Trung tâm Y tế Côn Đảo cấp cứu thành công bệnh nhân thủng dạ dày nhờ Tele-ICU

28-07-2020 13:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo đã cấp cứu thành công một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể - thủng dạ dày. Nhờ công nghệ chuyển tuyến ảo, đi buồng điện tử của hệ thống Tele-ICU, các chuyên gia tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu đã có đầy đủ các thông tin lâm sàng của bệnh nhân và hỗ trợ các bác sĩ tại Côn Đảo có được phác đồ điều trị chính xác , nhanh chóng cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Theo đó, khoảng 14h giờ ngày 24/07/2020, tại, bệnh nhân nam tên N.T (45 tuổi) được người thân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo trong tình trạng tay chân lạnh, bụng căng cứng, người bị choáng mệt, hơi thở nhanh và nông.

Nhận định tình hình ca bệnh nghiêm trọng, ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển vào đơn nguyên ICU, hệ thống Tele-ICU đã kết nối giữa Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo và Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu. Các chuyên gia tại bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu với đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… đã xác định chính xác bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể - thủng dạ dày.

Các chuyên gia tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu đang hỗ trợ tư vấn, điều trị bệnh nhân từ xa thông qua Tele-ICU.

Các chuyên gia từ bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, hướng dẫn để các bác sĩ tại Côn Đảo kịp thời cứu sống người bệnh. Liên tục trong khoảng 9 tiếng đồng hồ điều trị kết hợp hồi sức cấp cứu và phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày, rửa ổ bụng, dẫn lưu douglas, dẫn lưu dưới gan, đóng bụng sau đó tiếp tục hồi sức, đến 23h cùng ngày bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Sau khi sức khỏe ổn định hơn, đủ điều kiện để chuyển tuyến đường dài, bệnh nhân đã được chuyển sang chăm sóc, điều trị đặc biệt tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng và đang có những chuyển biến tích cực.

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Cao Văn Thái - Trưởng khoa Nội của Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo cho biết: “Đây là ca bệnh sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể - thủng dạ dày, tiên lượng tử vong rất cao, trong quá trình điều trị có nhiều diễn biến phức tạp. Mặc dù Trung tâm còn hạn chế nhiều về nguồn lực và cơ sở vật chất, nhưng nhờ có sự chỉ đạo điều trị từ xa của các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình, với phương châm cứu người là trên hết và quyết tâm đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.

Điều cực kỳ may mắn là hiện nay Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo đã được trang bị hệ thống Tele-ICU để có thể nhận tư vấn, hỗ trợ điều trị từ xa của các chuyên gia bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu ngay tức thì. Như trường hợp của bệnh nhân N.T là không thể chuyển tuyến tại thời điểm đó, vì nếu không được xử lý chống sốc, hồi sức kết hợp phẫu thuật kịp thời tại chỗ thì sẽ vô cùng nguy hiểm, và gần như bệnh nhân khó có cơ hội sống sót".

Các dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân trên máy thở, monitor, bệnh án điện tử... được gửi về trung tâm chỉ huy bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua Tele-ICU một cách đầy đủ và chính xác.

“Do hạn chế về vị trí địa lý xa đất liền, Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo vừa là đơn vị y tế tuyến đầu, vừa là tuyến cuối của người dân huyện đảo này. Việc vượt tuyến chữa bệnh bằng tàu biển của người dân trước đây rất vất vả, mất nhiều thời gian. Còn nếu vận chuyển bằng máy bay thì quá tốn kém với đa số người bệnh. Đặc biệt, với những ca bệnh nặng, nếu không tận dụng được “thời điểm vàng” trong cấp cứu mà phải chờ đợi chuyển tuyến, người bệnh có thể sẽ tử vong. Trong những tình huống cấp bách như thế, Tele-ICU đang cho thấy tính hữu ích vượt trội. Với Tele-ICU, các chuyên gia bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu có thể dễ dàng tư vấn, hỗ trợ các bác sĩ tại Côn Đảo đưa ra phương án xử trí, điều trị ban đầu chính xác, giúp bệnh nhân thoát cơn nguy kịch, cũng như đảm bảo điều kiện sức khỏe để chuyến tuyến đường dài sau đó cho những điều trị phức tạp hơn.

Nhìn rộng ra, giải pháp Tele-ICU vừa giúp nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh cho đội ngũ y tế tuyến dưới, vừa giảm thiểu tối đa các chi phí cho người bệnh và gia đình, nhất là với những gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ y tế như Tele-ICU để có thể kết nối và chuyển giao các kỹ thuật khám, điều trị từ bệnh viện tuyến trên trong đất liền tới Côn Đảo là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây” - ThS.BS CKII Trần Thanh Đạt - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực&Chống độc, Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu, người trực tiếp chỉ đạo điều trị cho bệnh nhân N.T nhấn mạnh.

Hệ thống Tele-ICU kết nối Trung tâm Y tế Côn Đảo và Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Y tế. Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đó. Một trong những giải pháp ưu tiên là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, nhằm hạn chế những rào cản về phân bổ trình độ kỹ thuật chuyên môn giữa tuyến trên tuyến dưới, khắc phục những khó khăn về khoảng cách địa lý ở các đơn vị y tế vùng sâu, vùng xa để người dân trên cả nước được hưởng chất lượng dịch vụ y tế đồng đều.

Tele-ICU là giải pháp kết nối thông tin bệnh nhân giữa trung tâm chỉ huy tại bệnh viện tuyến trên và các đơn nguyên Tele-ICU tại các bệnh viện tuyến dưới thông qua phần mềm kết nối chuyên dụng và các thiết bị hồi sức hiện đại. Tele-ICU nổi bật với công nghệ “chuyển tuyến ảo” và “đi buồng điện tử” thông minh, hạn chế tối đa gánh nặng về sự “quá tải” cho các đơn vị y tế tuyến trên, tăng cường lưu lượng bệnh nhân và năng lực quản lý trên toàn hệ thống các đơn vị y tế tuyến dưới.

Không chỉ tại Bệnh viện Bà Rịa - Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo, hiện nay, hệ thống TeleICU đang được triển khai tại nhiều đơn vị y tế lớn nhỏ trên toàn quốc như Bệnh viện Bạch Mai - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện Đại học Y- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng…cũng đang cho thấy những hiệu quả và lợi ích thiết thực từ việc việc áp dụng công nghệ này.

Ứng dụng Tele-ICU vừa đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân tại mỗi đơn vị y tế, đồng thời tác động tích cực đến toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, từng bước củng cố và chuẩn hóa việc chăm sóc, giảm chuyển tuyến, tối đa hóa việc sử dụng giường và hỗ trợ bệnh nhân tại chỗ.

Thanh Huyền
Ý kiến của bạn