Hà Nội

Trung tâm Cấp cứu 115 sẵn sàng ứng trực Tết

06-01-2014 07:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Trung tâm Cấp cứu 115 (thuộc Sở Y tế Hà Nội) bố trí trực suốt ngày đêm, sẵn sàng sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân hoặc nạn nhân khi có yêu cầu.

Trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Trung tâm Cấp cứu 115 (thuộc Sở Y tế Hà Nội) bố trí trực suốt ngày đêm, sẵn sàng sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân hoặc nạn nhân khi có yêu cầu. Trời rét đậm, rét hại, ăn uống bừa phứa, bia rượu quá sức..., là những điều mà người dân cần lưu ý để phòng tránh tai nạn, thương tích, đảm bảo kỳ nghỉ yên vui. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu  115 (TTCC 115) Hà Nội về công tác chuẩn bị bảo vệ sức khỏe người dân dịp này.

Ông Nguyễn Văn Chánh.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây thời tiết có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt, cụ thể là các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Vậy tình hình số lượng ca cấp cứu thời điểm này so với mọi năm thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chánh: Về trung bình số lượng ca cấp cứu cũng như mọi năm, nhưng đặc biệt nhiều hôm vọt lên 109 ca, so với trung bình 80 - 90 ca. Số lượng ca cấp cứu tăng tập trung nguyên nhân thời tiết lạnh và ngộ độc thực phẩm.

PV: Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, công tác chuẩn bị trong dịp này của TTCC 115 khu vực Hà Nội đã được bố trí thế nào ?

Ông Nguyễn Văn Chánh: Cơ bản cũng như những năm trước. Trung tâm duy trì 15 kíp xe hàng ngày. 5 kíp trực tại 11 Phan Chu Trinh, Hà Nội. 3 kíp tại Từ Liêm. Còn 3 cửa ngõ Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm mỗi trạm 2 kíp. Thêm 1 kíp phối hợp với Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội chuyên thu gom bệnh nhân tâm thần lang thang. Các đầu mối được liên kết chặt chẽ, thông tin sẽ được chuyển tới trạm gần nhất để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp cứu. Đặc biệt trong dịp Tết, Trung tâm cũng bố trí các kíp ứng trực tại chỗ tại các điểm bắn pháo hoa, các điểm vui chơi, giải trí lớn, tập trung đông người dịp Tết. Trung tâm cũng đã lên danh sách tăng cường các kíp dự bị để sẵn sàng xử lý nếu cần thiết.

PV: Thời gian vừa qua, một số thông tin cho rằng TTCC 115 chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian đối với một số ca cấp cứu, cụ thể là đến chậm hoặc không đến khiến nhiều người bức xúc. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này và tỷ lệ đáp ứng của TTCC 115 Hà Nội so với số lượng các cuộc gọi của người dân là như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chánh: Thông thường, TTCC 115 Hà Nội luôn sẵn sàng đáp ứng đến 99% khi có thông tin báo cấp cứu. Chỉ sau 3 phút xe đã bắt đầu lên đường. Tuy nhiên, nhiều kíp gặp trở ngại khi vào giờ cao điểm đông phương tiện, khoảng cách điểm đến so với trạm, đồng thời người dân khi vào tình huống cấp cứu thường tâm lý quá lo lắng, bức xúc nên rất khó thông cảm trong khi các vụ cấp cứu nặng như tai nạn... chỉ tính bằng phút. Như vụ tai nạn tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính mà báo chí đưa tin. Hôm đó, chúng tôi đã tiếp nhận 3 cuộc gọi từ 3 số máy khác nhau báo tai nạn. Trong quá trình di chuyển vẫn liên tục liên lạc với các số máy trên để nắm tình hình. Xe lên đường đi được một đoạn lại có số máy thông báo nạn nhân đã được xe taxi chuyển đi BV rồi. Trong những trường hợp như vậy, Trung tâm đành phải thông báo anh em quay xe về mặc dù đã đi nửa đường.

PV: Vậy TTCC 115 có giải pháp nào để khắc phục?

Ông Nguyễn Văn Chánh: Trước mắt, chúng tôi tăng cường khả năng tư vấn của nhân viên trực điện thoại để có thể nhanh chóng nắm tình hình và hướng dẫn người dân sơ cứu tức thời, đối phó với tình hình. Các BV khu vực cũng thành lập những tổ CC 115 trên địa bàn, nhưng sự kết nối để điều hành chung hiện nay còn thấp. TTCC 115 khu vực Hà Nội đang tích cực hoàn chỉnh hệ thống kết nối với các BV khu vực để đảm bảo việc đáp ứng yêu cầu người dân ở mức cao nhất.

PV: Qua nhiều năm làm công tác cấp cứu, ông có lưu ý gì với người dân trong việc đảm bảo sức khỏe, phòng tránh tai nạn vào dịp Tết?

Ông Nguyễn Văn Chánh: Ở miền Bắc, dịp Tết thường có rét đậm, rét hại. Những người vốn có vấn đề về sức khỏe, người cao tuổi cần hết sức lưu ý, cẩn trọng, cố gắng giữ ấm đảm bảo nhiệt độ cơ thể ổn định, khi ra ngoài đề phòng tránh gió lùa, hạn chế vận động mạnh. Thực phẩm trong các gia đình dịp Tết thường giữ lâu, cần lưu ý nguồn gốc, cách sơ chế, bảo quản, những người “bụng dạ yếu” không nên ăn các món lạ, món lạnh. Đặc biệt,  người dân cần hạn chế lạm dụng bia, rượu quá chén. Tuyệt đối không ra đường, lái xe khi đã uống rượu, bia. Cuối cùng, nếu cần hãy gọi tới 115 để được tư vấn và xử trí kịp thời.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Dương (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn