Trong những ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc huy động hàng trăm tàu, trong đó có cả tàu quân sự và máy bay, thường xuyên gây hấn với lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Trần Đăng Khoa, người được coi là rất gắn bó với biển đảo, trong tư cách là một người lính biển và anh cũng là một trong số những người có nhiều thơ, truyện ký về biển đảo.
- Tôi biết nhà thơ Trần Đăng Khoa trước đây đã từng gắn bó với biển đảo, trong tư cách là người lính và là một trong số những người có nhiều thơ về biển đảo?
- Nhập ngũ năm 1975, sau khi tham gia hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 10/1979 và biên giới phía Bắc, tôi đã có mặt tại Trường Sa cho đến 1982 và được kết nạp Đảng trong những ngày ở Trường Sa. Đầu năm 1983, tôi được về đất liền, vào học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, sau đấy đi Liên Xô học ở Học viện Goorky...
Tôi có khoảng trên 35 bài viết về biển đảo. Trong số đó có tới 12 bài được các nhạc sĩ phổ nhạc, chẳng hạn như: Thơ tình người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Tình ca trên đảo, Chim Sơn ca trên đảo,... Riêng bài Thơ tình người lính biển có đến bốn nhạc sĩ phổ nhạc.

- Anh thích nhất bản phổ nào?
- Mỗi nhạc sĩ phổ có cái hay của nó. Cả bốn bản đều hay cả. Tuy nhiên bản phổ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhiều người biết hơn cả.
- Ngoài thơ ra, anh còn có những tác phẩm văn xuôi nào về biển đảo?
- Đảo chìm là một tiểu thuyết mini, cũng có thể coi là một tập truyện ký gồm 16 truyện viết về cuộc sống của những người lính đang ngày đêm, lao động, rèn luyện và chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Cuốn sách được viết năm 2000 và đến nay đã tái bản tới 27 lần. Tác phẩm cũng đã được Điện ảnh Quân đội Nhân dân chuyển thành phim.
Trước đây trong những lần trò chuyện với báo giới và bạn bè, tôi đã nói, Đảo chìm thực tình là cuốn truyện kể về người thật việc thật. Truyện đã có sẵn ở trong đời sống. Nhân vật đều là người thật. Nhiều người hiện vẫn đang còn sống. Khi đời sống tự nó đã là một vẻ đẹp rồi thì người viết không cần phải thêm thắt, hư cấu. Tôi chỉ có một cố gắng nhỏ, là vun vén lại cho gọn, kể sao cho thật hấp dẫn...
Tôi rất mừng là cuốn sách cũng được bạn đọc ưu ái để mắt đến. Chỉ sau hơn hai tháng ra đời, cuốn sách đã được nối bản. Trong lần in thứ hai ở Nhà Xuất bản Thanh niên, tôi có chỉnh một số chữ và chi tiết theo sự góp ý của bạn đọc mà tôi thấy đúng. Tôi cũng bổ sung thêm vài truyện cực ngắn và in thêm ảnh tư liệu, ảnh các nhân vật trong truyện, cả ảnh hạ sĩ Trần Văn Hai, một anh chàng quanh năm cởi truồng, lính gọi là thi sĩ Hai ùm. Trong ảnh là chàng Hai ùm tập bơi cho cô nàng An Ta Ra Mê Na, là tên một con lợn được lính ta tây hóa. Bức ảnh rất hiếm hoi này đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Đức Do chớp được, khi anh có dịp ghé qua xứ đảo chìm...
- Tôi được biết Đảo chìm của anh được các nhà văn có tên tuổi đánh giá rất cao. Nhà văn Lê Lựu gọi anh là “thần bút”. Còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến thì nhận xét: “Tôi đã đọc Đảo chìm liền một mạch và không nhận thấy bất kỳ khiếm khuyết nào trong tập sách này”. Theo anh thế nào?
- Các bác ấy nói vui vậy thôi. Thế nhưng có một sự thật không chối cãi được, đấy là những câu chuyện có thật của những người lính đảo ở Trường Sa mà tôi đã từng chung sống cùng với họ, hàng ngày mục sở thị rồi kể lại theo cách riêng của mình. Thế thôi.
- Thế còn thể ký, anh cũng có thế mạnh ở thể loại này cơ mà?
- Tôi đang cho in một tập sách mới, trong đó bao gồm cả thơ, tiểu thuyết và ký. Tập sách lấy tên chung là Trường Sa.
*
- Tạm gác lại chuyện văn chương hẹn anh vào một dịp khác, khi tập sách mới in xong. Anh có thể cho biết cảm nghĩ của mình về việc Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam và sử dụng nhiều loại tàu phun vòi rồng, sẵn sàng đâm va, chèn ép các tàu của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và người dân đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống mà ông cha họ đã để lại?
