Trung Quốc và âm mưu độc chiếm biển Đông

20-08-2019 10:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Việc Trung Quốc vưa đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trở lại trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam là bước đi mới nhất trong chiến lược từng bước độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc dự tính từ lâu, nhằm mục tiêu kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong “Đường lưỡi bò”.

Mục tiêu "độc chiếm biển Đông"

Đi ngược lại lịch sử để có thể thấy rõ được điều này. Vào năm 1956, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đến năm 1974 thì chiếm toàn bộ quần đảo này. Đến năm 1988, Trung Quốc chiếm thêm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam

Sau đó, Trung Quốc nhanh chóng biến cãi bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp 7 bãi đá họ chiếm đóng của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa), trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000m. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể – đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập.

Từ năm 2017, Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông. Theo đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.

Đi liền với hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc còn ngăn cản Việt Nam với các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ ngang nhiên coi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác như của mình, mà điển hình là vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan 981 trong vùng EEZ của Việt Nam hồi năm 2014.

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trở lại trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam là bước đi mới nhất nhằm áp đặt trên thực tế “Đường lưỡi bò” bất hợp pháp trên Biển Đông. Theo đó, dần dà, Trung Quốc lân la chiếm toàn bộ các đảo trong vùng biển này (bao gồm 4 quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa theo cách gọi của Trung Quốc), đồng thời mong muốn nắm chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ tài nguyên trong khu vực biển này theo “Đường chữ U”, bên cạnh đó là quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển.

Những hành động trên của Trung Quốc được kể tên là những kế sách “biến không thành có”, “tằm ăn dâu”, “cây gậy và củ cà rốt”…mà nước này đang áp dụng với các nước có tranh chấp trong vấn đề Biển Đông. Tất cả những kế sách đó đều nhằm mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là “Độc chiếm Biển Đông”.

"Quyền lịch sử vô lý"

Vậy Trung Quốc dựa vào cơ sở pháp lý nào để khẳng định khu vực các bãi cạn, trong đó có Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân, mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động là thuộc chủ quyền của Trung Quốc?

Từ góc độ địa lý, khu vực trên nằm cách đường cơ sở thẳng (dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa) mà Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý. Theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) mà Trung Quốc và Việt Nam đều tham gia ký kết, khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó, khu vực này nằm cách xa lục địa Trung Quốc tới trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. Việc Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK tại khu vực này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo UNCLOS.

Việc Trung Quốc lập luận khu vực Nam Biển Đông thuộc “Đường 9 đoạn” - “Đường chữ U”, nên nước này có thể đưa ra yêu sách chủ quyền dựa trên “quyền lịch sử” trên vùng biển này thì Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rất rõ ràng từ tháng 6/2016. Theo Tòa Trọng tài, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “Đường 9 đoạn”.

Căn cứ thứ hai để Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với vùng biển này là coi đây là vùng biển phụ cận của “Quần đảo Nam Sa”, tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm đóng trái phép trên một số đảo đá. Tuy nhiên, theo phán quyết của Tòa Trọng tài, tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Như vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, nơi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã xâm phạm trái phép hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Việt Nam kiên quyết bảo về chủ quyền biển đảo

Có thể thấy vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường, chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo là hết sức quan trọng. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Biện pháp thì theo Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế”.

Bằng nhiều cách, nhiều kênh, Việt Nam khẳng định quan điểm đàm phán song phương với Trung Quốc về Hoàng Sa và đa phương cùng Trung Quốc và các nước, các bên liên quan về Trường Sa và các vấn đề khác ở Biển Đông. Việt Nam coi Trung Quốc và ASEAN là những đối tác hợp tác quan trọng trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột. Phương hướng đó sẽ tiếp tục được Việt Nam thực hiện khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao sự minh bạch trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, luôn giữ thái độ hợp tác khi xuất hiện những mâu thuẫn, kiên trì giáo dục và bảo vệ ngư dân bám biển, luôn sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân thiên tai và biến cố môi trường không phân biệt quốc tịch, theo đúng tinh thần của DOC 2002. Việt Nam tin tưởng rằng, việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong đàm phán sẽ giúp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và hiệu quả.


H.A
Ý kiến của bạn