Trung tâm hồi sức Cấp cứu COVID-19: “Nối yêu thương” nơi cận kề cửa tử
Trung tâm hồi sức Cấp cứu COVID-19 BV Đại học Y Dược TP.HCM - nơi điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng không chỉ có ánh sáng xanh đỏ của nhịp sinh tồn, tiếng khò của bình oxy mà còn có cả những âm thanh ám ảnh mà chỉ có các y bác sĩ ở đây mới cảm nhận rõ. Tại đây có 393 các y bác sĩ đang ngày quên ăn, đêm quên ngủ tận tâm chăm lo cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19 thể nặng.
PGS.TS BS. Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo BV ĐH Y Dược TP.HCM chia sẻ, chỉ trong vòng 18 giờ sau khi nhận nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức COVID-19, 50 máy thở đã được đưa tới, toàn bộ trang thiết bị, thuốc men đã tập trung hết về Bệnh viện Trường ĐH Y Dược TP. HCM. Tất cả các bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn, dược, xét nghiệm… cũng đã có mặt sẵn sàng với nhiệm vụ mới.
Các y bác sĩ ở đây xác định sẽ làm việc hết sức mình theo chế độ 3 ca, 4 kíp. Với những bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng, họ như đang đi giữa những lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết. Để chiến thắng không chỉ cần máy móc, thuốc men mà còn cần cả sức mạnh tinh thần. Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, họ chính là những người “nối thân thương” cho các bệnh nhân bằng những cuộc gọi video, những tin nhắn từ người thân.
Đã không ít lần họ phải đối mặt với những áp lực và cả sự hoảng loạn từ bệnh nhân. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã kiêm thêm nhiệm vụ trở thành chuyên gia tâm lý điều trị bệnh nhân. Có ở giữa những ranh giới của sự sống và cái chết người ta mới thấy những liệu pháp tinh thần kết hợp cùng chuyên môn giỏi đã phát huy sức mạnh diệu kỳ. Hàng loạt bệnh nhân nặng được được hồi sức, điều trị tích cực tại Trung tâm Hồi sức Cấp cứu COVID-19 BV Đại học Y Dược TP.HCM, nhiều bệnh nhân là phụ sản nguy kịch sau khi mổ bắt con đã hồi phục ngoạn mục.
Chưa bao giờ sứ mệnh của những người mang trên mình màu áo blouse trắng lại đặc biệt đến vậy. Họ không chỉ làm tròn công tác chuyên môn mà còn trở thành những người thân chăm sóc, là cầu nối tiếp lực mạnh mẽ để phụng sự những người bệnh. Để giây phút bệnh nhân được thở khí trời từ buồng chạy ecmo khỏa lấp nỗi nhớ nhà và mỏi mệt của những ngày chiến đấu xuyên ngày, xuyên đêm.