Cần sự hỗ trợ của các tình nguyện viên cho Trung tâm
Dẫu biết, hành trình còn nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng ai cũng rèn rũa tinh thần vững nơi tuyến đầu.
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Trung ương tỉnh Long An ( Trung tâm, do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên điều hành), PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế cho biết: Việc cứu chữa bệnh nhân COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách nhất. Cần điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Mọi khó khăn sẽ được chung tay tháo gỡ.
Theo báo cáo của tỉnh Long An đến hết ngày 21/8, toàn tỉnh Long An có tổng cộng 18.124 ca mắc COVID-19. Các bệnh nhân nhẹ được điều trị ở các cơ sở y tế, Bệnh viện Dã chiến. Bệnh nhân nặng được chuyển đến Trung tâm.
PGS-TS Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đơn vị điều hành Trung tâm cho biết: Ngay khi khánh thành đã khẩn trương đưa các máy móc, thiết bị hiện đại vào điều trị cho bệnh nhân. Khu điều trị có 150 giường ICU, chia làm 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tầng 1 có 10 giường cho bệnh nhân chuẩn bị xuất viện; tầng 2 có 90 giường dành cho bệnh nhân nặng, bệnh nền; tầng 3 có 50 giường hồi sức tích cực (ICU). Trung tâm đã được trang bị 1 máy ECMO; máy lọc máu liên tục và 35 máy thở, đang đề xuất xin thêm 50 máy thở và 105 máy HFNC…Đến đêm 21/8, Trung tâm đã nhận và điều trị tích cực cho 41 bệnh nhân nặng.
Thuốc men, vật tư tiêu hao cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Trung tâm cần được bổ sung thêm máy tiệt trùng dụng cụ, cấp thêm thuốc kháng vi rút, bổ sung thêm nhân lực vì số ca bệnh sẽ còn gia tăng.
Chứng kiến cảnh tất bật dọn vệ sinh ngoại cảnh, bưng bê vật dụng sau những giờ cực nhọc làm chuyên môn của các y bác sĩ, TS Dương Huy Lương, thành viên đoàn công tác cũng cho hay: Mỗi người chi viện vào đây đã phải tập trung cường độ làm việc với công suất cao nhất, áp lực nhất rồi.
Vậy nên đề nghị tỉnh Long An bố trí thêm tình nguyện viên để đỡ đần bớt công việc vệ sinh ngoại cảnh.
Được biết, tỉnh Long An đang có số ca nhiễm bệnh cao. Bộ Y tế đã quan tâm sâu sát, đưa vào thiết lập Trung tâm này. Mỗi y bác sĩ ở đây đã dốc hết tâm lực để chăm sóc và điều trị tích cực nhất cho người bệnh. Từ Thái Nguyên mọi người đã vượt khó khăn và tiếp tục khắc phục các nhọc nhằn phía trước vì sự sống người bệnh. Vậy nên Sở Y tế Long An cầm kêu gọi sự hỗ trợ nhanh của các tình nguyện viên để lo vệ sinh ngoại cảnh.
Điều trị chuẩn phác đồ để giảm chuyển biến nặng
Để giảm mạnh chuyển biến nặng của bệnh nhân, PGS.TS Khuê yêu cầu ngành y tế Long An phải chú trọng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ở các tầng 1, tầng 2 trong mô hình "tháp điều trị 3 tầng". Đặc biệt cần dùng thuốc kháng đông, kháng viêm cho đúng. Cùng với đó phải chuẩn bị đầy đủ oxy để có thể đáp ứng ngay được khi bệnh nhân có các chuyển biến, cần phải hỗ trợ thở. Tất cả các bệnh viện tuyến huyện cũng phải chuẩn bị oxy. Đây là yếu tố sống còn đối với việc cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Việc sàng lọc, phân loại người bệnh cần được làm khoa học, phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Chia sẻ thêm các tín hiệu tích cực trong quá trình điều trị bệnh nhân nặng, BSCKII Lê Hùng Vương – người túc trực cấp cứu tại Trung tâm cho biết: Đây là một trong những Trung tâm quan trọng do Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập ở miền Tây. Bệnh nhân vào đây hầu hết được chuyển lên từ Bệnh viện tỉnh Long An và các Bệnh viện Dã chiến.
"Trước khi nhận bệnh, chúng tôi hội chẩn qua mạng, nắm chắc về ca bệnh nên chuẩn bị máy móc, giường bệnh chu đáo. Mới mấy ngày nhận bệnh nhưng đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Có khoảng 10 bệnh nhân đã chuyển từ rất nặng sang nhẹ. Hiện tại có 159 y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Sở Y tế Thái Nguyên đang túc trực điều trị tại đây. Lượng oxy phải sử dụng nhiều nên sắp tới sẽ có phương án dữ trữ, đảm bảo tránh tối đa sự đứt gãy oxy, điều trị tốt nhất theo chỉ dẫn và yêu cầu của Bộ Y tế", BSCKII Lê Hùng Vương nói.
BSCKII Lê Hùng Vương trả lời PV Báo Sức khỏe và Đời sống tại Trung tâm hồi sức COVID-19 Trung ương ở Long An