Trung Quốc sắp đón thế hệ công dân “tóc vàng, mắt xanh”?

23-12-2019 06:05 | Quốc tế
google news

SKĐS - Lật đi lật lại để ngắm nhìn vô vàn những bức hình trẻ em trong quyển album, Xiaogunzhu rất thích thú với bức hình một cậu bé người Anh gốc Ai Len có đôi mắt cười màu xanh biển thẫm.

Thế nhưng, cô lại chưa ưng ý lắm với phần chú thích nguồn gốc gia đình, vậy nên công cuộc tìm kiếm, ngắm nhìn lại tiếp tục.

Cần con không cần chồng

Xiaogunzhu năm nay 39 tuổi, là một trong ngày càng nhiều những phụ nữ Trung Quốc độc thân muốn sinh con nhưng không cưới chồng. Do vậy, Xiaogunzhu chọn cách “mua” tinh trùng của những người hiến tặng.

Các bà mẹ đơn thân Trung Quốc có thể “tham khảo” hình ảnh của đứa con tương lai qua các hình ảnh giới thiệu.

Các bà mẹ đơn thân Trung Quốc có thể “tham khảo” hình ảnh của đứa con tương lai qua các hình ảnh giới thiệu.

Tuy nhiên, phụ nữ chưa kết hôn ở Trung Quốc vốn bị cấm tiếp cận với ngân hàng tinh trùng và điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nên buộc họ phải tìm kiếm từ nguồn nước ngoài. Họ được “chọn mua” những nguồn tinh trùng theo sở thích của mình: gốc Á, gốc Âu, gốc Phi...., mắt xanh, tóc vàng, tóc nâu, da trắng, da màu...

Xiaogunzhu sau khi chọn được người hiến tặng tinh trùng số 14471 trên một website ngân hàng tinh trùng ở California (Mỹ) đã bay thẳng đến Mỹ để thực hiện những vòng điều trị thụ tinh ống nghiệm đầu tiên. Xiaogunzhu (dùng tên giả để tránh những sự chú ý tiêu cực) cho hay: “Có rất  nhiều phụ nữ không muốn kết hôn, vì vậy, họ không thể hoàn thành nhiệm vụ sinh học cơ bản này. Nhưng một con đường đang mở ra”.

Con của Xiaogunzhu nay đã 9 tháng tuổi, được đặt tên là Oscar - theo tên nhân vật trong một bộ phim hoạt hình kể về cuộc cách mạng Pháp như một cách nhắc nhở gốc gác của mình.

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc trong vòng 5 năm qua suy giảm rất mạnh. Theo thống kê chính thức, chỉ có 7,2 người/1.000 người kết hôn vào năm ngoái. Tại Trung Quốc, phụ nữ học cao phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi tìm kiếm người phối ngẫu bởi các đối tác nam của họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận thành tựu kinh tế hoặc giáo dục cao hơn của họ - nhà xã hội học Sandy To cho biết. Nhiều phụ nữ cảm thấy quá khó hoặc thậm chí còn không muốn tìm kiếm bạn đời, nhưng họ lại khao khát được sinh con.

Xiaogunzhu nói rằng cô cảm thấy việc có một người cha là không cần thiết và dẫn ví dụ về chính người cha ruột của mình - thường xuyên kiểm soát và nóng giận khiến Xiaogunzhu thực sự không muốn lấy chồng.

Bà mẹ đơn thân Xiaogunzhu khoe ảnh “con lai” của mình.

Bà mẹ đơn thân Xiaogunzhu khoe ảnh “con lai” của mình.

Bùng nổ nhu cầu, bất chấp chi phí đắt đỏ

Các nhà phân tích dự đoán rằng thị trường dịch vụ sinh sản tại Trung Quốc vào năm 2022 sẽ đạt mức 1,5 tỷ USD (cao gấp đôi so với năm 2016). Và nhu cầu sinh nở ở nước ngoài của người Trung Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ. Ngân hàng tinh trùng và trứng Cryos International của Đan Mạch đã tạo ra một website tiếng Trung Quốc và tuyển mộ thêm nhân viên nói tiếng Trung Quốc. Còn các ngân hàng tinh trùng tại Mỹ và châu Âu cho hay đang tiếp nhận ngày càng nhiều khách hàng là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, thụ tinh nhân tạo ở nước ngoài  là hành trình đầy gian nan và đắt đỏ bởi luật pháp Trung Quốc cấm nhập khẩu tinh trùng, vì vậy, phụ nữ nước này phải ra nước ngoài để hoàn thành các thủ tục y tế. Chi phí thụ tinh nhân tạo trên thế giới là từ 200 nghìn nhân dân tệ (28.500 USD) - một cái giá “trên trời” đối với mức thu nhập của nhiều người. Trong khi đó, các bà mẹ đơn thân Trung Quốc phải đối mặt với sự dị nghị và phân biệt đối xử bởi nền văn hóa châu Á vẫn coi trọng hôn nhân.

Thế hệ công dân “con lai” Trung Quốc trong tương lai

Peter Reeslev - CEO của Cryos International tiết lộ, phụ nữ Trung Quốc có xu hướng lựa chọn những người hiến tinh trùng da trắng. Ông cho biết, các ngân hàng tinh trùng bên ngoài Trung Quốc cũng khan hiếm người hiến đến từ Trung Quốc. Riêng Cryos chỉ có khoảng 9 người Trung Quốc trên tổng số 900 người hiến tinh trùng. Ngân hàng California Cryobank của Mỹ có khoảng 70 người hiến tinh trùng đến từ Trung Quốc trên tổng số 500 người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phụ nữ vẫn có xu hướng ưa chuộng con lai dù người hiến tinh trùng Trung Quốc nhiều hay ít.

“Trước khi lựa chọn người hiến tinh trùng, tôi chưa từng xem xét một chủng tộc cụ thể nói”, Carrie - một bà mẹ đơn thân Trung Quốc chọn tinh trùng người nước ngoài khẳng định. Nhưng sau khi xem danh mục, cô nhận thấy mình thích các đặc điểm thể chất của người nước ngoài hơn. Carrie hiện có 2 đứa trẻ lai Đan Mạch.

Đối với Oscar, Ziaogunzhu khẳng định tính cách là yếu tố quyết định lựa chọn của cô. Người hiến tinh trùng được mô tả là “luôn vui vẻ”. Nhưng trên Weibo của Ziaogunzhu, những hình ảnh của Oscar kèm hashtag “đứa trẻ lai” nhận được nhiều ngưỡng mộ. “Tôi không quan tâm đến màu da. Nhưng tôi thích đôi mắt to và đức tính tốt”, bà mẹ đơn thân này chia sẻ.


H.A
Ý kiến của bạn