- Tôi xin nói với anh rằng, Trung Quốc nói vậy mà không phải vậy. Tôi nghĩ việc hạ đặt giàn khoan có khi chỉ là một hình thức nghi binh của phía Trung Quốc, để họ làm một việc khác, làm chúng ta mất cảnh giác, thế là mắc mưu họ.
- Anh có thể nói rõ hơn?
- Anh thấy đấy, song song với việc hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc còn cho xây dựng đường băng, sân bay, cầu cảng ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm hồi đầu năm 1988. Thậm chí họ còn có mưu đồ biến những bãi đá ngầm, bãi san hô thuộc hai quần đảo chủ quyền của ta thành những đảo nhân tạo. Với Trung Quốc, hễ đặt chân tới nhà ai là họ ngang nhiên biến đấy thành nhà của mình. Mấy hôm trước tôi có bài viết Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc! Trong bài viết tôi đã nói không ngạc nhiên khi Trung Quốc đưa giàn khoan lấn sâu vào thềm lục địa Việt Nam và mang cả một đội tàu hùng hậu, trong ấy có cả tàu chiến, rồi máy bay chiến đấu yểm trợ xâm lấn biển đảo Việt Nam. Anh thử nhìn lại các sự kiện mà Trung Quốc đã làm, năm 1974, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, năm 1979, gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và năm 1988, đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa, thì sẽ thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và trên biển.
Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải linh thiêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Và theo tôi, mọi biến động của nước ta sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.
Bề ngoài Trung Quốc luôn bắt tay Việt Nam và có vẻ như hai nước coi nhau như những người bạn tốt với phương châm 16 chữ: Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện và 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.
- Nhưng với những việc làm gần đây của Trung Quốc dường như họ đã đơn phương vứt bỏ những điều mà họ đã cam kết với Việt Nam?
- Đúng vậy, chúng ta đã tôn trọng, thực hiện đúng cam kết, nhưng Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo. Cái bi kịch lớn nhất của nước ta là lại phải ở bên cạnh một ông bạn nham hiểm và rất xấu tính mà chúng ta không thể chuyển nhà đi chỗ khác. Ở các nước khác trên thế giới, trong đó hầu hết là các nước tư bản, họ sống với nhau rất êm đềm, hòa thuận. Tôi đi từ Pháp sang Đức, từ Pháp sang Bỉ, hay từ Anh sang các nước khác, không thấy có biên giới, không thấy hải quan. Cứ đi thẳng một lèo. Khi nhìn lên biển chỉ đường, thấy dòng chữ khác, mới hay mình đã sang nước khác rồi.
Ta với Trung Quốc, mang danh anh em môi hở răng lạnh, nhưng họ lấn của ta từng gốc cây, ngọn cỏ. Họ nắn cả dòng chảy của sông suối để nước xói mòn sang phía ta. Đây là trò rất trẻ con và bẩn thỉu. Họ thực hiện chiến lược tằm nhấm lá dâu, cả một vùng đất đai cương giới của ta nằm gọn trong túi họ. Chẳng hạn như: Cửa Ải Nam quan, cột cây số không, nơi Nguyễn Trãi chia tay cha là Nguyễn Phi Khanh, giờ đã nằm sâu trong đất Trung Quốc đến hàng chục cây số.
Thác Bản Giốc vốn từ bao đời là danh thắng của chúng ta, giờ Trung Quốc đã chiếm một nửa rồi. Rồi Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép từ mấy chục năm nay. Rõ ràng Trung Quốc là một gã hàng xóm giàu nứt đố, đổ vách, trong nhà chất đầy vàng, nhưng vẫn tìm mọi cách bắt trộm của hàng xóm một con gà nhép, vặt trộm vài cuộng rau. Thật là xấu tính hết chỗ nói.
Và bây giờ, Trung Quốc lại đưa giàn khoan khủng, được xem như lãnh thổ di động của Trung Quốc, được tàu chiến bảo vệ lấn sâu vào thềm lục địa của ta, rồi ngang nhiên tấn công các tàu thuyền chức năng của ta, vu vạ ta gây hấn với họ. Đó là một hành động ngang ngược và bẩn thỉu nhất. Đúng là một kẻ vừa ăn cướp vừa la làng.
Trước sự đấu tranh hòa bình, nhưng cương quyết của Việt Nam và trước sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc đòi ta phải rút hết tàu thuyền về rồi mới đàm phán. Thế có ngang ngược không chứ. Anh là một kẻ cướp. Anh cướp nhà tôi, rồi lại đuổi tôi ra đường để bàn chuyện sở hữu nhà cửa. Có chuyện ngược đời như thế không? Đúng ra, Trung Quốc phải rút hết tàu thuyền, di dời giàn khoan phi pháp ra khỏi khu đặc quyền kinh tế của ta rồi muốn bàn gì thì mới bàn chứ.
- Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện thú vị này!
Đỗ Ngọc Yên (thực hiện)