Trùng tu di tích: Mất chữ “tín” là mất hết

22-03-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong vòng 20 năm nay, cùng với việc khôi phục chính đáng các giá trị văn hóa của dân tộc các di tích, đền thờ liên quan đến các nhân vật lịch sử đã được khôi phục hoặc trùng tu.

Trong vòng 20 năm nay, cùng với việc khôi phục chính đáng các giá trị văn hóa của dân tộc (mà do nhiều lý do, chúng ta đã có một thời gian dài, ngừng trệ hay phá bỏ), các di tích liên quan đến các nhân vật lịch sử đã được khôi phục hoặc trùng tu. Hằng năm, nhân dân đến thắp hương chiêm bái, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân có công với dân tộc, với đất nước. Ở đây, chữ tín đã đi với chữ ngưỡng thành một hoạt động văn hóa trong sáng cao đẹp. Tuy nhiên, có những trường hợp rất đáng suy nghĩ về vấn đề tôn trọng lịch sử, liên quan đến chữ “tín”. 

Tôi cũng có mặt một vài lần trong cuộc trùng tu hay các kỳ dâng hương kính lễ  tại một số di tích, như đền miếu thờ Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, ai cũng tin tưởng, ngưỡng mộ, tuyệt đối với các bậc thần y từng cứu người, cứu đời, cũng tuyệt đối không thấy ai kêu ca hay phàn nàn về bất cứ điều gì.  Và đó là sự chân chính của văn hóa tín ngưỡng, đúng với ý nghĩa chân thực và cao cả của nó.

Tái hiện rước thần trong Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn - TP. Hạ Long.

Tái hiện rước thần trong Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn - TP. Hạ Long.

Trong nhiều trường hợp khác, tôi thấy không được như thế. Chỉ xin nêu hai ví dụ liên quan đến hai cụ tổ của dòng họ tôi, thờ ở  thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, nơi tôi là công dân từ năm 1962 đến nay, mà tôi đã nhiều lần lên tiếng.

Ở TP. Hạ Long có đền thờ Trần Quốc Nghiễn, con cả Trần Quốc Tuấn, có công đánh giặc Nguyên ở mặt trận trung tâm, từ kinh thành Thăng Long tới Lạng Sơn, đã từng đuổi  đại tướng giặc là Lí Hằng đến tận bên kia biên giới. Hiện trước cửa đền, cho đến phút này, cùng với cờ Tổ quốc cỡ lớn là lá cờ đại với 4 chữ lớn “ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG”. Đó là vương tước mà vua Gia Long nhà Nguyễn phong cho Cá Voi  đã cứu ông ta thoát chết trong cuộc giao chiến với thủy quân của Nguyễn Huệ và được thờ cúng trong cả nước. Còn vương tước của Trần Quốc Nghiễn là Hưng Vũ vương, không phải Đông Hải đại vương. Cho đến nay, không ai tìm thấy bất cứ một căn cứ lịch sử nào cho thấy Trần Quốc Nghiễn có liên quan đến vùng này. Tháng 10 năm Quý Sửu (1913) 10 hộ chủ thuyền ở tỉnh Bắc Ninh buộc thuyền ở đây, mà bia đá do các chủ thuyền khắc là “trời nước hoang vu”; đã dựng lại miếu  “xong trong 1 ngày” thờ  Trần Quốc Nghiễn cùng với Cá Voi: “Trần triều Hưng Vũ Đông Hải đại vương”. Từ khi trùng tu lần cuối năm 2009 thì không ai biết đến Cá Voi nữa, nhưng cờ thần trước đền đến nay vẫn là ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG, tên  tước của Cá Voi do vua Gia Long phong. Thôi cũng là đẹp. Nhưng bia đá trước đền (khắc năm 2009) lại ghi là “Hồng Gai là đất vua Trần phong cho Trần Quốc Nghiễn ở thời Trần” và “Trần Quốc Nghiễn đã mất ở đất được phong” tức là mất ở đây, thì lại là điều hoàn toàn không có cơ sở (?! )

