Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm: Mượn danh trung tâm để vay nợ... nhưng không trả?

06-05-2019 12:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Bài 2: Nhiều nạn nhân tan cửa nát nhà... vì Trung tâm nhân đạo

Trên báo SK&ĐS số 70 (ra ngày 3/5), chúng tôi đã có bài phản ánh về việc bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (Trung tâm Minh Tâm) đã mượn danh hợp tác, phát triển Trung tâm nhân đạo để vay nợ và có dấu hiệu “lừa đảo” chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của chị Chu Thị Nhã. Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục làm rõ thêm vấn đề bà Xiêm cũng sử dụng những thủ đoạn tương tự nhưng “tinh vi hơn” để vay tiền của rất nhiều người khác. Và nhiều người cho bà Xiêm vay tiền đều rất yên tâm vì giấy viết tay nhận nợ của bà Xiêm đều được “cộp” dấu đỏ của Trung tâm nhân đạo trên.

Dùng nhiều thủ đoạn để “lừa” vay hàng chục tỷ đồng

Chị Kiều Thị Phượng (thôn Ngọc Lâu, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) bức xúc: Năm 2011, bà Xiêm nói với tôi về cơ sở Trung tâm quá xập xệ..., các cháu khuyết tật ăn ở dột nát nên bà Xiêm có nhờ tôi đặt xe ôtô (chứ tôi làm gì có tiền) để chạy sổ đất từ đất canh tác thành đất 30 năm để Hội bảo trợ về xây nhà xưởng cho các cháu. Vì mình thương các cháu, vả lại bà Xiêm cũng chứng minh cho tôi một số việc làm nhân đạo là cưu mang và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật nên tôi mới chấp nhận vay hộ. Ai ngờ tôi bị lừa ở chỗ mấy lần đầu thì bà ta trả rất đúng hẹn và những lần vay sau, giấy biên nhận nợ bà ta “cộp” dấu đỏ của Trung tâm (làm nhân đạo và được Nhà nước công nhận) thì mình yên tâm quá còn gì. Từ ngày mồng 8/9/2011 - 27/1/2012, tôi cho bà ta vay 4 đợt, tổng cộng là 740 triệu với thời hạn 5 tháng nhưng kể từ đó, bà Xiêm khất hết lần này đến lần khác và đến nay vẫn không trả cho tôi đồng nào.

Tương tự, chị Phan Thị Điều (ở thôn Đông, xã Hữu Bằng) cũng ngày càng lún sâu vào cảnh cầm cố tài sản, nhà cửa để cho bà Xiêm vay nợ. Chị Điều cho biết: Khi đó bà Xiêm nói “Mày cứu chị với nếu không cả hai cùng chết..., chị lấy đâu ra tiền trả nợ mày...”. Cực chẳng đã, mình cứ đâm lao phải theo lao, nợ cũ chưa trả lại phải cầm cố nhà xưởng, cho vay tiếp 1 tỷ 346 triệu để góp cổ đông, mua rừng (Kim Bôi, Hòa Bình) làm dự án phục vụ Trung tâm để lấy tiền trả nợ. Như vậy, từ cuối 2010 - 30/10/2011 (âm lịch), tôi đã cho bà Xiêm vay 6 đợt với tổng cộng số tiền 4 tỷ 375 triệu đồng. Dù bà Xiêm có viết cam kết sau 5 tháng sẽ trả nợ nhưng từ đó đến nay đã gần 8 năm vẫn chỉ là những lời hứa.

Thậm chí để vay được tiền, bà Xiêm còn lợi dụng cả tình thân, theo như tố cáo của anh Nguyễn Xuân Biết (xã Phú Kim, Thạch Thất) thì bà Xiêm đã lợi dụng con gái của mình làm ở ngân hàng lập hồ sơ khống bằng cách dựng xưởng gỗ rồi cho anh đứng tên để vay tiền Ngân hàng TMCP Á Châu 600 triệu đồng và lấy số tiền này cho bà Xiêm vay. Hiện nay, anh Biết cũng đang như ngồi trên đống lửa vì bị “ngâm” khoản nợ 3 tỷ 146 triệu đồng cho vay từ 2011, cho dù trong giấy vay nợ bà Xiêm có đóng dấu đỏ cam kết đến tháng 1/2012 sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền này.

