Nếu tính tổng số mũi vắc-xin được tiêm trên toàn thế giới là khoảng 2,5 tỷ mũi tiêm thì Trung Quốc chiếm 40%, gấp 3 lần so với Mỹ.
Theo hãng tin CNN, con số trên càng được chú ý hơn khi Trung Quốc bắt đầu chương trình tiêm chủng muộn và chậm chạp. Ngày 27/3, Trung Quốc mới tiêm được 1 triệu liều đầu tiên – chậm hơn Mỹ 2 tuần. Nhưng tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể vào tháng 5 với hơn 500 triệu mũi tiêm chỉ trong 1 tháng qua.
Theo dữ liệu từ Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, chỉ riêng trong 1 ngày Trung Quốc đã tiêm hơn 20 triệu mũi. Chính vì vậy đến ngày 18/6 này, Trung Quốc đã vượt 990 triệu mũi tiêm, việc tiêm 1 triệu mũi vắc-xin đang ở rất gần.
Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm chủng ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho 1,4 tỷ dân không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhờ Trung Quốc thành công trong kiềm chế dịch bệnh mà nhiều người dân ban đầu không cảm thấy cần thiết đi tiêm ngay.
Tuy nhiên, sau các đợt bùng phát gần đây, nhiều người tại các khu vực bị ảnh hưởng như An Huy và Liêu Ninh sợ lây nhiễm và đã đổ xô đi tiêm.
Trung Quốc thực hiện chiến dịch tổng lực “tiêm cho tất cả những ai có thể tiêm” khắp đất nước, từ thành phố lớn tới làng mạc nhỏ.
Dù Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không đưa ra con số thống kê về số người đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng theo các dữ liệu cho thấy sự phân bố không đồng đều của vắc xin. Vào tuần đầu tiên của tháng 6, ở các thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải, số người đã tiêm chủng đầy đủ tương ứng với gần 70% và 50% người dân. Tỷ lệ này ở các tỉnh Quảng Đông và Sơn Đông vẫn dưới 20%, theo tin Reuters.
Ông Zhong Nanshan, nhà dịch tễ học hàng đầu và cố vấn chính phủ, cho biết, Trung Quốc đang đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số vào cuối tháng và tăng gấp đôi tỷ lệ này vào cuối năm.
Đến nay, do dân số quá đông, nên số liều vắc-xin trên 100 người của Trung Quốc vẫn đứng sau các nước như Mỹ và Anh. Nhưng với tốc độ này, Trung Quốc có thể sẽ sớm bắt kịp tốc độ của các nước khác.