Không phải là địa điểm kinh doanh dịch vụ du lịch, nhưng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung (thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Đài Việt) đang thu hút nhiều khách tham quan vì sự đa dạng của các loại cây dược liệu cũng như cơ chế mở rộng cửa đón khách của trung tâm.
Dược liệu quý được bảo tồn
Từ năm 1987, Trại nghiên cứu cây dừa cạn (Công ty Dược liệu Trung ương 2, Tổng công ty Dược Việt Nam) được thành lập tại xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) để nghiên cứu kỹ thuật trồng cây dừa cạn làm thuốc trong nước và xuất khẩu nguyên liệu sang Hunggari, Pháp. Đến năm 1995, trại tiếp tục phát triển và trồng thêm nhiều cây dược liệu ngoại được di thực vào Việt Nam như: Bụp dấm, phan tả diệp, gừng Nhật Bản, mã đề và trại đổi tên thành "Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung". Năm 2007, Công ty Dược liệu Trung ương 2 cổ phần hóa, trung tâm được chuyển đổi trực thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Đài Việt. Ngày nay, với tên gọi chi nhánh Công ty Hồng Đài Việt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung đang là nơi bảo tồn được khá nhiều loại dược liệu quý.
Ngoài các cây thuốc truyền thống như: Mầm đậu nành, cỏ mực, đài hoa, bụp dấm, gừng Nhật Bản, khổ qua đắng, kim tiền thảo, dừa cạn, diệp hạ châu, lạc tiên tây, rau đắng đất lá mọc vòng, râu mèo, tầng dày lá, thân cây thơm, trinh nữ hoàng cung, xuyên tâm liên, trung tâm đã thu thập, trồng và đang theo dõi hơn 40 loại cây thuốc quý cần bảo vệ nguồn gen như sâm Phú Yên, bình vôi, trinh nữ hoàng cung, xáo tam phân, mật nhân… đồng thời, trồng thử nghiệm các loại cây thuốc chỉ có ở vùng khí hậu ôn đới, cận nhiệt.
Bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc trung tâm chia sẻ: "Hiện nay, cây dược liệu trong tự nhiên vẫn còn phong phú nhưng do có giá bán khá cao nên bị người dân khai thác theo lối tận diệt. Trước thực trạng trên, trung tâm một mặt nghiên cứu phát triển sản xuất một số mặt hàng dược liệu truyền thống nhưng vẫn chú ý bảo tồn các loài cây thuốc quý có nguy cơ mất hẳn ngoài tự nhiên. Ví như xáo tam phân hay mật nhân, trước đây mọc ở nhiều vùng núi tỉnh Phú Yên nhưng nay đã bắt đầu khan hiếm do có thông tin các cây này có khả năng chữa được rất nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư. Với giá bán vài trăm ngàn đồng/kg, nhiều người dân đã đi lùng, đào nguyên cả gốc rễ khiến cây trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Để lưu giữ lại nguồn gen quý, chúng tôi phải mua cây con có giá vài trăm nghìn/cây về trồng tại trung tâm. Hiện tại, cây xáo tam phân và mật nhân đang phát triển rất tốt".
Vùng sản xuất dược liệu của trung tâm tại Phú Yên và một số tỉnh miền Trung đã được Bộ Y tế công nhận là 1 trong 8 vùng quy hoạch phát triển dược liệu quốc gia. Trung tâm được Bộ Y tế giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen của 40 loài cây thuốc quý hiếm tại Phú Yên và ven biển miền Trung. Gần đây, thông qua việc tham gia vào dự án “Phát triển hoạt động BioTrade trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam” do tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Vietnam thực hiện cùng đối tác trong nước là Viện Dược liệu, cán bộ của Trung tâm cũng được tập huấn tăng cường năng lực và học tập trao đổi với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên, qua đó tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Trung tâm”.
Thu hút khách tham quan
Là khu vực sản xuất, bảo tồn được nhiều loài dược liệu quý, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung đang ngày càng thu hút nhiều học sinh, sinh viên, khách du lịch đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Được coi là khu vực sản xuất dược liệu có quy mô lớn tại miền Trung, trung tâm dược liệu được bố trí ở cung đường đẹp (đường Hùng Vương) nối dài từ TP Tuy Hòa đến bãi Môn, Mũi Điện, vào Vũng Rô. Khi con đường này hoàn thành, hứa hẹn sẽ là tuyến du lịch hấp dẫn. Ban quản lý trung tâm tận dụng lợi thế này cộng với không gian rộng rãi, thoáng mát đã bố trí các vùng trồng cây dược liệu một cách khoa học, đẹp mắt nhằm thu hút du khách. Với những ưu thế trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu miền Trung đang được chọn là điểm đến của nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh các trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, đại học Cần Thơ đến tham quan và thực hiện luận văn thông qua nguồn cây dược liệu tại trung tâm. Hằng năm, trung tâm đón nhiều đoàn khách ở Trung ương và địa phương, các lớp sinh viên y học cổ truyền đến tham quan, học tập về cây thuốc và mô hình trồng, chế biến dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Trung tâm cũng là điểm tham quan sinh thái dược liệu độc đáo của khách tour Thuận Thảo, Đồi Thơm, Fidi tour trên tuyến du lịch Vũng Rô. Bên cạnh việc sản xuất, trung tâm còn mở thêm quầy trưng bày, dùng thử, bán các sản phẩm do trung tâm sản xuất nên được du khách mến mộ.
Anh Nguyễn Đình Nhựt (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã nhiều lần đến Phú Yên nhưng chưa có dịp dừng lại lâu. Vừa qua, do có nhiều thời gian nên anh Nhựt quyết định tham quan trung tâm. Chia sẻ cảm xúc của mình, anh Nhựt nói: "Giữa vùng đất nắng gió này, tôi không nghĩ lại có một trung tâm dược liệu bề thế như vậy. Không gian rộng rãi, thoáng mát làm đầu óc tôi được thư giãn, ngắm nhìn những cây thuốc quý mà trước đây chỉ mới được nghe tên làm tôi thích thú. Nếu có dịp, lần sau tôi sẽ ghé lại".