Vào năm 2008, dịch sởi đã bùng phát tại tp.Hcm với hàng trăm trẻ em phải nhập viện điều trị, sau đó yên lắng dần vài năm và bây giờ quay trở lại. Đây là lúc nhìn nhận lại vắc-xin phòng bệnh sởi.
Tính trong gần 1 tháng từ cuối năm 2013, đầu năm năm 2014 có hơn 100 trường hợp trẻ em bị mắc bệnh sởi phải vào điều trị tại BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM; trong đó có nhiều bệnh nhi có biến chứng nặng phải thở máy.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng quay trở lại tại TP.HCM và một số địa phương khác. Việc phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm chủng vắc-xin bảo vệ. Tùy theo từng địa phương và điều kiện có được, có thể sử dụng loại vắc-xin sởi đơn thuần hoặc loại vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella cho trẻ em theo lứa tuổi quy định.
Để phòng bệnh sởi có hiệu quả, cần tiêm phòng vắc-xin sởi cho trẻ em từ 9 - 11 tháng tuổi theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa 6 bệnh cơ bản là bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, sởi và bại liệt. Các loại vắc-xin sởi truyền thống thường được sử dụng là vắc-xin sởi Rimevax, vắc-xin sởi Rouvax và vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella. Vắc-xin sởi được các nhà khoa học bào chế, sản xuất có bản chất là loại virút sởi sống giảm độc lực dạng đông khô, bảo quản ở nhiệt độ từ âm 15 - 25oC; liều lượng tiêm 0,5ml, tiêm dưới da và dùng bơm tiêm 0,5ml với kim tiêm 24G. Sau đây là các loại vắc-xin sởi truyền thống thường được sử dụng:
Vắc-xin sởi Rimevax
Đây là loại vắc-xin sởi có tên thương mại là Rimevax, thời gian bảo vệ trong nhiều năm. Khi sử dụng cần chú ý các tác dụng phụ có thể xảy ra như có phản ứng tại chỗ tiêm, nếu xảy ra thường nhẹ và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, cũng có các trường hợp các phản ứng tại chỗ đặc trưng với hiện tượng sưng, đỏ rõ rệt và có thể nổi mụn nước. Triệu chứng sốt cũng có thể gặp sau khi tiêm nhưng ít khi sốt cao đến 39oC. Những biểu hiện toàn thân khác có liên quan đến tác dụng phụ của vắc-xin được ghi nhận như khó chịu, ho, sổ mũi và nhức đầu. Việc chống chỉ định sử dụng tiêm vắc-xin sởi Rimevax cũng giống như các loại vắc-xin khác. Cần chú ý việc hoãn tiêm vắc-xin Rimevax cho các đối tượng bị sốt cao cấp tính, tuy nhiên những trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ không cần chống chỉ định tiêm phòng. Đối tượng quá mẫn đối với neomycin nhưng tiền sử viêm da do tiếp xúc với neomycin cũng không chống chỉ định. Trường hợp có dị ứng mang tính chất phản vệ với protein trứng, những đối tượng bị dị ứng với trứng có thể được xem xét để tiêm phòng. Không nên tiêm vắc-xin Rimevax cho những đối tượng bị suy giảm đáp ứng miễn dịch bao gồm các trường hợp bị suy giảm miễn dịch nguyên phát hay thứ phát. Tuy nhiên có thể tiêm vắc-xin cho đối tượng bị nhiễm HIV không có triệu chứng và cần cân nhắc khi tiêm cho các trường hợp nhiễm HIV có triệu chứng. Đối với phụ nữ, nên tránh có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin.
