Trung Quốc, Nga hoan hỉ với cú bắt tay 400 tỷ USD

23-05-2014 14:34 | Quốc tế
google news

Với bản hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc, Nga hy vọng giảm sự lệ thuộc vào thị trường châu Âu, còn khi Bắc Kinh có thêm nguồn cung quan trọng giải tỏa cơn khát năng lượng.

Với bản hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc, Nga hy vọng giảm sự lệ thuộc vào thị trường châu Âu, còn khi Bắc Kinh có thêm nguồn cung quan trọng giải tỏa cơn khát năng lượng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (đứng bên trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt lịch sử. Ảnh: AP

 

Bản hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD giữa công ty Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán 10 năm, từ đó mở cửa thị trường tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới cho ngành dầu khí Nga.

Đối với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin, bản hợp đồng trên mang ý nghĩa kinh tế chính trị quan trọng, nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga với thị trường châu Âu, nhất là khi Moscow đang bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lo ngại trước hiện thực phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung khí đốt Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tăng tốc kế hoạch tìm kiếm nguồn cung mới và nguồn năng lượng thay thế, cũng như hạn chế hoạt động mở rộng thị trường của Gazprom.

Vì vậy, thỏa thuận trên được Tổng thống Putin đánh giá là sự kiện có ý nghĩa thời đại, củng cố hơn nữa mối quan hệ Nga - Trung vốn không ngừng nồng ấm kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền. Từ năm 2013 đến nay, lãnh đạo hai nước đã có 7 lần tiếp xúc trực tiếp.

"Nga đã chứng minh được rằng chúng tôi và Trung Quốc có thể tìm được lập trường chung, để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ", ông Fyodor Lukyanov, chủ tịch Ủy ban chính sách Ngoại giao và Quốc phòng Nga, cho biết. "Trung Quốc không tranh thủ lợi dụng tình thế hiện nay để ép giá quá đáng".

Cũng chung nhận định trên, Các nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co nhận xét: "Thỏa thuận này sẽ đem lại lợi ích dài hạn cho Gazprom, kể cả khi giá chính xác không được công khai. Vì thực ra, họ đang mua sự đa dạng hóa".

Động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh là nhu cầu chung muốn thay đổi trật tự thế giới hiện tại do Mỹ chủ đạo. Đặc biệt trong thời điểm này, Điện Kremlin muốn chứng minh rằng Washington và đồng minh châu Âu đang dần suy yếu.

"Điều này là cơ hội duy nhất để buộc Mỹ phải tái tiếp xúc với Nga, bởi Washington không mong muốn nhìn thấy cục diện Nga liên minh với Trung Quốc", Financial Times dẫn lời một quan chức Nga giấu tên cho biết.

Trung Quốc cũng đang bất mãn và phản đối chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, bởi điều này sẽ cản trở tham vọng trở thành bá chủ mới tại khu vực của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, giới phân tích chiến lược nhận định rằng trước những sức ép lớn từ phương Tây, Moscow đã phải nhượng bộ để đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh trước khi Tổng thống Putin rời Thượng Hải.

Chi tiết của bản hợp đồng hiện vẫn chưa được công bố, nhưng Chủ tịch Gazprom Alexey Miller cho biết Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong thời gian 30 năm, với mức giá 350 USD cho 1000 mét khối. Mức giá mà Nga cung cấp cho châu Âu năm 2013 là 380 USD.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết cơ chế định giá của hợp đồng trên sẽ tương tự như với châu Âu, đều gắn chặt với giá dầu trên thị trường. Đây từng là một trong những điều khoản mà Bắc Kinh không chấp nhận.

  • khi-dot-Nga-EU-9290-1394250595.jpg
    Châu Âu đang tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, trong khi năng lượng là nguồn thu chính của nền kinh tế nước này. Đồ họa: CNN
  •  

Trên thực tế, chiến lược hướng đông của ông Putin, với mũi nhọn là ngành dầu khí, vẫn gặp phải những trở ngại lớn, bởi Trung Quốc nhận thức rất rõ hiện thực rằng quy mô thương mại Trung - Mỹ lớn gấp ba lần so với Nga và sức ảnh hưởng của Moscow ngày nay cũng không thể so sánh với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

"Ông Putin hiểu rất rõ hạn chế của mình là gì. Mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và phương Tây lớn hơn nhiều so với Nga. Trung Quốc quan tâm hơn đến cặp quan hệ đầu, bởi chúng tôi hưởng lợi từ xu thế toàn cầu hóa", ông Vương Nghị Nguy, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu EU thuộc đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.

Thỏa thuận trên cũng cho thấy sự bất bình đẳng trong quan hệ hiện nay giữa hai nước. Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của Trung Quốc duy trì ở mức ít nhất là 7%, trong khi nền kinh tế Nga còn ẩn chứa nhiều nguy cơ. Ngoài ra, Moscow cũng không phải là nguồn cung khí đốt duy nhất của Bắc Kinh.

Ngoài nhu cầu tập hợp lực lượng, Trung Quốc ký kết với Nga thỏa thuận trên còn nhằm mục đích mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng tại vùng Siberia và tăng cường quan hệ với Trung Á, khu vực vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga. Nhưng đây chính là viễn cảnh mà Moscow không hề mong muốn.

Hơn nữa, theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, kế hoạch xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc phải đến năm 2018 mới bắt đầu và lượng xuất khẩu chỉ tương đương với 30% thị trường châu Âu, chiếm 16% tổng lượng xuất khẩu của Gazprom hiện nay.

Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng không thể coi hợp đồng khí đốt lần này là thắng lợi hoàn toàn của Điện Kremlin, bởi nó bộc lộ những nguy cơ trong kết cấu kinh tế Nga, đồng thời chưa đủ mạnh để giúp Moscow thoát khỏi ảnh hưởng từ khách hàng chủ chốt châu Âu.

"Putin đang nói với phương Tây rằng nếu như hai bên không thể đạt được tiếng nói chung, Nga sẽ hướng về phía đông. Nhưng trên thực tế ông ấy khó có thể hoàn toàn thực hiện được điều này", chuyên gia Vương Nghị Nguy kết luận.

Đức Dương

 

 


Ý kiến của bạn