 

Lăng Trần Quốc Tảng tại đền Cửa Ông

Lăng Trần Quốc Tảng tại đền Cửa Ông

Ở TP. Cẩm Phả có đền thờ em ruột Trần Quốc Nghiễn là Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng là anh ruột vợ vua cha, Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua con là Trần Anh Tông, được phong tước Hưng Nhượng đại vương ngay từ khi còn sống.  Sách Ngữ văn địa phương Quảng Ninh, Nxb Giáo dục Việt Nam, in 12/2009, tập I, dạy chính thức trong nhà trường, trang 26, ghi nguyên văn: “... trước khi thờ Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông là miếu thờ Hoàng Cần, người địa phương...”. Theo bia đá lập năm 1853,  miếu này gọi là miếu Cửa Suốt thờ duy nhất 1 người là Hoàng Cần. Căn cứ vào tấm bản đồ của Pháp lập năm 1888, thì đến năm 1888 chưa có chữ Cửa Ông (cũng là cửa khẩu có cá Ông Voi chết - theo cách đặt tên của triều Nguyễn). Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì đến năm 1910, miếu này vẫn chỉ thờ một người địa phương duy nhất là Hoàng Cần. Sau năm 1910,  miếu cũ hoang phế ở dưới thấp đã bị bỏ, đền mới được xây ở vị trí bây giờ. Gần đây, một đồng chí cán bộ chủ chốt làm công tác quản lý di tích thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: đền Cửa Ông ở vị trí hiện nay do vợ ông chủ mỏ Pháp - bà này người Việt bỏ tiền công đức ra xây, đầu thế kỷ XX và một cán bộ chủ chốt khác của Tỉnh ủy Quảng Ninh, từng xem hồ sơ gốc của di tích này cho biết, đền mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ từ năm 1916. Tôi tin 2 vị cán bộ chủ chốt này dù chưa có dịp kiểm chứng - Và tôi xin nêu thêm: Đền Long Tiên giữa trung tâm TP. Hạ Long, thờ  Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, cha của hai danh tướng trên, mới có từ năm 1943, do một ông cai mỏ làm từ thiện bỏ tiền ra xây. Đền Cửa Ông trùng tu được như hiện nay là vào những năm cuối của thế kỷ XX, sau sự cố đắm tàu khách ở bến tàu khách, trước Tết Nguyên đán, khi tàu chuẩn bị rời bến ngay trước cửa đền (bến này nay đã bỏ). Theo báo cáo ban đầu là 83 người chết... Nhưng một người ở Hải Phòng được thuê đi vớt xác thì cho biết là nhiều hơn... Sau vụ này, vị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải được lên chức... Từ đó, người ta tin là Trần Quốc Tảng rất thiêng đã “bắt lính”...

Việc thờ Trần Quốc Nghiễn ở TP. Hạ Long cũng như thờ Trần Quốc Tảng ở TP. Cẩm Phả mới từ đầu thế kỷ XX này thôi là điều rất tốt đẹp, đúng đạo lý và được nhân dân vô cùng ủng hộ. Chỉ có điều không nên lợi dụng sự tin cậy của dân để bịa ra những điều mà suốt đời Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng không có và lại biến sự bịa tạc đó thành nghi lễ, thành tín ngưỡng, thì theo tôi bao giờ cũng là điều đại tối kị. Trần Quốc Nghiễn cũng như Trần Quôc Tảng hoàn toàn không có liên quan gì đến hai nơi hiện nay đang thờ cúng hai ông. Đó là thờ vọng, hãy cứ nói thẳng thắn với dân như thế, vì nó đúng là như thế. Hai ông vẫn cứ rất lớn lao, có làm sao đâu. Và tôi chỉ có ý kiến về vấn đề này thôi, xin đừng có hiểu lầm.