Vắc-xin Rimevax dùng để tạo miễn dịch chủ động đối với bệnh sởi cho trẻ em và người lớn nhạy cảm. Lứa tuổi tiêm phòng tốt nhất là trẻ em từ 15 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên có thể xem xét việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ nhỏ hơn, trong những trường hợp này có thể cần tiêm nhắc lại vào lúc trẻ được 15 tháng tuổi hoặc sau đó. Những đối tượng đã được tiêm một loại vắc-xin sởi bất hoạt nên được tái chủng với một loại vắc-xin sống nhằm tránh các dạng sởi tự nhiên không điển hình, trầm trọng có thể xảy ra. Liều lượng tiêm vaccin quy định 0,5ml và tiêm dưới da.
Sởi là một bệnh cấp tính gây dịch. Bệnh do virút sởi thuộc họ Paramixovirus influenzae, giống Morbillivirus gây nên và thường gặp ở trẻ em bị lây nhiễm qua đường hô hấp. Bệnh lý được biểu hiện bằng triệu chứng sốt cao đột ngột, viêm long đường hô hấp; khám miệng của bệnh nhân có thể thấy nốt Koplik, sau đó phát ban đỏ. Xen kẽ giữa các ban đỏ là các khoảng da lành tuần tự bắt đầu từ sau tai lan ra đầu, mặt, cổ; sau đó lan xuống thân mình và tứ chi. Khi ban đỏ đã lan xuống các chi thì cũng có hiện tượng bắt đầu bay mất ban đỏ theo tuần tự ở vị trí khi xuất hiện và để lại các vết thâm vằn như da hổ. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhi có thể phát ban đỏ kèm theo xuất huyết, có biến chứng bội nhiễm vào các cơ quan hoặc xuất hiện bệnh lý viêm não chất trắng sau sởi. Việc chẩn đoán xác định bệnh khi phân lập được virút sởi ở trong máu hoặc xét nghiệm huyết thanh học hai lần bằng phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu thấy động lực kháng thể tăng gấp 4 lần hoặc xét nghiệm thấy xuất hiện IgM đặc hiệu trong huyết thanh bằng phản ứng Mac-Elisa.
Vắc-xin sởi Rouvax
Đây là loại vắc-xin sởi sống có tên thương mại là Rouvax, thời gian bảo vệ được 10 năm. Khi sử dụng, các tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua. Trong vòng từ 5 - 7 ngày sau khi tiêm có thể bị sốt, đôi khi sốt cao đến 39oC trong vài ngày và sẽ giảm khi được điều trị bằng thuốc hạ sốt; cũng có thể bị hội chứng viêm mũi họng hoặc viêm đường hô hấp ngắn ngày. Triệu chứng phản ứng da như phát ban đỏ thường xảy ra nhẹ. Hiếm khi gặp các trường hợp bị phản ứng phụ do bệnh về hạch hoặc sốt cao co giật. Có khi cũng gặp các trường hợp phát ban xuất huyết giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin chứa kháng nguyên sởi.
Việc chống chỉ định sử dụng loại vắc-xin này cũng giống như dùng các loại vắc-xin khác, cần trì hoãn đối với những trường hợp sốt, có bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính tiến triển. Không nên dùng vắc-xin khi đối tượng bị dị ứng với trứng hoặc thuốc neomycin, có phản ứng sau khi tiêm liều vắc-xin trước; bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải. Mặc dù không chống chỉ định tiêm vắc-xin này đối với các trường hợp nhiễm HIV không có triệu chứng nhưng cũng nên hỏi ý kiến của chuyên gia về bệnh AIDS. Các trường hợp khác cũng được chống chỉ định là đang sử dụng globulin miễn dịch, phụ nữ có thai, bệnh bạch cầu; đang điều trị bằng steroid, xạ trị, các chất alkyl hóa, chất chống chuyển hóa; bị u hạch hoặc u ác tính.
Đối với phụ nữ, tránh có thai ít nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin nhưng nếu tiêm vắc-xin khi đang có thai thì cũng không cần phải đình chỉ thai nghén.
