Hôm nay - 26/10, tại Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu năm 2024 với thông điệp "Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng".
Sự kiện nhằm tôn vinh, tri ân những cá nhân, tập thể hiến tiểu cầu thường xuyên, góp phần đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chế phẩm tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị.
200 con người luôn sẵn sàng 'hiến dâng' giọt máu vàng để cứu bệnh nhân
200 đại biểu tham dự chương trình năm nay được lựa chọn đáp ứng 2 tiêu chí: có tối thiểu 20 lần hiến tiểu cầu tình nguyện tại Viện từ trước đến nay và có tối thiểu 10 lần hiến tiểu cầu tình nguyện trong thời gian 12 tháng gần đây (từ 1/9/2023 đến 1/10/2024), đến từ nhiều địa phương: không chỉ tại TP Hà Nội mà các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Trong danh sách xuất hiện nhiều cá nhân đạt số lần hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm rất cao. Người hiến tiểu cầu nhiều nhất trong năm 2024 lên tới 20 lần (anh Nguyễn Văn Tỉnh, Khoái Châu – Hưng Yên, đã hiến máu và tiểu cầu tổng 70 lần, trong đó 50 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2024 là 20 lần hiến tiểu cầu). Năm 2019, anh Tỉnh cũng được tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.
Có đến 18 cá nhân hiến tiểu cầu 19 lần trong năm 2024, 26 người hiến 18 lần, 26 người hiến 17 lần, số người hiến 16 và 15 lần là 19 và 33 người.
Nếu tính tổng cộng số lần hiến tiểu cầu thì đứng đầu danh sách là anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993) đã có tổng cộng 129 lần hiến máu tình nguyện, trong đó 116 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2024 là 13 lần hiến tiểu cầu. Anh Hiếu cũng vinh dự là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Hầu hết những người tham dự chương trình đều phải di chuyển hàng chục cây số, như quãng đường họ đều đặn 3 tuần một lần đến hiến tiểu cầu. Nếu ở Hà Nội thì cũng đi từ Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm hoặc đến từ các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình…
Có những người dù làm việc ngay gần Viện, nhưng chỉ đến cuối tuần được nghỉ, lại từ nhà rất xa đi hiến tiểu cầu. Nhiều người thu xếp công việc, lên đường từ 5h sáng để kịp có mặt ở Viện rất sớm, hoàn thành cả tiếng nằm hiến tiểu cầu để kịp lên đường trở về nhà vào trưa.
Người lớn tuổi nhất tại chương trình tôn vinh hôm nay là ông Hoàng Văn Lụa (60 tuổi, Gia Lâm – Hà Nội), đã hiến máu và tiểu cầu tổng 35 lần, trong đó 29 lần hiến tiểu cầu. Cuối năm nay, ông sẽ hết tuổi được hiến, vì thế chắc để tận dụng mọi cơ hội, ông đã kịp hiến tiểu cầu 15 lần trong năm 2024.
Cũng là người hiến máu tiêu biểu năm nay, anh Nguyễn Văn Chính (Bệnh viện Phổi trung ương, Hà Nội) cùng con trai tranh thủ đến viện từ sớm để hiến tiểu cầu. Cậu con trai nhỏ nằm cạnh bố trò chuyện, có lẽ cậu bé đã quen thuộc với hình ảnh bố đến viện hằng tháng như vậy.
Anh Chính chia sẻ đã bắt đầu hiến tiểu cầu khoảng 3 năm nay, đến nay đã hiến tiểu cầu gần 60 lần.
"Do công việc bận rộn nên tôi cố gắng sắp xếp cuối tuần để đến viện hiến tiểu cầu. Mà cuối tuần thường con sẽ nghỉ học, tôi sẽ đưa con đi cùng, vừa trông con, vừa truyền cảm hứng cho con. Sau này, mong rằng con cũng sẽ mang tinh thần thiện nguyện để giúp đỡ người khác", anh Chính nói.
Một người có thể hiến tiểu cầu đến gần 20 lần trong một năm
Theo TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, năm 2024 công tác tiếp nhận tiểu cầu rất ổn định, bền vững, hầu như không có thời điểm nào xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu cho điều trị. Ngay cả khi bùng phát dịch sốt xuất huyết, chế phẩm tiểu cầu vẫn được đáp ứng tốt.
Tính đến hết tháng 10/2024, Viện đã tiếp nhận được 29.428 đơn vị tiểu cầu từ 8.372 người hiến, trung bình một người hiến 3,4 lần. Kết quả này thể hiện xu hướng gia tăng của số người hiến tiểu cầu và số lần hiến của một người trong năm.
Theo TS Trần Ngọc Quế, hiến máu toàn phần là toàn bộ máu hiến sẽ được lấy vào một túi trữ có đựng sẵn chất chống đông (thời gian hiến chỉ mất khoảng 5 phút), sau đó mới điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau. Khi đó, phải tách từ 3-4 đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín mới được một đơn vị tiểu cầu thông thường.
Hiến tiểu cầu sẽ sử dụng một bộ gạn tách riêng. Đơn vị tiểu cầu thu được nhờ máy gạn tách, nên còn gọi là tiểu cầu gạn tách hoặc tiểu cầu máy. Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật không phải cơ sở tiếp nhận máu nào cũng thực hiện được, chỉ thực hiện ở những Trung tâm máu lớn.
"Toàn bộ quá trình hiến tiểu cầu là vòng tuần hoàn khép kín, để lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể; nên thời gian hiến kéo dài (trung bình 50 – 90 phút một lần).
Khác hiến máu toàn phần phải chờ gần 3 tháng mới được hiến lại, thì hiến tiểu cầu chỉ cần sau 2-3 tuần, nên một người có thể hiến đến gần 20 lần trong một năm. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu so với hiến máu"- TS Trần Ngọc Quế nói.
Tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng cầm máu và đông máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.
Có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…
Nếu tiểu cầu giảm thấp, cơ thể dễ bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ mà không cầm máu được. Nặng hơn có thể gây xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là tình trạng xuất huyết não, có thể dẫn đến tử vong.
Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày), nên việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện và người bệnh.
Chính vì vậy, những năm vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều cập nhật nhu cầu dự trù hằng ngày trên phần mềm và khuyến khích người hiến tiểu cầu cần đăng ký trước khi đến.