Lễ hội đền Cửa Ông cũng mới có (hoặc mới khôi phục lại) từ 10 năm nay. Từ màn kịch hoành tráng, các phim quảng bá chiếu rộng rãi trên đài, các cuộc thuyết minh cho du khách, đều xây dựng một cốt chuyện hoàn toàn không có bất cứ một căn cứ lịch sử nào đảm bảo: Trần Quốc Tảng đã bị đi đày ở đây, đã đóng quân đánh giặc ở đây, đã đem quân thủy từ đây đánh ngược nước vào trận Bạch Đằng ở ngoài hàng cọc Bạch Đằng (?) rồi đã chết ở đây. Và đền này được lập từ thời Trần để thờ ông. Về cái chết của ông thì nói ông ngồi buồn trên phiến đá rồi mất... tại Cửa Ông. Mà phiến đá ấy, người ta đã tìm thấy ở TP. Hải Dương, “dài 6 thước 4 tấc, rộng 2 thước 3 tấc” đúng như truyền thuyết đã ghi. Theo truyền thuyết này thì Trần Quốc Tảng đóng quân ở Vườn Vải, thôn Trắc Châu, xã An Châu, huyện Thanh Lâm. Rồi khi già trở về thăm và mất ở đó “để lại cái phiến đá và cái mũ đá làm di vật”... Một nhà viết sử địa phương đã ghi luôn vào sách sử: thôn Trắc Châu, huyện Thanh Lâm (Hải Dương) nay là phường Cẩm Phú, Cẩm Phả, tức là Cửa Ông. Vì đồng nhất Trắc Châu Hải Dương với Cửa Ông Quảng Ninh, nên sự “nhận vơ” này là đầu mối của mọi sự nhầm lẫn to lớn khác mà hệ quả của nó đến nay là đã đi quá xa,  không lường được nữa  rồi...

Vậy thì làm sao để người ta tin được TP. Hải Dương là TP. Cẩm Phả và Trần Quốc Tảng đã chết ở Cửa Ông trên cái  phiến đá lại được tìm thấy ở Hải Dương. Lăng mộ xây cho ông ở sau đền Cửa Ông, ngày đêm nghi ngút hương khói là hoàn toàn không có cơ sở. Làm sao tin được một đại vương, anh ruột vợ vua cha, bố vợ vua con đương triều ở thời Trần lại bị đày ải ở đây, rồi lại về đây làm Trạm trưởng Trạm thuế của triều Nguyễn, thu thuế xuất khẩu than của người Pháp... (Vì “Cửa Suốt” là gọi chệch chữ “Cửa Suất” - “Suất ti tuần” - Trạm thu thuế hải quan của nhà Nguyễn). Và làm gì có trận Bạch Đằng năm 1288 lại đánh ở ngoài biển vào, từ ngoài hàng cọc Bạch Đằng...

Trong tín ngưỡng cũng như trong đời sống, mất chữ tín là mất hết và mọi trò “diễn” tiếp theo chỉ còn là giả dối, nếu không muốn nói là lừa bịp - một chiêu thương mại hóa để kiếm tiền. Mà di tích nào cũng vậy, rất cần giáo dục cho thế hệ sau, cùng với lòng yêu nước là sự trung thực, chứ không phải là sự gian dối, bịa tạc. Người ta ngại nói ra, nhưng nhiều người đã biết cả đấy. Đấy có lẽ cũng là một trong những lí do vì sao các cháu học sinh trung học năm nay rất ít cháu tự chọn thi môn sử, có trường hoàn toàn không có học sinh nào chọn môn sử để đi thi, nghĩa là 100% zero (số 0). Một môn học liên quan đến lịch sử máu xương và chiến tích anh hùng của cả dân tộc, có hàng trăm năm đánh thắng giặc ngoại xâm,  mà bị ế ẩm và tẩy chay đến thế, không thấy đau xót đến tận gan ruột hay sao?

Xin đừng trách tuổi trẻ.

Đó là cái giá tất yếu của sự mất chữ tín, hệ lụy của nó lớn vô cùng, không lường hết được đâu... 

Trần Nhuận Minh

 


Ý kiến của bạn