Trung Quốc săn chất xám công nghệ cao

15-11-2014 06:00 | Quốc tế

SKĐS - Một mặt trận công nghệ mới đã mở ra tại Trung Quốc. Ông chủ của các tập đoàn công nghệ cao và mạng internet không ngần ngại thu hút những bộ óc uyên thâm đang làm việc cho những đối thủ Mỹ.

Một mặt trận công nghệ mới đã mở ra tại Trung Quốc. Ông chủ của các tập đoàn công nghệ cao và mạng internet không ngần ngại thu hút những bộ óc uyên thâm đang làm việc cho những đối thủ Mỹ.

Công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google của Mỹ, gần đây đã “săn” được ba nhân vật quan trọng: một tiến sĩ người Anh đứng đầu dự án Google Brain và hai người Trung Quốc, một người từng làm việc cho Facebook và người kia là cựu Giám đốc Nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á. Một số lý do giải thích tại sao các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc có thể thu hút được những kỹ sư hay nhà khoa học nổi tiếng. Lý do đầu tiên khiến họ quyết định về đầu quân tại Trung Quốc là chế độ lương bổng. Với vốn trên thị trường khoảng 72 tỉ USD của Baidu hay khoảng 215 tỉ USD của nhà thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trả lương hào phóng cho các “tân binh” của họ. Ngoài lý do trên, điều kiện cơ sở hạ tầng cũng là một trong những yếu tố quyết định, như mạng lưới dữ liệu khổng lồ và đội ngũ hàng nghìn kỹ sư. Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, một mặt trận mới đã được mở ra tại Trung Quốc với tương lai phát triển sáng lạn. Cụ thể, nếu như quốc gia này có thể đi chậm hơn Mỹ về mặt công nghệ, nhưng ở một số lĩnh vực, người Trung Quốc vượt trội hơn các nước phương Tây.

Thung lũng Silicon của Trung Quốc đang thôn tính nhân sự Mỹ.

Hãy xem một số dẫn chứng để minh họa cho sự vượt trội này. Thứ nhất, dẫn lại lời của kỹ sư người Anh mới đầu quân cho Baidu, phương pháp nghiên cứu hình ảnh tại Trung Quốc tiến bộ hơn nhiều so với những đối thủ cạnh tranh của họ. Đây chính là trường hợp của ứng dụng chat WeChat do Tencent phát triển, cho phép ghi âm lại lời nhắn, do tại Trung Quốc không có dịch vụ hộp tin thoại khi người nghe không nhấc máy như tại các nước phương Tây. Đây có lẽ là lý do chính giải thích sự thất bại của các ứng dụng như Facebook, Twitter, hay YouTube tại đất nước đông dân nhất này, thay vì lý do kiểm duyệt mà các tập đoàn phương Tây luôn lên án.

Dẫn chứng thứ hai, chính là khả năng tìm ra được một cải cách mới có ích. Như hình ảnh của Mã Vân (Jack Ma), ông chủ của Alibaba hay trường hợp tập đoàn Xiaomi. Dù chỉ đưa ra thị trường điện thoại thông minh cách đây ba năm, nhưng ngay mùa hè năm đó, Xiaomi đã trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ với mỗi thị phần tại Trung Quốc.

Thành công của họ nhờ vào chiến lược mẫu mã đẹp nhưng bán với giá rẻ và cách marketing theo kiểu hết hàng như của Apple. Nhà cựu phụ trách về phát triển Android tại Google, hiện đang phụ trách mảng phát triển Xiaomi ra nước ngoài, có lời giải thích cho sự thành công của Xiaomi. Theo ông, đó chính là nhờ môi trường làm việc của tập đoàn Trung Quốc, được pha trộn giữa tinh hoa của thung lũng Silicon với sự cạnh tranh và năng suất của các tập đoàn internet Trung Quốc. Tại các tập đoàn tin học lớn, như Baidu, không có chính sách cụ thể với mục đích thu hút các nhân tài của thung lũng Silicon, mà tham vọng hơn chính là những người giỏi nhất trên toàn thế giới. Các nhà tuyển dụng khá ngạc nhiên khi rất nhiều kỹ sư nhiệt tình gia nhập đội ngũ của họ một cách dễ dàng.

Ðể phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ với trên 20 quốc gia trên thế giới. Chính nhờ mối quan hệ này mà nghiên cứu công nghệ cao của Trung Quốc đã trở thành một phần của R&D toàn cầu. Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong vòng một thập kỷ; đã có trên 862 ngàn cán bộ nghiên cứu khoa học, vượt xa Nhật Bản (chỉ sau Mỹ). Hiện nay, cứ 5 nhà nghiên cứu ở Mỹ thì có 3 là người Trung Quốc và theo dự báo cuối thế kỷ này, số lượng tiến sĩ khoa học kỹ thuật sẽ vượt Mỹ. Bằng những giải pháp tích cực, thiết thực trong tổ chức thực hiện, Trung Quốc đã thu hẹp được khoảng cách tổng thể về công nghệ so với các nước phát triển (60% số công nghệ bắt đầu từ điểm xuất phát đã đạt hoặc gần bằng trình độ thế giới, có 11% được đánh giá ở mức độ tiên tiến).

Trung Quốc đã thành công trong xử lý song song trên quy mô lớn và các thế hệ máy tính tốc độ cao, tạo nền tảng cạnh tranh vững chắc cho sản phẩm công nghiệp trên thị trường toàn cầu. Trao đổi kỹ thuật số của Trung Quốc đã chiếm lĩnh trên 7,5% thị phần thế giới; hệ thống ghép kênh quang học theo bước sóng (WDM) có bộ khuếch đại ánh sáng trực tuyến đã đưa Trung Quốc trở thành nước có vị trí hàng đầu về các hệ thống truyền WDM tốc độ cao. Hệ thống tích hợp máy tính (CIMS), như một mô hình cải cách nền tảng công nghiệp, mang ý nghĩa to lớn để Trung Quốc chuyển sang mô hình phát triển dựa vào CNC. Cùng với CIMS, thành công trong việc chế tạo robot thăm dò địa tầng đáy biển ở độ sâu 6.000m, đã đem lại những tư liệu có giá trị về sự phong phú của khoáng sản dưới đại dương.

(Theo Chinadaily, Le Monde)

Lê Sơn

 

 


Ý kiến của bạn