Và còn rất nhiều người dân khác nữa cũng trở thành “con mồi” cho bà Xiêm... Nhiều người mang theo băng-rôn, biểu ngữ, loa đài kéo tới Trung tâm Minh Tâm để đòi nợ bà Xiêm.

Mẹ chồng và bà trẻ chị Điều trong một lần đến Trung tâm Minh Tâm đòi nợ.

Mẹ chồng và bà trẻ chị Điều trong một lần đến Trung tâm Minh Tâm đòi nợ.

Tan cửa nát nhà... và bị ngân hàng siết nợ

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều người dân vì quá tin tưởng vào mục đích tốt đẹp của Trung tâm làm nhân đạo được cấp phép này nên đã yên tâm không chỉ bỏ tiền túi mà còn huy động tiền từ nhiều nguồn khác để cho bà Xiêm vay. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền, bà Xiêm ngày càng tráo trở, lộ rõ hành vi lừa đảo khi “ngâm” nợ của nhiều người dân suốt từ 2011 đến nay và không hoàn trả. Sự tráo trở này đã khiến nhiều người trong số họ từ chủ nợ của bà Xiêm trở thành những con nợ “khó đòi” của các ngân hàng, cùng với nhiều tài sản, nhà cửa, đất cát... đều phải đem cầm cố. Như trường hợp của anh Biết vì quá tin tưởng bà Xiêm và cái Trung tâm có gắn mác nhân đạo của bà nên đã huy động tiền từ các nguồn như tiền gia đình anh được đền bù đất, vay anh em họ hàng và vay cả ngân hàng để cho bà Xiêm vay. Đến nay, số nợ “khủng” của bà Xiêm không đòi được đã khiến anh không chỉ trở thành con nợ mà gia đình còn rơi vào hoàn cảnh phải đi ở nhờ (nhà thế chấp), vợ chồng cãi nhau, anh em từ mặt... Nhìn khuôn mặt buồn rười rượi, anh chia sẻ: Số tiền 600 triệu vay Ngân hàng TMCP Á Châu (nói ở trên) từ 2011 đến nay cả gốc lẫn lãi phải trả đã lên đến 1,4 tỷ đồng. Cuối năm 2017, gia đình tôi cũng đã nhận được Quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạch Thất với nội dung đã đáo hạn vì tôi không thể trả được gốc vay và lãi. Bố của tôi cũng vì suy nghĩ nhiều về chuyện gia đình nên bị ốm... rồi mất!

Cùng cảnh ngộ như anh Biết, chị Điều cũng tan cửa nát nhà vì các khoản nợ không trả của bà giám đốc nhân đạo. Hiện nay, nhà cửa, xưởng nội thất... của gia đình đều đã bán và đem cầm cố nhưng vẫn trả nợ không xuể khiến chị luôn sống trong bất an, lo ngân hàng siết nợ. Cũng vì những chuyện này, mẹ chồng chị (80 tuổi) ngày đêm khóc lóc: “Thế này thì khi tao chết, biết để bát nhang ở đâu...!”.

Được biết, các nạn nhân đã nhiều lần làm đơn tố cáo bà Xiêm lên các cấp, các ngành nhưng đều bị trả về huyện và huyện thì lại coi đây là án dân sự nên sự việc vẫn nhùng nhằng và đến nay chưa được giải quyết. Và trớ trêu là bà Xiêm hiện vẫn sống ở địa phương nhưng số tiền vay của nhiều người lên đến hàng chục tỷ đồng thì bà vẫn ngang nhiên không trả, thậm chí còn thách thức các “nạn nhân” lên công an mà đòi. Thiết nghĩ, để đảm bảo an ninh trật tự và quyền lợi của những người lao động chân chính sớm bị lọt vào “ma trận” của bà Xiêm, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt Công an huyện Thạch Thất sớm vào cuộc điều tra, làm rõ.


Nhóm phóng viên
Ý kiến của bạn