Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Lục Khảng cho biết, Trung Quốc “đã làm rõ” với các nhà ngoại giao G7 về nội dung Tuyên bố chung mà Hội nghị Ngoại trưởng G7 công bố hôm thứ hai. Trước đó, ông Lục Khảng đã bảo vệ hành động cải tạo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam) đồng thời cảnh báo G7 “không nên đi quá nội dung thảo luận trọng tâm” mà nhóm này đề ra. “Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 có một số điểm không chính xác”, ông Lục Khảng nói với các phóng viên. Tuyên bố của Trung Quốc cho biết thêm, G7 nên tập trung vào quản trị kinh tế toàn cầu và hợp tác thay vì thổi phồng và khiêu khích các vấn đề.
Các hòn đảo trên biển Hoa Đông là điểm nóng tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Trước đó, hãng tin AP, RT, BBC đồng loạt đưa tin Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản và các đại sứ khác của G7 để cảnh cáo. Tuyên bố của các ngoại trưởng G7 hôm thứ hai nhấn mạnh G7 phản đối mạnh mẽ cho bất kỳ “đe dọa, cưỡng chế hoặc các hành động đơn phương khiêu khích có thể làm thay đổi tình trạng hiện tại và gia tăng căng thẳng”. Tuy không nêu thẳng tên Trung Quốc trong Tuyên bố nhưng Ngoại trưởng các nước G7 kêu gọi các quốc gia “ngưng các hoạt động như cải tạo đảo” và xây dựng các tiền đồn “vì mục đích quân sự” có thể mạo hiểm sự ổn định hoặc thay đổi tình trạng khu vực.
Giới phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn nhóm G7 đi quá xa trong việc chỉ trích các hành động của Trung Quốc, mà Bắc Kinh cho rằng sẽ không có lợi cho mình. Thứ 2, đây là một động thái cảnh báo rằng các nước không có liên quan tới tranh chấp biển Đông, biển Hoa Đông “không nên vô cớ chĩa mùi dùi vào Trung Quốc”. Thứ ba, Trung Quốc muốn phòng xa, không muốn kịch bản này tái diễn tại Hội nghị G7 ở Nhật Bản vào cuối tháng 5 cũng như Hội nghị cấp cao G20 tại Trung Quốc đầu tháng 9 tới. “Chúng tôi hy vọng G7 có thể noi theo G20 và tập trung vào các chủ đề kinh tế, phát triển đang được thế giới quan tâm”, ông Vương Nghị nói. “Nếu quốc gia nào đó, vì mục đích chính trị, mang các vấn đề như tranh cãi trong quá khứ hay tranh chấp lãnh thổ vào Hội nghị G20, thì sẽ có thể tác động đến tình hình khu vực”.
Hãng tin Reuters cho rằng, Trung Quốc đang lo ngại vì Hội nghị G7 tháng tới ở Nhật Bản sẽ tiếp tục nêu vấn đề an ninh hàng hải như một mũi dùi công kích Trung Quốc. Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Đức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: Trung Quốc muốn đưa ra những đề nghị về tăng trưởng kinh tế toàn cầu tại Hội nghị G20, thay vì những nội dung khác.
Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền bao trùm khu vực biển Đông, nơi được cho rằng có trữ lượng lớn dầu và khí đốt. Tuy nhiên, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền một phần biển Đông. Trung Quốc cũng có tranh chấp riêng với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Từ cuối năm 2013 tới tháng 10/2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 12km2 đất đai trên 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Trung Quốc đã đắp đất cát lên các bãi đá, phá hủy các rạn san hô bên dưới. Ngoài ra, các tàu hút bùn còn khuấy động bùn cát, gây tổn hại các mô san hô và ngăn cản ánh sáng mặt trời - nguồn sống của các rạn san hô hình thành nên bãi đá. Cát và sỏi đá bồi đắp còn làm cá chết hoặc xua đuổi các sinh vật biển ra khỏi các rạn san hô, gây tổn thương môi trường sống lành mạnh của các loài hải sản tại các khu vực ven biển.
Theo báo cáo ngày 12/4 của Ủy ban Đánh giá an ninh kinh tế Mỹ-Trung vừa được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, hoạt động của Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo ở biển Đông có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực, đồng thời vi phạm Luật Quốc tế về bảo vệ môi trường.
(Theo BBC, JapanTimes, ABCnews)