Quy định tiêm vắc-xin Rouvax để phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, có thể tiêm cho trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi. Lần đầu tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi thường được phối hợp với loại vắc-xin rubella và quai bị. Tuy nhiên đối với trẻ thuộc nhóm nguy cơ hoặc sống trong vùng lưu hành bệnh sởi thì tiêm lúc trẻ được 9 tháng tuổi; 6 tháng sau tiêm nhắc lại bằng mũi vắc-xin phối hợp với vắc-xin quai bị và rubella. Tuổi tiêm phòng mũi thứ hai phụ thuộc vào chính sách tiêm chủng quốc gia và có thể tiêm vắc-xin khi trẻ đến tuổi đi học. Liều sử dụng 0,5ml; tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
Vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella
Đây là loại vắc-xin sởi - quai bị - rubella II và vắc-xin Trimovax.
Vắc-xin sởi - quai bị - rubella II là loại vắc-xin sống giảm độc lực phòng bệnh sởi, quai bị và rubella; có tên thương mại là MMR II và thời gian bảo vệ hơn 11 năm. Các tác dụng phụ của vắc-xin MMR II là những tác dụng phụ đã được khuyến cáo sau khi sử dụng các vắc-xin đơn thuần đã được nêu trên. Triệu chứng thường gặp là bỏng rát và đau hoặc nổi cục cứng tại nơi tiêm; ít gặp các trường hợp sốt 38,3oC hoặc cao hơn, ít nổi ban đỏ nhưng cũng có thể nổi ban đỏ toàn thể. Triệu chứng sốt, nổi ban đỏ hoặc cả hai triệu chứng xuất hiện trong khoảng từ ngày thư 5 đến ngày thứ 12 sau tiêm phòng. Ngoài ra, các tác dụng phụ đặc thù của vắc-xin kết hợp quai bị, rubella cũng có thể xuất hiện nên cần có khuyến cáo chống chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng vắc-xin phối hợp này.
Vắc-xin Trimovax cũng là loại vắc-xin phối hợp để phòng bệnh sởi, quai bị và rubella với tên thương mại là Trimovax; có thời gian bảo vệ hơn 10 năm. Tác dụng phụ khi sử dụng loại vaccin này được ghi nhận như có thể phát ban đỏ với những nốt đỏ hoặc tím có kích thước khác nhau. Loại vắc-xin này được dung nạp tốt đối với trẻ em. Thực tế có thể thấy một vài phản ứng nhẹ từ ngày thứ 5 sau khi tiêm như sốt, các biểu hiện viêm mũi họng hoặc viêm đường hô hấp trong thời gian ngắn, ngoại ban nhẹ. Rất hiếm khi thấy sốt cao co giật, các bệnh về hạch và tuyến mang tai. Hiếm gặp các biến chứng thần kinh như viêm màng nào hoặc viêm não-màng não, điếc một bên. Viêm màng não xuất hiện trong khoảng 30 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Tỉ lệ viêm màng não nước trong thấp hơn rất nhiều so với nhiễm virút quai bị tự nhiên và sau đó hoàn toàn không để lại di chứng. Hiện tượng viêm tinh hoàn cũng hiếm gặp. Có một số trường hợp có hiện tượng giảm tiều cầu khi tiêm vắc-xin phối hợp sởi, quai bị và rubella.
Việc chống chỉ định, thận trọng khi sử dụng vắc-xin phải được thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ.
Thường tiêm loại vắc-xin này cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Đối với trẻ nhỏ ở môi trường đặc biệt như tại các trung tâm chăm sóc thì có thể tiêm vắc-xin từ lúc 9 tháng tuổi. Tiêm liều vắc-xin 0,5ml cho trẻ em từ 12 - 15 tháng tuổi, tuy nhiên đối với trẻ em tiêm mũi đầu tiên trước khi được 12 tháng tuổi thì nên tiêm một liều thứ hai sau mũi tiêm đầu 6 tháng, nhất là những trẻ em sống trong môi trường đặc biệt.