Giới đầu tư nước ngoài và lãnh đạo chính trị e ngại nền kinh tế thứ hai của thế giới hạ cánh thô bạo sau nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang suy yếu: Từ thị trường chứng khoán lao dốc, tăng trưởng chờ đợi dưới 7%, tệ nhất từ 1/4 thế kỷ nay cho đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trầy trật, xuất khẩu giảm 8,3% vào tháng 7...

Trung Quốc mất sức cạnh tranh với tư cách là xưởng gia công của thế giới.
Nguyên nhân làm Trung Quốc mất sức cạnh tranh “với tư cách là xưởng gia công” của thế giới: nhân công đắt đỏ hơn, đồng nhân dân tệ mạnh, năng suất kém khiến cho sản phẩm giá thấp của Trung Quốc không cạnh tranh được với các các quốc gia Đông Nam Á hay châu Phi. Chính quyền đã can thiệp và ngăn chặn được đà tuột dốc, nước này đứng trước một vấn đề nan giải gây khó khăn, đó là việc các tập đoàn Nhà nước nắm độc quyền vẫn giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi, cải tổ gì cả.
Kinh tế Trung Quốc chậm dần sẽ khiến nhu cầu về nguyên liệu giảm đi, nhập khẩu Trung Quốc giảm khiến đầu tư thay đổi cũng như quy trình sản xuất quốc tế. Kinh tế Trung Quốc hạ cánh nhẹ nhàng thì các nước phát triển cũng như trỗi dậy có thể rút tỉa được lợi, nhưng nếu hạ cánh thô bạo thì sẽ gây suy thoái toàn cầu, các đối tác yếu của Trung Quốc sẽ bị đè bẹp. Việc nền kinh tế khổng lồ châu Á bị chựng lại sẽ còn kéo dài và những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu. Cổ phiếu sụt giá chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Hậu quả đối với nền kinh tế thế giới sẽ như thế nào? Nếu Trung Quốc suy sụp nặng nề cùng với bùng nổ bong bóng nợ nần của các doanh nghiệp, thương mại thế giới sẽ khựng lại hẳn, đầu tư giảm. Còn ngược lại, nếu quá trình này diễn ra từ từ, được điều khiển đúng đắn, thì tác động sẽ nhẹ nhàng hơn.
Ảnh hưởng đối với các nước sẽ không giống nhau. Bị thiệt thòi nhiều nhất là các quốc gia cung cấp nguyên vật liệu. Để phục vụ nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ, Bắc Kinh đã “nuốt chửng” đến 51% lượng tiêu thụ trên thế giới về than đá, 50% lượng đồng và 11% nhu cầu dầu lửa toàn cầu trong những năm gần đây. Brazil là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, rồi đến Australia và các nước vùng Vịnh. Kịch bản tệ hại nhất là khi sự suy sụp của kinh tế Trung Quốc đi kèm với việc Mỹ tăng lãi suất có thể diễn ra vào cuối năm nay, khiến vốn đầu tư chảy về New York và Washington. Ngược lại, việc giá nguyên vật liệu giảm làm các nước tiêu thụ hưởng lợi, tức hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa.
Điều còn lại là việc giảm giá này có bù đắp được xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hay không. Câu trả lời là “không” đối với các đối tác châu Á gần gũi nhất của Bắc Kinh: Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, mà giá trị xuất khẩu trên GDP lần lượt là 10,1%, 16,7% và 4,2%. Khu vực đồng euro và Mỹ ít bị thiệt hại nhất, vì xuất khẩu sang Bắc Kinh chỉ chiếm 1,5% và 0,7% GDP. Theo Insee, nếu nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm 3 điểm mỗi năm tương đương với Pháp mất đi tối đa 0,1 điểm GDP. Tương tự đối với Đức, cho dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của nước này.
(Theo Bloomberg, Le Monde)
Quỳnh Diệp