Trung Quốc ra đòn với các công ty nước ngoài

22-08-2014 08:00 | Quốc tế

SKĐS - Các công ty ngoại quốc từ lâu là biểu tượng của xu hướng toàn cầu hóa tại Trung Quốc và đã góp phần vào sự cất cánh thần kỳ của con rồng châu Á đang ngủ.

Các công ty ngoại quốc từ lâu là biểu tượng của xu hướng toàn cầu hóa tại Trung Quốc và đã góp phần vào sự cất cánh thần kỳ của con rồng châu Á đang ngủ. Các tập đoàn đã ào ạt đầu tư vào Trung Quốc từ những thập niên 1980 nhưng giờ đây, họ đã bị ra rìa và rơi vào vòng điều tra của Bắc Kinh.

Các tên tuổi lớn Tây phương, từ công nghiệp sản xuất ôtô đến ngành dược phẩm hay công nghệ cao đều lần lượt bị Bắc Kinh làm mất mặt. Một thám tử tư của Tập đoàn dược phẩm GSK (GlaxoSmithKline) bị kết án 2 năm rưỡi tù bởi bị nghi vấn làm gián điệp, trong khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s bị bắt quả tang dùng thịt ôi làm bánh hamburger. Hai tập đoàn lớn của làng công nghệ Hoa Kỳ là Microsoft và Qualcomm bị một nhóm thanh tra ập đến để điều tra về chống độc quyền. Nghiêm trọng hơn, tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới mà các nhà sản xuất Đức đứng đầu trên thị trường Trung Quốc cũng bị rơi vào tầm ngắm của chiến dịch “bàn tay sạch”. 1.000 công ty trong lĩnh vực này bị Bắc Kinh điều tra về hành vi độc quyền.

1.000 công ty trong lĩnh vực xe hơi bị Bắc Kinh điều tra.

1.000 công ty trong lĩnh vực xe hơi bị Bắc Kinh điều tra.

Ngày 20/8, chính quyền Trung Quốc tuyên bố phạt 10 công ty sản xuất phụ tùng xe hơi Nhật Bản hơn 200 triệu USD vì vi phạm Luật chống độc quyền. Theo Đài truyền hình CCTV, đây là mức phạt nặng nề nhất đối với hành vi vi phạm luật chống độc quyền từ trước đến nay tại Trung Quốc. Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) cho biết, 10 công ty này đã bắt tay nhau để thao túng giá trong hơn 10 năm qua. Tổng cộng các công ty Nhật phải nộp phạt 1,24 tỉ NDT, tương đương 201 triệu USD. “Các công ty vi phạm đã thao túng giá phụ tùng và xe hơi, ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty lắp ráp và người tiêu dùng” - NDRC nhấn mạnh.Sumitomo Electric là công ty bị phạt nặng nhất tới 47,2 triệu USD. Các công ty khác bị phạt là Denso, Aisan, Mitsubishi Electric, Mitsuba, Yazaki, Furukawa Electric... NDRC cho biết, các công ty trên đều cam kết điều chỉnh lại chính sách bán hàng và tuân thủ luật Trung Quốc. Trước đó, NDRC đã điều tra hai đại gia xe hơi là Audi và Chrysler.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng Luật chống độc quyền để tấn công các công ty nước ngoài, trong khi để các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc tha hồ thao túng thị trường. Ở hậu trường, các công ty này lên án hành vi của Bắc Kinh là “dọa nạt”. Stefan Sacks - Phó Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Trong một đất nước pháp quyền, bị cáo được phép bào chữa. Nhưng các nhà điều tra đã khuyên một số thành viên của chúng tôi không nên mang luật sư theo”.

Người ta đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là cuộc thập tự chinh nhằm chống lại các hãng nước ngoài? Chính quyền tự bào chữa là không hề có hành vi “kỳ thị” khi tung ra chiến dịch này và hứa hẹn sẽ lôi ra những con “cá lớn” nội địa để chứng tỏ thiện chí của chính quyền. Vô Dự (Mei Yu) - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu hợp tác thuộc Bộ Thương mại nhận định: “Từ lâu, một số công ty nước ngoài thao túng giá cả nhưng chính quyền không có biện pháp để bài trừ. Từ khi luật chống độc quyền ra đời năm 2008, chính quyền đã biết nên tiến hành điều tra như thế nào. Mục đích của chúng tôi không phải để phá ngầm các công ty ngoại quốc mà để thiết lập các quy tắc thị trường bền vững”.

Trên thực tế, làn sóng tấn công vào các công ty ngoại quốc diễn ra trong chiến lược kinh tế Trung Quốc nhằm chấm dứt thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn này. Chiến dịch này đáp ứng được mục tiêu của Bắc Kinh là kích thích năng suất của các công ty nội địa, đồng thời cải thiện sức mua của các tầng lớp trung lưu mới, bảo đảm ổn định cho xã hội.

Đại diện một tập đoàn dược phẩm châu Âu nhận định: “Các cuộc điều tra này là một đòn cảnh cáo để nói rằng: chúng tôi sẽ tôn vinh các công ty nội địa”. Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng nhìn thấy, Bắc Kinh sẽ không động đến những lĩnh vực mà công nghệ phương Tây vượt bậc, hiện bỏ xa Trung Quốc như ngành hàng không. Theo ông Sack - Phó Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, các công ty quốc tế sẽ dè dặt hơn khi đầu tư vào Trung Quốc. Một số có ý định ra đi, nhưng “đó không phải là quyết định dễ dàng vì Trung Quốc là thị trường số một thế giới”, theo nhận định của chuyên gia Trung Quốc.

(Theo Le Figaro, CCTV)

Phạm Quỳnh

 


Ý kiến của bạn