Các y bác sĩ nghiêng mình trước khi lấy tạng của một người hiến tặng
Theo thống kê, mỗi năm ở Trung Quốc có khoảng 300.000 người chờ để được cấy ghép nội tạng, nhưng chỉ có khoảng 10.000 người may mắn được ghép các bộ phận cơ thể người bao gồm các bộ phận như gan, thận, tim, phổi…. Nhưng số ca cấy ghép nội tạng đó cũng đủ đưa Trung Quốc lên vị trí đứng đầu châu Á và thứ 3 thế giới về số lượng người được cấy ghép nội tạng. Phó Giám đốc Trung tâm hiến tạng thuộc Hội chữ thập đỏ Ren Houueng cho biết, kể từ năm 2010 đến nay hơn 422.000 người Trung Quốc đăng ký hiến tạng sau khi qua đời hoặc chết não.
Cách đây 8 năm, Trung Quốc bắt đầu khởi xướng một chương trình và cơ chế quyên góp, phân phối các bộ phận cơ thể người hiệu quả nên chương trình này đã kêu gọi tới 16.523 người hiến tặng, nhờ đó, cứu sống được hợn 46.000 người. Theo Hội chữ thập đỏ, Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng nội tạng được hiến tặng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Trung Quốc, trong một cuộc khảo sát người dân, 83% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng và tình nguyện hiến tạng. Tuy nhiên, số người tình nguyện đăng ký hiến tạng trên cả nước chưa đến 80.000 người. Lý do tại sao 56% số người muốn hiến tạng không làm thủ tục đăng ký hiến tạng. Qua khảo sát, các chuyên gia khẳng định rằng, đó là do người muốn hiến tạng không biết nơi đăng ký hoặc thủ tục quá phức tạp. Điều tra của một số tờ báo Trung Quốc cho thấy, quy trình đăng ký hiến tạng cũ, một người muốn hiến tặng nội tạng phải đăng ký tối đa 14 thông tin bắt buộc trong đó có quốc tịch, hộ khẩu, địa chỉ, …. Trong quá trình này, nhiều người không đủ kiên nhẫn để hoàn thành bản đăng ký, thậm chí là bỏ đăng ký.
Đa dạng cách thức kêu gọi hiến tạng
Đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả trong kêu gọi cộng đồng tham gia hiến tặng nội tạng, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là quốc gia Á Đông, chưa thể xóa bỏ hoàn toàn những rào cản, định kiến và cả quan niệm truyền thống Á Đông là cơ thể chúng ta là do ba mẹ ban tặng, cần phải giữ gìn toàn vẹn đến khi chết, nên số người hiến tạng cũng như các ca ghép tạng còn quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội.
Các nhà hoạch định chiến lược đã nghĩ ra nhiều cách thức để thu hút người tình nguyện hiến tặng cơ quan nội tạng sau khi chết. Ngoài đăng ký hiến tặng nội tạng tại các Trung tâm lớn, người dân Trung Quốc có thể đăng ký hiến tạng khi làm giấy phép lái xe đề phòng người đăng ký không may bị tai nạn dẫn đến chết não. Hay đăng ký hiến tạng trên mạng. Công ty Công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Alibaba đã đưa ra môt hệ thống hiến tặng nội tạng tự nguyện qua ứng dụng Alipay. Tất cả quá trình đăng ký không quá 10 giây. Đặc biệt trang thông tin này được phát triển và quản lý bởi Tổ chức cấy ghép nội tạng Trung Quốc , thuộc Ủy ban Y tế và kế hoạch. Từ cuối năm 2016 đến nay cổng thông tin này thu hút được 230.000 người đăng ký hiến tạng.
Nhờ công nghệ thông tin, Trung Quốc đang tạo ra một sự thay đổi lớn về việc hiến tặng nội tạng. Đó là một cơ sở dữ liệu lớn về những người hiến tặng nội tạng, người đang có nhu cầu nhận nội tạng, sự tương thích giữa người hiến và người tặng, từ đó sẽ đưa ra những cảnh báo bằng tin nhắn văn bản đến bác sĩ ngay khi có nguồn nội tạng phù hợp.
Tưởng niệm những người đã hiến tặng nội tạng ở Hồ Bắc, Trung Quốc
Bên cạnh đó, hợp tác với các cơ quan, tổ chức hiến tạng các nước khác đang đem lại hiệu quả không nhỏ cho người bệnh ở Trung Quốc. Thông qua chương trình hiến tặng tủy xương (CMDP) Trung Quốc, từ năm 2001 đến nay, Trung Quốc đã kêu gọi được 2,3 triệu người đăng ký, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có ngân hàng dữ liệu tủy sống lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Mỹ, Đức, Brazil. Trong đó, 6.444 trường hợp đã hiến tủy , thâm chí có 254 trường hợp hiến tặng cho các bệnh nhân nước ngoài. Qua liên kết mạng lưới quốc tế, CDMP đã mở các dịch vụ tìm kiếm nguồn tủy sống phù hợp cho bệnh nhân Trung Quốc ở các quốc gia khác bao gồm Mỹ, Canada, Singapore, Anh, Pháp…
Hàng năm Trung Quốc thường tổ chức các buổi lễ tưởng niệm cho những người hiến tặng nội tạng – đây không chỉ là một việc làm ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của những con người dù đã qua đời nhưng tặng lại một phần cơ thể mình để cứu người khác được sống mà còn là cách khơi gợi tình yêu thương, đánh thức lòng nhân ái của mỗi người còn sống trong cộng đồng, xã hội.