinh. Ở cuộc cạnh tranh chuyên môn tầm châu lục thì kinh nghiệm, tâm lý thi đấu thường mang tính quyết định nhiều hơn”. Mục tiêu chung nhất vẫn phải là tạo dựng được một đội tuyển điền kinh Việt Nam thật mạnh. Đã có những ý kiến phân tích tâm huyết cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn ai cho đợt tập huấn này. Chúng ta còn 5 năm nữa chuẩn bị cho Asiad 18, khi chúng ta làm chủ nhà. Đó mới thật sự là mục tiêu dài hơi để phấn đấu và khẳng định vị thế. Người làm chuyên môn vẫn nhớ cầu trường SVĐ Mỹ Đình đã bùng nổ thế nào khi điền kinh tạo cú đột phá ở kỳ SEA Games 22 năm 2003 lần đầu diễn ra tại Việt Nam. 5 năm tới đây, đấu trường ấy cũng được chờ đợi sẽ tiếp tục bùng nổ từ các VĐV môn thể thao nữ hoàng để mang về những tấm HCV ở tầm châu lục cho thể thao nước nhà.

Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền... đang là những bông hoa chờ ngày nở rộ ở đấu trường châu lục. Với các chuyên gia của điền kinh, nhóm tuyển thủ này đang bước vào giai đoạn phát triển nhất của sự nghiệp. Quách Thị Lan đã có những sự trải nghiệm tại Bulgaria, Malaysia; Nguyễn Thị Oanh đã thi đấu tại giải điền kinh thiếu niên thế giới. Thậm chí, tất cả cùng giành được chiếc HCB khi góp mặt tổ tiếp sức 4x400m tại SEA Games 27 ở Myanmar. Giờ đây, với tuổi trẻ sung sức, họ tiếp tục được kỳ vọng có tấm huy chương ở Asiad một khi có được sự đầu tư tốt và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất về chuyên môn. 

Minh An


Ý kiến của bạn